Nên tính toán lùi thời điểm sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt kẻo "lợi bất cập hại"
Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân |
Trong dự thảo tờ trình đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, cơ quan này đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.
Một trong những nội dung đáng lưu ý của đề xuất lần này là: Bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế và tiếp tục điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia.
Đề xuất này đã dấy lên làn sóng lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp bởi họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong công cuộc hồi phục sản xuất kinh doanh sau thời gian dài chống chọi với đại dịch COVID-19. Cộng đồng chuyên gia cũng bày tỏ sự lo lắng trong bối cảnh chung của nền kinh tế, bởi doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế nên phải tính toán phương án phù hợp.
Trao đổi về vấn đề này, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là đương nhiên nhưng vấn đề là thời điểm nào để hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. |
Đạt được mức thuế tốt không phải dễ. Do đó, một sắc thuế không thể đạt được tất cả vấn đề đặt ra mà cần thực hiện nhiều giải pháp, như: Truyền thông, đào tạo, nhận thức
Theo ông Thành, mỗi loại thuế đều có ưu điểm và nhược điểm. Trong đó, quan trọng nhất của một chính sách thuế là tìm điểm cân bằng để giảm thiểu tiêu cực đến thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp.
Do vậy, việc đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và tiếp tục điều chỉnh tăng loại thuế này đối với rượu, bia cần tính đến thời điểm và một lộ trình dài hơi, phù hợp với hoàn cảnh.
"Không thể doanh nghiệp khó khăn mà tư cứ đánh thuế được mà phải tùy thời điểm và hoàn cảnh cụ thể. Doanh nghiệp đang khốn khó mà đánh thế thì họ có thoải mái không", ông Thành đặt vấn đề.
Mục tiêu ưu tiên của chúng ta hiện nay là hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt không phải giảm sản lượng tiêu thụ, đánh vào vấn đề sức khoẻ mà dùng nhiều biện pháp để giảm hành vi tiêu dùng từ khu vực chính sách, khu vực thiếu kiểm soát (sức khoẻ, xã hội, bệnh tật). Theo TS Võ Trí Thành, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19, còn rất nhiều khó khăn do biến động giá nguyên vật liệu thì một chính sách thuế điều chỉnh thời điểm này là "lợi bất cập hại".
Do đó, ông Thành cho rằng, việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cần có thời gian nghiên cứu đầy đủ hơn, đánh giá mọi yếu tố, khía cạnh đảm bảo tính khách quan và công bằng. Sở di như vậy là vì, giai đoạn này cần chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp và cần thời gian. Trước mắt, cơ quan chức năng chưa nên có xáo trộn nhiều về thuế mà nên giữ như hiện nay.
Theo ông Thành, nên tính toán lùi thời điểm sửa đổi luật này sang ít nhất là năm 2026, với mục tiêu hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, đảm bảo kinh tế vĩ mô và sự chuẩn bị của các đối tượng bị tác động.
Vị chuyên gia cũng phân tích, có 3 điểm cần lưu ý đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, thứ nhất là có nhiều mục tiêu phải đánh đổi, lựa chọn không dễ, do đó ưu tiên chính sách phải rất quan trọng. Tiếp theo, đây là một chính sách rất khó, nên đôi khi chính sách thử có thể sai. Mà muốn ít thử sai thì phải nghiên cứu rất kỹ; cần phải tìm một điểm tối ưu mà ở đó thu thuế là tốt nhất và vẫn sản xuất kinh doanh được.
"Bản chất câu chuyện thuế là chúng ta đạt mục tiêu nhưng chấp nhận lĩnh vực đó là lĩnh vực cần thiết cho đời sống", TS. Thành nói và lưu ý, do tính đa mục tiêu thuế tiêu thụ đặc biệt cho nên một sắc thuế không thể giải quyết tất cả các vấn đề đặt ra.
Có ý kiến cũng cho rằng, ngành đồ uống thời gian qua đã phải đối mặt với khó khăn kể từ khi xảy ra dịch COVID-19. Thị trường được dự báo dần phục hồi trong thời gian tới nhưng vẫn còn nhiều yếu tố không ổn định, như giá nguyên vật liệu trên toàn thế giới tăng vọt.
Bên cạnh đó, nếu mục tiêu tăng thuế là tăng nguồn thu có khả năng sẽ khó đạt được do tổng nhu cầu thị trường giảm sút khi mức thuế được nâng lên. Chưa kể, nếu thuế tăng người dùng có thể chuyển sang các sản phẩm rẻ hơn, không an toàn và chất lượng thấp hơn. Đồng thời, cũng không loại trừ sự xuất hiện và gia tăng của hàng giả, hàng nhập lậu.
“Vì vậy, tôi cho rằng cần xem xét lùi thời điểm tăng thuế và nới lỏng phạm vi tăng thuế”, vị chuyên gia nhìn nhận.