Nâng cao kiến thức pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội và phòng tránh tín dụng đen
Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết, trong thực tiễn quan hệ lao động, việc tuân thủ đầy đủ, nghiêm chỉnh pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội của cả người sử dụng lao động và người lao động có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình phát biểu khai mạc |
Thế nhưng, trong khi các quy định của pháp luật liên tục được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế ở từng thời điểm mà đại đa số người lao động và cũng không ít người sử dụng lao động lại không cập nhật nắm bắt kịp thời vì nhiều lý do khác nhau, dẫn đến việc có lúc, có nơi, chính sách pháp luật còn chưa được thực thi đầy đủ, quyền lợi của người lao động ở một số doanh nghiệp còn bị vi phạm.
Bên cạnh đó, thời gian qua, do những ảnh hưởng của thời kỳ hậu COVID-19 và những yếu tố bất lợi từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới, việc sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó, ảnh hưởng nhiều đến việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân lao động là một trong những nguyên nhân khiến vấn nạn “tín dụng đen” bùng phát trong đời sống công nhân.
Vì thế, buổi đối thoại sẽ giúp nâng cao kiến thức pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội và phòng tránh tín dụng đen, góp phần để chính sách pháp luật được thực thi hiệu quả, bảo vệ được quyền lợi của người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa.
Công nhân tham gia đối thoại tại chương trình |
Tại buổi đối thoại, các công nhân, viên chức, lao động đã trực tiếp trao đổi về những vấn đề thắc mắc liên quan đến pháp luật lao động. Chị Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Long Xuyên hỏi: "Bạn tôi có vay tín dụng đen 100 triệu đồng. Hiện tại bên cho vay đang thực hiện các hành vi côn đồ để đòi nợ. Tôi xin hỏi, hành vi của bên cho vay ở trên có phải là hành vi vi phạm pháp luật không? Người thân của bạn tôi có phải chịu trách nhiệm liên đới không ?".
Trả lời câu hỏi, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Cục Truyền thông Công an Nhân dân, Bộ Công an cho biết: Hiện nay ở Việt Nam chưa có khái niệm bằng văn bản về tín dụng đen, tuy nhiên thực tế có thể hiểu tín dụng đen là một hình thức vay tiền lãi suất cao từ các tổ chức không đăng ký kinh doanh. Đây là hình thức vay tín chấp, thời gian giải ngân rất nhanh, các giao dịch không được pháp luật bảo hộ và lãi suất rất cao. Theo quy định Luật Dân sự, lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm.
Câu chuyện cho vay 100 triệu đồng như trên, nếu như vượt qua 5 lần so với khoản vay mức 20%/năm thì có dấu hiệu tội phạm cho vay nặng lãi, thu nhập bất chính, hành vi có dấu hiệu cấu thành hình sự. Theo Luật Dân sự, nếu khoản vay nào vượt quá mức lãi suất 20% của khoản vay đó, thì người vay không phải trả lãi của khoản vay đó.
Luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội bổ sung: Nếu người đi vay dưới 18 tuổi, có tài sản riêng thì vẫn phải chịu trách nhiệm trả nợ, người thân không phải trả. Dưới 12 tuổi, giao dịch dân sự vô hiệu, do đó các khoản tiền vay 100 triệu đồng trên sẽ chỉ phải trả đúng 100 triệu đồng chứ không phải trả lãi.
Theo pháp luật, khi người vay đi vay tiền của người khác thì người thân không phải chịu trách nhiệm về khoản vay đó. Trừ quan hệ vợ, chồng, nếu khoản vay đó liên quan đến tài sản chung, chi tiêu chung trong sinh hoạt chung vợ chồng. Nếu khoản vay đó không liên quan đến sinh hoạt chung thì vợ hoặc chồng của người vay sẽ không phải trả, trừ khi tự bản thân họ muốn trả. Còn hành vi uy hiếp gia đình người vay nợ như ném chất bẩn vào nhà, gọi điện liên tục,… nếu bị tố cáo sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật (tùy hành vi).
Ban tổ chức tặng hoa các chuyên gia |
Chị Hà Thị Thu Hương, Trường mầm non Long Xuyên hỏi: "Bạn tôi làm việc trong một doanh nghiệp ngành Xây dựng được hơn 20 năm và bị nợ bảo hiểm xã hội gần 10 năm. Hiện nay, bạn tôi muốn nghỉ việc để đi xin việc khác mà Công ty cũng không thực hiện tách đóng bảo hiểm xã hội để chốt sổ. Xin hỏi các chuyên gia, trường hợp này, bạn tôi có thể đóng bảo hiểm tiếp ở công ty khác được không và có được cộng dồn thời gian cách quãng không, hay phải chốt được sổ thì mới đóng tiếp được?".
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội trả lời: Cơ quan BHXH đã có văn bản hướng dẫn đối với đơn vị nợ đóng bảo hiểm. Trường hợp nợ có 2 cách giải quyết, thứ nhất là đóng như chị nói làm sao để đến thời điểm người lao động chấm dứt hợp đồng lao động vẫn được hưởng quyền lợi. Hai là có thể chốt đến thời điểm đơn vị đóng đủ, sau đó người lao động vẫn chuyển việc và làm ở đơn vị mới bình thường.
Thời gian sẽ được nối từ thời gian đóng đủ đến thời gian làm việc ở đơn vị mới, cơ quan nợ bảo hiểm khắc phục đến đâu cơ quan BHXH sẽ tiếp tục ghi nhận, vẫn cộng quá trình đóng bảo hiểm cho anh chị.
Buổi đối thoại đã tập trung giải đáp thắc mắc của người lao động liên quan đến các chế độ, chính sách như: Hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, đặc biệt là loại hình tội phạm “tín dụng đen”..., từ đó góp phần nâng cao kiến thức về pháp luật lao động cho công nhân, viên chức, lao động.