Nam Định: Ngổn ngang việc học hành nơi tâm dịch
Dịch bệnh bùng phát ngay tại thời điểm khai giảng năm học mới nên việc học hành nơi này trở thành “tâm điểm chú ý” của mọi gia đình.
“Náo loạn” trước ngày khai trường
Ngày khai giảng tại trường TH Hải Phú, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định |
Vốn là miền quê yên ả nhưng khi dịch bệnh bùng phát bất ngờ, mọi sinh hoạt gia đình anh Nguyễn Văn Nam (thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu) bị đảo lộn.
Bênh cạnh nỗi lo về lương thực, thực phẩm trong những ngày giãn cách, lo các phương án phòng chống dịch cho bản thân, khu xóm làng, tổ dân phố… gia đình anh còn “rối tung, rối mù” bởi thiếu thông tin chính thống về lịch khai giảng của các con.
Anh Nam cho biết: “Nhà tôi có 2 cháu học hai cấp THCS và tiểu học. Không chỉ riêng gia đình tôi, trước ngày khai giảng hầu hết các bậc phụ huynh tại Hải Hậu đều “cuống cuồng” lo cho các con.
Lịch khai giảng ra sao, đi khai giảng như thế nào trong bối cách dịch bệnh, trường nào được nghỉ, trường nào phải đến lớp, chúng tôi không tìm được văn bản chính thức nào của huyện hay Phòng Giáo dục và Đào tạo. Trên các trang web chính thức vẫn phát đi những văn bản khác nhưng tuyệt nhiên trước ngày khai giảng, không có văn bản nào nói về lịch học hành của hàng vạn học sinh trên địa bàn.
Có nơi, trường nhắn tin vẫn đi tập trung, nơi thì cô nhắn tin được nghỉ, nơi loa phát thanh bảo ở nhà theo dõi khai giảng qua truyền hình. Quả thật đêm đó nhiều gia đình ở Hải Hậu mất ăn, mất ngủ”.
Loay hoay trực tuyến
Thầy cô và các học sinh trường TH Hải Phú theo dõi khai giảng qua truyền hình |
Sau ngày khai giảng, học sinh tại các trường huyện Hải Hậu ngừng đến lớp, học trực tuyến ở nhà. Việc học trực tuyến ở các thành phố lớn đã gian nan, tại huyện nông thôn như Hải Hậu, dù cha mẹ rất cố gắng nhưng có hàng trăm câu chuyện “dở khóc, dở cười”.
Anh Nguyễn Hải Long, một phụ huynh cho hay: Đường truyền Internet sóng lúc được, lúc không. Nhà tôi có 3 đứa con nhưng chỉ có 1 điện thoại của bố có thể vào mạng. Thế là 1 đứa học, 2 đứa đành nghỉ. Tôi làm nghề nông vì đang dịch bệnh nên bà con xa gần nhiều người gọi điện về hỏi thăm. Lúc con đang học, cứ có điện thoại là đường truyền ngắt quãng khiến thằng bé lúc nghe được, lúc mất sóng”.
Đường truyền chập chờn, theo dõi gián đoạn nên học được 30 phút, con anh Long bỏ máy điện thoại, bỏ luôn cả việc học.
“Người lớn vừa theo dõi màn hình, vừa căng tai ra nghe, lại còn đối phó với sóng ngắt quãng chắc cũng không chịu nổi. Ngay sau buổi đầu tiên, tôi đã đồng ý cho con ngừng học trực tuyến. Thôi thì đến đâu thì đến”, Anh long nói.
Rối bời khi nghe tin đi học lại
Tối 6/9, UBND huyện Hải Hậu phát hành văn bản về việc tổ chức dạy và học năm học mới. Theo đó, quy định các trường trong khu vực có F1, F0; Trường trên địa bàn có nhiều thầy cô và học sinh F1 và F2 tạm dừng tổ chức dạy và học.
Các trường tiểu học còn lại căn cứ tình hình và điều kiện cụ thể tổ chức dạy và học phù hợp; Đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức và có hình thức kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh. Các trường THCS tổ chức dạy và học trực tiếp đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch.
Do ảnh hưởng dịch bệnh, ngày tựu trường chỉ có số ít học sinh tham dự |
Ngày 7/9, một số trường học trên địa bàn huyện đã cho học sinh đi học trở lại. Việc đi học trực tiếp trong bối cảnh hiện vẫn có nhiều xã, thị trấn, tổ dân phố nằm trong diện giãn cách xã hội, các ca lây nhiễm dù đã qua 4 ngày không có ca phát sinh nhưng hiện chưa truy vết được nguồn lây, khiến nhiều phu huynh lo lắng.
Chị Trần Thị Hường, phụ huynh có con đi học tại huyện Hải Hậu cho hay: Nói chung chưa có gì ổn mà cho học sinh đến trường là quá nguy hiểm. Chúng ta cần xét nghiệm diện rộng và có kết quả truy vết mới nên cho các con trở lại trường.
Khai giảng của học trò huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định |
Chị Phạm Thị Giang bày tỏ: "Sáng nay trường Tiểu học Hải Long đã bắt đầu đi học rồi. Tôi vừa cho con đi học vừa lo".
Nhiều bậc phụ huynh nêu quan điểm, tốt nhất các trường nên để sau 14 ngày kể từ khi địa bàn phát hiện các ca F0 rồi mới mở trường cho các con đi học trở lại. Việc học rất cần thiết nhưng sức khỏe mới thực sự quan trọng. Sau dịch, các trường có thể tổ chức tăng tiết, học bù, thậm chí học kéo dài sang lịch nghỉ hè.
Nỗi niềm của học trò về từ “vùng đỏ”Hiện Hải Hậu nói riêng và nhiều vùng quê nói chung, có không ít các gia đình từ các tỉnh miền Nam, vùng dịch về quê. Nhiều người trong số họ đã hoàn thành việc cách ly tại địa phương, do nhu cầu đi học của các con nên tạm chuyển trường, lớp để con theo kịp việc học. Nhiều đứa trẻ gặp khó khăn do lạ trường, lớp, cô thầy. Bên cạnh đó, không ít cháu bị xa lánh bởi… “đến từ vùng dịch”. Trước thềm năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú do dịch Covid-19 nhằm bảo đảm quyền lợi học tập. |