Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai
Quan trọng nhất vẫn là chủ động phòng ngừa
Thực tế cho thấy, mặc dù đợt mưa, lũ trong thời gian vừa qua diễn ra bất ngờ và lớn hơn nhiều so với các đợt mưa, lũ trước đây, nhưng thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra đã giảm đáng kể.
Về công tác cứu hộ, cứu nạn, nhiều năm qua, Việt Nam đã giảm được cơ bản thiệt hại về người, tàu, thuyền trên biển mỗi khi bão đổ bộ. Có được những thành quả đó là do chúng ta đã làm tốt công tác cảnh báo, thông báo, kêu gọi, cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền trên biển. Trước, trong và sau lũ, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ hàng trăm nghìn người dân di chuyển đến nơi ở an toàn, hạn chế phần lớn thiệt hại do bão, lũ trực tiếp gây ra.
Nhằm giảm tổn thất do thời tiết, thiên tai gây ra, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là chủ động phòng ngừa, ứng phó. Đây được coi là giải pháp đặc biệt quan trọng để giảm rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó, chủ động phòng ngừa cần được ưu tiên hơn.
Người dân dọn dẹp vệ sinh sau mưa lũ |
Để làm tốt giải pháp này, ngay từ bây giờ, các địa phương cần quán triệt, thực hiện ngay Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Cùng với nhiệm vụ này, các địa phương khẩn trương triển khai ngay nhiệm vụ rà soát, xây dựng chi tiết phương án ứng phó từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn; Chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân trước các tình huống mưa, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất...
Bên cạnh việc kiện toàn bộ máy, cơ quan chức năng cần rà soát, cập nhật, sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời; Nhất là các tình huống bão muộn trên Biển Ðông, đổ bộ vào khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ; Tổ chức đào tạo, tập huấn cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai và cộng đồng bằng các hình thức phong phú, hấp dẫn, dễ áp dụng.
Nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, các đơn vị cần tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo; Trong đó, trọng tâm là nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác dự báo và phòng, chống thiên tai các cấp; Khẩn trương bổ sung các trạm quan trắc khí tượng - thủy văn, tiến tới hiện đại hóa công nghệ dự báo.
Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai
Do tình hình thiên tai ngày càng cực đoan, khốc liệt cùng với điều kiện chia cắt về mặt địa lý cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, đã và đang đặt các cộng đồng trong môi trường dễ bị tổn thương, người dân là một trong những đối tượng đầu tiên phải đối mặt với các rủi ro thiên tai. Trong khi đó, đối với công tác quản lý rủi ro thiên tai, tiêu điểm luôn là cộng đồng địa phương. Vì vậy, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, nâng cao năng lực của chính quyền trong phòng chống thiên tai là rất cần thiết.
Ông Đặng Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng (Tổng cục Phòng chống thiên tai) cho biết: Lý do cần nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng trong phòng chống thiên tai là vì người dân địa phương hiểu rõ nhất về cộng đồng của họ, biết các thuận lợi, khó khăn, thách thức và nhu cầu của mình khi thiên tai xảy ra; Biết cách huy động và gắn kết các thành viên trong cộng đồng với nhau.
Điều cần thiết mà người dân mong muốn ở đây là được bổ sung kiến thức, được cập nhật thông tin và được nâng cao nhận thức và kiến thức của mình trong lĩnh vực phòng chống thiên tai để góp phần làm tăng khả năng chống chịu cho cộng đồng và cho chính gia đình của họ.
Các địa phương cần tuyên truyền, tập huấn cho người dân về công tác phòng chống thiên tai |
Theo ông Đặng Quang Minh, thông qua đào tạo, tập huấn, sẽ giúp cộng đồng hiểu rõ bản chất rủi ro thiên tai. Từ đó, các đơn vị có sự chủ động, chuẩn bị tốt các biện pháp phòng, tránh thiên tai; Cụ thể ở đây là việc người dân chủ động có phương án giảm nhẹ rủi ro thiên tai cấp hộ gia đình. Điều này sẽ giúp hộ chủ động chuẩn bị phòng ngừa, ứng phó khi có thiên tai xảy ra nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản, các đối tượng dễ bị tổn thương; Các biện pháp để tự khắc phục những thiệt hại có thể có nếu thiên tai xảy ra trong khả năng của hộ gia đình trước khi yêu cầu trợ giúp từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần nâng cao ý thức chấp hành của người dân đối với các chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền cơ sở. Chính quyền địa phương cần theo sát, nắm bắt nhu cầu của người dân để có chỉ đạo sâu sát, cụ thể hơn. Qua đó, người dân sẽ có thái độ, hành vi tích cực hơn trong việc hợp tác, thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền như chủ động các biện pháp phòng tránh ngay từ khi nhận được tin cảnh báo; Sẵn sàng di dời đến nơi an toàn theo lệnh của chính quyền, không ở lại trên lồng bè khi bão đổ bộ …
Việc nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng cũng giúp phát huy hiệu quả phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống thiên tai. Với mỗi cồng đồng mạnh thì phương châm 4 tại chỗ càng phát huy hiệu quả. Tuy vậy, phương châm này ở mỗi một giai đoạn, mỗi cấp, mỗi vùng, đòi hỏi có những đặc điểm khác nhau thì mới đáp ứng được yêu cầu.
Cùng với đó, các địa phương là tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức cho cộng đồng; Đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho những người làm công tác phòng chống thiên tai. Cơ quan chức năng chú trọng tập huấn nâng cao kiến thức cho trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ truyền thông, tuyên truyền cấp cơ sở; Tổ chức đánh giá rủi ro thiên tai có sự tham gia của cộng đồng; Xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai có sự tham gia của cộng đồng.
Sau mỗi trận thiên tai xảy ra, cần tổng kết, xây dựng các bài học kinh nghiệm; Phổ biến, tuyên truyền kịp thời tới cộng đồng để không bị lặp lại thiệt hại cho các thiên tai tương tự. Đặc biệt, các đơn vị cần đưa kiến thức phòng chống thiên tai vào giảng dạy tại cấp học trong nhà trường để các em học sinh nâng cao nhận thức và ứng phó kịp thời khi xảy ra thiên tai.