Nâng cao nhận thức cho học sinh, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai
Thiên tai và những hậu quả nặng nề
Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong vòng 30 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm gần 400 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế 1,0 - 1,5% GDP.
Đặc biệt, khu vực duyên hải Miền Trung đang phải đối diện với nguy cơ ngày càng gia tăng của các loại hình thiên tai như: bão, lũ, lũ quét sạt lở đất, xói lở bờ sông, bờ biển; giông, lốc, sét; hạn hán và xâm nhập mặn, và đặc biệt thời gian gần đây còn bị tác động của cả động đất.
Thiên tai, bão lũ gây ra những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, trong đó có học sinh |
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, trong năm 2022, xoáy thuận nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên khu vực Biển Đông phù hợp với quy luật khí hậu. Số lượng xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm. Nửa đầu mùa (tháng 6-9), xoáy thuận nhiệt đới sẽ tập trung ở khu vực Bắc và Giữa Biển Đông và có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; vào thời kỳ nửa cuối mùa (từ tháng 9-11) sẽ tập trung ở khu vực Giữa và Nam Biển Đông và ảnh hưởng nhiều đến khu vực Trung Bộ. Tổng lượng mưa 6 tháng đầu năm 2022 có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm.
Trong 6 tháng cuối năm 2022 lượng mưa có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt mưa nhiều hơn so với trung bình ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào tháng 7-9/2022 và từ tháng 9-11/2022 ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ. Nắng nóng ở các khu vực có khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình và có khả năng không gay gắt, kéo dài.
Trong năm 2022, các hiện tượng thời tiết, khí hậu thường vẫn có khả năng có những biến động mạnh nên cần lưu ý đề phòng bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong các tháng mùa mưa bão.
Đứng trước diễn biến bất ngờ của thời tiết, việc nâng cao nhận thức, hiểu biết của các tầng lớp nhân dân để giảm nhẹ những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra là vô cùng quan trọng. Trong đó, việc nâng cao nhận thức giúp học sinh có thêm kỹ năng xử lý các tình huống, bảo vệ mình trước thiên tai được coi là một trong những nhiệm vụ then chốt.
Giáo dục kiến thức sinh tồn trước thiên tai
Vậy ở các nhà trường, việc giáo dục kỹ năng sống để học sinh có thể ứng phó được với diễn biến bất thường của thời tiết được diễn ra như thế nào?
Là giáo viên Địa lý, cô Lê Thị Hải Anh (Trường THPT Thăng Long, Hà Nội) vẫn thường lồng ghép nội dung giáo dục về phòng chống thiên tai vào bài dạy. Tùy theo nội dung bài học, việc lồng ghép, tích hợp có thể là một phần hay cả bài và giáo viên căn cứ vào đó để xây dựng kế hoạch, tình huống dạy học phù hợp.
Các em học sinh được trang bị kiến thức, nâng cao kỹ năng tự bảo vệ mình trước thiên tai |
“Giáo dục phòng chống thiên tai rất quan trọng, thiết thực. Dù triển khai có đôi chút khó khăn về thời gian, kinh phí, địa điểm, nhưng quá trình dạy học thực sự đem lại hiệu quả tích cực, giúp học sinh phát triển nhân cách toàn diện, tích lũy được kiến thức từ đời sống, có trách nhiệm hơn với môi trường và phòng chống thiên tai” - cô Hải Anh chia sẻ.
Không chỉ trong các bài học trên lớp, việc trang bị kiến thức còn được nhiều địa phương thực hiện đa dạng, lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa. Mới đây, vào ngày 23/9 tại trường THCS Đỗ Thúc Tịnh, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP. Đà Nẵng tổ chức cuộc thi "Rung chuông vàng - cùng em phòng chống thiên tai, kiến tạo tương lại bền vững”.
Cuộc thi nhằm tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về phòng, chống thiên tai, qua đó nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó với thiên tai tập trung cho đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên trong trường học về công tác phòng, chống thiên tai; tạo sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhà trường với công tác phòng, chống thiên tai.
Nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu cho học sinh, còn được thông qua nhiều hoạt động ngoại khóa trong ngành giáo dục ở thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng).
Tại trường TH&THCS Lai Hòa, trong tháng 5/2022, Phòng GD&ĐT thị xã Vĩnh Châu đã chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam và Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, tổ chức thành công chuỗi hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia PCTT, trong đó có các hoạt động ngoại khóa.
Cụ thể, học sinh tiểu học của trường được tiếp cận, làm quen với khái niệm thiên tai và phòng chống thiên tai qua hình thức vẽ tranh ngoại khóa sáng tạo, vui vẻ. Hoạt động này vừa tạo sân chơi bổ ích sau giờ học, đồng thời thúc đẩy các em học sinh thể hiện sự hiểu biết quan điểm cá nhân về thiên tai và cách PCTT.
Có 713 em học sinh tiểu học đã tham gia vẽ tranh. Các bức tranh đã thể hiện góc nhìn của các em về các loại hình thiên tai và sự nguy hiểm của nó đối với con người như: bão cuốn bay nhà cửa cây cối; lũ lụt nhấn chìm mọi thứ trong biển nước; lũ quét, sạt lở đất vùi lấp con người, đồ vật; hạn hán, xâm nhập mặn khiến cây cối chết khô, héo úa, con người vất vả chống chọi; rét đậm, rét hại có thể đóng băng cây cối trên các vùng núi cao, làm chết trâu bò, vật nuôi khác; sạt lở bờ sông, bờ biển có thể làm đổ sập cả dãy nhà, đường …
Học sinh vào giáo viên cấp trung học cơ sở được nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống thiên tai qua cuộc thi “Rung chuông vàng”. Theo đó, các lớp tổ chức tranh tài nội bộ (trong tiết sinh hoạt của tuần) để lựa chọn khoảng 5-10 học sinh đại diện cho lớp tham dự vòng chung kết toàn trường. Các lớp phát động cuộc thi và tổ chức ôn tập cho học sinh theo bộ câu hỏi về phòng chống thiên tai do Ban tổ chức cung cấp.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh: “Giáo dục là lĩnh vực đóng vai trò then chốt trong giai đoạn phòng ngừa thiên tai, có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng trong ứng phó thiên tai, nâng cao ý thức của học sinh. Mỗi học sinh sẽ là một tuyên truyền viên, giúp chúng ta truyền thông đến từng gia đình”.