Nên quy định ngưỡng phạt lái xe có nồng độ cồn
Mạnh tay xử lý vi phạm nồng độ cồn, không có ngoại lệ Xử lý nghiêm người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn |
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) cho rằng, trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ không nên cấm tuyệt đối mà kế thừa những quy định Luật Giao thông đường bộ 2008 và nên cho phép nồng độ cồn trong máu/hơi thở ở ngưỡng an toàn theo quy định, quy chuẩn của cơ quan có thẩm quyền là phù hợp với thực tiễn.
Ông Hoàng Quốc Khánh cũng cho rằng, nên quy định cấm tuyệt đối đối với người hành nghề chuyên nghiệp, có công việc chính là lái xe dịch vụ, xe hợp đồng các cơ quan, tổ chức Nhà nước và lái xe kinh doanh.
Đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh) |
Tương tự, đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh) cũng cho rằng, cơ quan quản lý muốn kiểm soát năng lực hành vi của người tham gia giao thông, nhưng rượu bia chỉ là một trong số những tác nhân.
Theo ông Bế Trung Anh, người uống rượu bia quá nhiều mới ảnh hưởng đến năng lực hành vi, uống ít hay nếm chút thì vẫn ổn và có lẽ chưa ảnh hưởng. Do đó, ông cho rằng cần phân biệt rõ giữa năng lực hành vi và tác nhân gây ra.
Ông Bế Trung Anh cũng cho rằng, nếu cơ quản quản lý muốn kiểm soát năng lực hành vi của người lái xe thì không chỉ có rượu bia mà còn có cocain và nhiều chất kích thích khác.
"Có người đi trên đường chỉ nghĩ đến vợ mà tim đập chân run, không lái xe được nữa", đại biểu Bế Trung Anh ví von.
Ngược lại với các ý kiến trên, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) ủng hộ quy định cấm lái xe có nồng độ cồn.
Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, tác hại của người tham gia giao thông mà trong người có nồng độ cồn là rất lớn, 50% vụ tai nạn nghiêm trọng có nguyên nhân là từ việc lái xe trong máu có nồng độ cồn.
Mặt khác, theo ông Thịnh, việc cho phép uống rượu ở mức nào đấy sẽ tạo ra không gian thúc đẩy hành vi vi phạm. Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của nước ta chưa cao nên quy định cấm sẽ phù hợp hơn.