Nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã
Buôn bán trái phép động vật hoang dã và những hệ lụy Tuổi trẻ chung tay bảo vệ động vật hoang dã |
Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai thả cá thể kỳ đà vân về rừng |
Nhiều loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng
Theo các chuyên gia, các loài động vật hoang dã có ý nghĩa và lợi ích quan trọng trong cuộc sống của con người như: Tạo nguồn gen quí, tạo nguồn nguyên liệu dược phẩm để con người chế biến thành thuốc phục vụ hoạt động y học… Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ đa dạng sinh học, trong đó có bảo vệ các loài động vật hoang dã là góp phần bảo vệ tài nguyên và môi trường, cũng chính là bảo vệ sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, hiện nay có một xu hướng đáng lo ngại là nạn buôn bán bất hợp pháp các loài động vật hoang dã nguy cấp, quí, hiếm ngày càng gia tăng và tinh vi. Hằng năm hàng triệu loài động vật hoang dã bị săn bắn, bắt giữ từ thiên nhiên để buôn bán làm thực phẩm, vật nuôi, đồ lưu niệm và dược phẩm… Đây là mối nguy lớn đe dọa sự sinh tồn của nhiều loài sắp tuyệt chủng.
Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho biết, riêng trong năm 2018, cả nước có gần 1.700 trường hợp vi phạm liên quan đến động vật hoang dã dưới nhiều hình thức. Trong đó, việc quảng cáo, buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã và các sản phẩm, bộ phận động vật hoang dã là hành vi vi phạm phổ biến nhất, chiếm 64% tổng số trường hợp vi phạm.
Theo đó, không chỉ bày bán và quảng cáo nhiều loài, sản phẩm động vật hoang dã ngay tại cửa hàng, quán ăn, nhiều đối tượng đã lợi dụng Internet để thực hiện hành vi buôn bán động vật hoang dã. Chỉ tính riêng trong năm 2018, ENV đã ghi nhận gần 800 vụ vi phạm pháp luật về động vật hoang dã trên Internet, với hơn 1.200 đường dẫn có dấu hiệu vi phạm.
Theo thống kê của EVN, từ thời điểm BLHS 2015 có hiệu lực (đầu năm 2018) đến cuối năm 2019, số lượng các vụ án hình sự về ĐVHD đã tăng 44%. Tỷ lệ các vụ án hình sự về ĐVHD và đối tượng có liên quan bị bắt giữ không có nhiều biến động trong giai đoạn từ năm 2015 đến cuối năm 2019, chiếm khoảng 86,7%. Tuy nhiên, chỉ trong nửa đầu năm 2020, tỉ lệ này đã tăng lên đáng kể, với 97,2% trong tổng số 37 vụ án hình sự về ĐVHD có đối tượng bị bắt giữ.
Việc bảo tồn các loài động vật, nhất là động vật hoang dã, những loài động vật đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng đang trở nên vô cùng cấp thiết, không chỉ ở nước ta mà tất cả các nước trên thế giới. Theo Liên minh Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN), hiện tại ước tính trên thế giới có gần 600 loài động vật được xếp loại có nguy cơ tuyệt chủng trong Sách đỏ và hơn 100 loài khác không thể xếp loại trước đó cũng được coi là đe dọa tuyệt chủng.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, để bảo vệ động vật hoang dã trước khi quá muộn, bên cạnh việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong nước và quốc tế để kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các loài động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về động vật hoang dã.
Cùng với đó, cần giúp cộng đồng tìm hiểu thông tin về thực trạng các loài động vật hoang dã, từ đó cam kết không sử dụng động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã, đồng thời tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm về động vật hoang dã. Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, những năm qua, nhiều người dân đã tự nguyện chuyển giao nhiều cá thể động vật hoang dã đang nuôi nhốt cho các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã.
Quyết liệt đấu tranh phòng, chống tội phạm về động vật hoang dã
Mặc dù những năm qua, lực lượng chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm về động vật hoang dã, tuy nhiên những vụ vi phạm về động vật hoang dã vẫn chưa có dấu hiệu giảm và hành vi vi phạm ngày càng tinh vi hơn. Thực tế này đang đòi hỏi sự chung tay vào cuộc nỗ lực, quyết liệt hơn của cả xã hội và cộng đồng trong bảo vệ động vật hoang dã.
Theo đó, cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân không tiêu thụ cũng như săn bắt các sản phẩm từ động vật hoang dã. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo tồn và phát triển bền vững các loài động vật hoang dã trong tự nhiên.
Nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi tham gia bảo vệ các loài động vật hoang dã, cần tăng cường thực thi pháp luật; tịch thu, bắt giữ, nâng khung hình phạt đối với hành vi buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp, quí, hiếm. Để làm được điều này trách nhiệm của cá nhân được coi là yếu tố quyết định cho các nỗ lực giảm cầu. Hành động từ chối mua bán, sử dụng/hoặc nhận quà là sản phẩm động vật hoang dã là cách hiệu quả nhất để chấm dứt nhu cầu này.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra những chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, trong đó có những nội dung về bảo vệ đa dạng sinh học và bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm nhằm phát triển bền vững đất nước. Vì vậy, bảo vệ các loài động vật hoang dã cũng chính là bảo vệ quyền sống của chính chúng ta, góp phần bảo vệ phát triển bền vững đất nước.
Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13 năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, đã khắc phục nhiều vấn đề pháp lý còn tồn tại trong giai đoạn trước và nâng mức xử phạt với tội phạm về động vật hoang dã (ĐVHD).
Theo BLHS 2015, tất cả các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm và vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của chúng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở các mức độ khác nhau trên cơ sở số lượng hoặc giá trị của ĐVHD bị xâm hại.
Bộ luật mới cũng bổ sung quy định xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm. Trước đây, hành vi tàng trữ ĐVHD, thậm chí là cá thể hổ đông lạnh, sừng tê giác hay các loài nguy cấp, quý hiếm khác và sản phẩm của chúng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, BLHS 2015 còn bảo vệ các loài không thuộc những danh mục nêu trên nhưng tang vật vi phạm có giá trị lớn. Điểm mới này của BLHS 2015 đã tạo căn cứ pháp lý vững chắc để cơ quan chức năng xử lý triệt để các hành vi vi phạm về ĐVHD. Công tác xử lý đối với vi phạm liên quan đến các loài không thuộc những danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở mức độ cao như một số loài rắn hay rùa nước ngọt cũng nhờ vậy mà được thắt chặt.
Mặt khác, mức hình phạt dành cho tội phạm về ĐVHD theo BLHS 2015 đã tăng lên đáng kể với mức phạt tiền tối đa lên đến 2 tỷ đồng và mức phạt tù tối đa lên đến 15 năm đối với cá nhân. Mức phạt tương ứng ở BLHS cũ là 500 triệu đồng và 7 năm tù.
Về hình thức xử phạt, khoảng 48% các vụ án hình sự về ĐVHD trong các năm 2018 và 2019 được đưa ra xét xử có đối tượng bị áp dụng hình phạt tù (không được hưởng án treo). Nghĩa là các đối tượng trong 52% các vụ án còn lại được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tiền.
Tuy nhiên, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2020, số lượng các vụ án có đối tượng bị tuyên án phạt tù (không được hưởng án treo) đã tăng lên đến 67,9%. Kết quả này cho thấy lập trường cứng rắn hơn của các cấp tòa án khi xét xử tội phạm về ĐVHD so với những năm trước đó.
Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã nêu rõ, mọi trường hợp nhập khẩu động vật hoang dã trái với Chỉ thị này phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với động vật hoang dã bất hợp pháp; đối với động vật hoang dã được cơ quan thẩm quyền quản lý CITES nước ngoài cấp giấy phép xuất khẩu vào Việt Nam, cơ quan Hải quan cửa khẩu yêu cầu chủ hàng trả về nơi xuất khẩu. Trường hợp chủ hàng không thực hiện hoặc hàng hóa không xác định được chủ hàng thì xử lý theo quy định pháp luật Việt Nam đối với động vật hoang dã bất hợp pháp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ theo chức năng, thẩm quyền được giao thực hiện rà soát hệ thống văn pháp pháp luật để đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt hành vi tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã; đặc biệt là tập trung triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh trái phép mẫu vật các loài động vật hoang dã; phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi quảng cáo, mua bán trái phép mẫu vật động vật hoang dã trên các trang thông tin điện tử.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, lối mở biên giới và trên biển; kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật các trường hợp mua, bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất trái phép động vật hoang dã; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân khu vực biên giới không săn, bắt, nuôi, nhốt, mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã.
Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn bán, vận chuyển, kinh doanh các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ các loài trên theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao.
Bộ Y tế chỉ đạo rà soát, quản lý các cơ sở kinh doanh y, dược, các cơ sở sản xuất thuốc, sản phẩm y tế có sử dụng các thành phần từ động vật hoang dã, đảm bảo chỉ sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc hợp pháp trong lĩnh vực y, dược.
Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về đa dạng sinh học; rà soát quy định pháp luật hiện hành, đề xuất, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra chỉ đạo đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố các đối tượng vi phạm pháp luật về việc săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tàng trữ động vật hoang dã trái pháp luật; nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm; tăng cường xét xử lưu động để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ động vật hoang dã; áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện các giải pháp bảo vệ động vật hoang dã tự nhiên; tăng cường công tác kiểm soát các hành vi khai thác, săn, bắt, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, tiêu thụ và sử dụng động vật hoang dã; tổ chức triệt phá dứt điểm các đường dây buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và thanh tra các cơ sở nuôi, kinh doanh động vật hoang dã về tuân thủ nguồn gốc hợp pháp, vệ sinh thú y, môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những giải pháp quyết liệt này cho thấy, lập trường cứng rắn hơn và quyết tâm đẩy lùi tội phạm về ĐVHD người đứng đầu Chính phủ và các cơ quan chức năng. Chắc chắn, điều này sẽ góp phần hiệu quả vào việc ngăn chặn, đầy lùi việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |