Nặng lòng với mảnh đất và con người Tây Nguyên
|
Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ |
Tâm hồn gửi nơi đại ngàn Tây Nguyên
Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ, sinh năm 1966 tại xã Thạch Tiến (nay là xã Việt Tiến), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Vào độ tuổi đẹp nhất của đời người ông tham gia quân ngũ tại Sư đoàn 441 - Quân khu 4.
Ông được cử đi học tại Trường Hạ sĩ quan Xe tăng II (thuộc Bộ Tư lệnh Thiết Giáp) tại Vĩnh Phúc. Sau này, ông chuyển qua một số vị trí khác như: Pháo thủ xe tăng Đại đội 2, Tiểu đoàn 1016, Sư đoàn 316 Bắc Ngầm Hoàng Liên Sơn, rồi đi học văn hóa tại Trường Văn hóa Quân khu 2; Trường Sĩ quan Kỹ thuật vũ khí đạn (Thừa Thiên - Huế).
Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ luôn đau đáu kiếp nhân sinh, nặng nghĩa tình mẫu tử |
Sau này, do điều kiện sức khỏe không đảm bảo, ông đã phải chuyển ngành và định cư tại Kon Tum mở công ty kinh doanh. Cũng bắt đầu từ những năm tháng ấy, ông được trải nghiệm cuộc sống của mình trên mảnh đất Tây Nguyên nắng gió. Không biết từ bao giờ, trong ông có một tình yêu mãnh liệt với mảnh đất và con người nơi đây. Tâm hồn ông như gửi gắm nơi đại ngàn và những câu thơ đầu tiên của ông xuất hiện.
Ông viết: “Ơi Kon Tum trùng điệp những đại ngàn / Có phải anh say rượu ghè men lá / Có phải trong mơ tiếng nai chiều thương nhớ / Hay điệu cồng chiêng làm con suối bâng khuâng…”.
Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã cho xuất bản 3 tập thơ cùng 90 bài thơ được phổ nhạc |
Tình cảm ông dành cho “Đất và Người” Tây Nguyên được ông trút bỏ trong nhiều câu thơ đong đầy cảm xúc: “Gửi tặng em chút chiều lạnh mưa chan/Vùng đất ba zan lô cà phê ngút ngát/Gùi nếp thơm mẹ hái về trên rẫy / Ống cơm lam thơm nức bếp than hồng/Gửi tặng em xanh biếc nước dòng sông…”.
Thơ của Nguyễn Đăng Độ là sự trải nghiệm của những năm tháng tuổi trẻ; là tình yêu thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá nơi núi rừng Tây Nguyên hùng vỹ. Có lẽ do xuất thân từ một người lính nên thơ ông luôn dứt khoát, mạnh mẽ, chứa đựng sự chân thành, sâu sắc.
Ông từng nói “Trái tim tôi đầy nhiệt huyết, đắm đuối, đôi khi trăn trở, âu lo nhưng không bi lụy”. Với ông, những điều viết ra phải có trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với chính lương tâm của mình, là sự cảm thông, sẻ chia với những thân phận con người trong xã hội.
Đau đáu kiếp nhân sinh, nặng nghĩa tình mẫu tử
Tình mẫu tử luôn là điều thiêng liêng và bất tử mà các nhà văn, nhà thơ luôn khao khát vươn tới trong các tác phẩm thi ca, Nguyễn Đăng Độ cũng không ngoại lệ. Với bậc sinh thành, thơ ông luôn chất chứa nỗi niềm thương nhớ. Với 3 bài thơ: “Mẹ tôi”, “Tặng hoa”, “Bóng mẹ” nằm trong tập thơ “Những vần thơ yêu thương” của ông đã thể hiện rõ tình cảm đặc biệt của mình với người mẹ kính yêu.
Trong bài thơ “Mẹ ơi!”, hình ảnh người mẹ giản dị, tần tảo hiện lên qua những câu từ giàu cảm xúc như “thân gầy”, “bàn chân tãi mòn”, “vai trần mẹ quẩy... Sâu thẳm trong ông luôn đau đáu, khắc khoải về mẹ mình, ông sợ một ngày nào đó phải rời xa mẹ: “Mẹ ơi đầy giấc mơ con / Lời ru của mẹ ngấm đòn tháng năm / Thân gầy nắng đốt mưa găm / Sớm khuya rút ruột đời tằm nhả tơ / Trái trời khoai lúa xác xơ / Bàn chân mẹ tãi mòn trơ cánh đồng…”.
Những bài thơ của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ luôn gắn liền với tình mẫu tử, về mảnh đất và con người Tây Nguyên nơi ông từng gắn bó |
Những ngày tháng 9 vừa qua, thân phụ của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ qua đời để lại trong ông một khoảng trống quá lớn. Tình cảm mà ông giành cho cha mình nghẹn ngào da diết đến não lòng. Bài thơ “Khóc cha” của ông khiến ai đọc cũng không cầm được nước mắt: “Công cha chẳng thể đếm đo/Keo sơn phụ tử con đò bến sông/Tình cha sâu nặng máu hồng/Phòng cha đèn sáng mà không thấy người/Bây giờ ngăn cách cha ơi/Ai lo cơm cháo ở nơi suối vàng…”.
Nhà báo - Đại tá Phan Tiến Dũng, Trưởng đại diện báo Quân đội nhân dân tại khu vực miền Trung, một người bạn thân của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ, nói về thơ của ông: Thơ Nguyễn Đăng Độ là tiếng lòng của ông lúc trầm, lúc bổng, lúc mạnh mẽ, khát khao đến cháy bỏng của một thời trai trẻ, nhưng đôi khi lại đau đáu, da diết về tình mẫu tử, về mảnh đất và con người Tây Nguyên nơi ông từng gắn bó.
Những tập thơ của Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã được xuất bản: - Tình Quê: Nhà xuất bản Hội phụ nữ - Hương Xa: Nhà xuất bản Hội nhà văn - Những vần thơ yêu thương: Nhà xuất bản Hội nhà văn 90 bài thơ của Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã được phổ nhạc để lại rất nhiều dấu ấn trong lòng khán giả. Tiêu biểu là các bài: Hồn quê, Tìm về, Bóng mẹ, Sông Lam và Em, Nặng lòng câu ví, Tìm em gái Huế, Áo Tơi, Các anh ở nơi đâu, Về với Thạch Hà, Biển chiều, Cao nguyên và nỗi nhớ, Đến với Trường Sơn… |