Nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp Thủ đô
Hình thành chuỗi cung ứng khép kín
Với mục tiêu tăng cường bảo đảm chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm nông lâm, thủy sản cho Thủ đô, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tập trung rà soát các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm định hướng xây dựng chuỗi liên kết đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay, Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng và phát triển được 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tăng 140 chuỗi so với giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, nhiều địa phương phát triển được chuỗi cung ứng về Hà Nội tiêu thụ như Sơn La với 144 chuỗi, Hòa Bình: 65 chuỗi, Lào Cai: 53 chuỗi, Hưng Yên: 41 chuỗi, Đồng Tháp: 28 chuỗi…
Tính riêng Hà Nội đã xây dựng và phát triển được 159 chuỗi, trong đó, nhiều chuỗi được tổ chức khép kín từ khâu sản xuất đến khâu phân phối tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu mạnh trên thị trường.
Một trong số những chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm được kể đến là Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức). Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Văn Hào cho biết: Hiện hợp tác xã có tổng diện tích 33ha, các hộ nông dân trên địa bàn xã tập trung sản xuất theo hướng VietGAP và được cấp nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý. Để đẩy mạnh tiêu thụ, hợp tác xã đã ký kết với 10 doanh nghiệp bao tiêu sản lượng đạt khoảng 50% tổng sản lượng của toàn hợp tác xã.
Thông qua chuỗi liên kết, các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các kênh phân phối hiện đại, siêu thị |
Ngoài ra, hợp tác xã cũng ký hợp đồng cung ứng rau cho chuỗi siêu thị Winmart, Big C và các cửa hàng rau sạch. Trung bình một ngày, hợp tác xã tiêu thụ khoảng 15-20 tấn rau, với giá bán từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg. Nhờ sản xuất theo chuỗi liên kết, đầu ra cho sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã không những ổn định, mà giá cao hơn 10% so với sản xuất theo hướng truyền thống.
Nhấn mạnh về vai trò của việc xây dựng chuỗi cung ứng và tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho rằng: Việc xây dựng chuỗi cung ứng và tiêu thụ nông sản có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp.
Hiện tại, các chuỗi đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Hơn nữa, liên kết sản xuất theo chuỗi góp phần ổn định sản lượng, thích ứng với các diễn biến nhu cầu thị trường, giảm tình trạng cung vượt cầu, hạn chế tổn thất cho nông dân…
Đặc biệt là giúp hỗ trợ các đơn vị sản xuất quảng bá thương hiệu sản phẩm đến người tiêu dùng và các nhà phân phối lựa chọn sản phẩm có chất lượng, ưu thế cạnh tranh nông sản trên thị trường…
Bên cạnh đó, các chuỗi liên kết sản xuất cũng tạo điều kiện cho các ngành chức năng trong kiểm soát nguồn gốc nông sản trên thị trường. Thông qua chuỗi liên kết, các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các kênh phân phối hiện đại, siêu thị, như: Central Group, Aeon, Lotte…, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp Thủ đô.
Tăng cường giám sát, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm
Mặc dù Hà Nội đã xây dựng được chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm nông lâm, thủy sản, song quá trình xây dựng và phát triển chuỗi liên kết nông sản còn khó khăn, do các chuỗi này có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là liên kết theo hình thức "thuận mua, vừa bán" giữa các chủ thể sản xuất với doanh nghiệp và thương lái tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, giá cả thiếu ổn định, dễ xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng liên kết. Sự phát triển không đều giữa các chuỗi giá trị, quy hoạch vùng sản xuất còn lỏng lẻo, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR |
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, có 100% chủ thể tham gia liên kết chuỗi được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ; 100% chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, tập trung; Đồng thời, đẩy mạnh việc đăng ký và quản lý mã số vùng sản xuất để bảo đảm tiêu chí xuất khẩu. Hà Nội cũng sẽ ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất, sơ chế, đóng gói, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhằm tăng giá trị cho sản phẩm.
Đồng chí Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Hiện Sở đang tập trung rà soát các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhằm định hướng xây dựng chuỗi liên kết, đáp ứng yêu cầu mới.
Cùng với đó, Sở cũng tham mưu cho thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, kho tàng, nhà xưởng chế biến, nhằm hoàn thiện chuỗi liên kết; Mở các lớp tập huấn cho chủ thể tham gia liên kết chuỗi nâng cao nghiệp vụ; Đồng thời, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc, sử dụng mã QR để minh bạch thông tin sản phẩm trên thị trường.
Đối với các địa phương, cần hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn xây dựng chuỗi, đào tạo, tập huấn kiến thức cho hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, kiến thức và kỹ năng thị trường, quy trình kỹ thuật sản xuất, tổ chức sản xuất, giám sát, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm...