Ngành du lịch Quảng Ninh trên đà khẳng định vị thế số 1
Vịnh Hạ Long - Quảng Ninh luôn hút số lượng lớn du khách tham quan, khám phá và trải nghiệm
Bài liên quan
Quảng Ninh: Kiên quyết không để chậm trễ các dự án giao thông trọng điểm
Quảng Ninh: Xe 4 chỗ bẹp dúm sau cú tông trực diện của xe tải
Quảng Ninh: Kỷ luật một số cán bộ thành phố Cẩm Phả
Thủ tướng đồng ý đề xuất bầu bổ sung Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
Quảng Ninh: Phát hiện vụ vận chuyển gần 200kg pháo nổ trái phép
Quảng Ninh: Bắt quả tang đối tượng vận chuyển ma túy "thủ" súng trong người
Nhận ra vai trò quan trọng của ngành du lịch, tỉnh Quảng Ninh đã sớm ban hành nghị quyết chuyên đề về du lịch, đó là Nghị quyết 08/NQ-TU ngày 30/11/2001, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới và phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2001-2010, nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng to lớn về du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Cho đến nay, nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn đã hoàn thành. Cụ thể, tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đã góp phần rút ngắn thời gian đi từ Hạ Long đến Thủ đô Hà Nội còn 1,5 giờ bằng ô tô. Cùng với đó là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, có khả năng đón các tàu biển quốc tế có tải trọng 225.282 DWT.
Việc hoàn thành các công trình văn hóa, khu vui chơi giải trí có mức đầu tư lớn, như: Bảo tàng – Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, Công viên Sunworld Hạ Long, Bệnh viện Đa khoa Vinmec, khu nghỉ dưỡng và sân golf FLC Hạ Long, Tuần Châu... thời gian qua tiếp tục là động lực để phát triển và thu hút du khách đến với Quảng Ninh.
Nhờ sự phát triển đồng bộ, tổng thể, du lịch Quảng Ninh đạt được kết quả vượt bậc trong 5 năm trở lại đây, với tổng lượng khách đạt trên 52,2 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt hơn 21,5 triệu lượt. Tổng thu từ lĩnh vực du lịch đạt 95.203 tỷ đồng. Tổng số nộp ngân sách từ hoạt động du lịch đạt 10.205 tỷ đồng.
Trên địa bàn Quảng Ninh hiện có khoảng 2.036 cơ sở lưu trú, trong đó có 1.542 cơ sở với 27.959 buồng đã được xếp loại hạng; 500 tàu du lịch với hơn 20.000 chỗ ngồi, trong đó có 187 tàu lưu trú với 2.181 phòng; 11 bãi tắm du lịch và 50 cơ sở kinh doanh du lịch được cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Ngành du lịch đã tạo việc làm cho khoảng 130.000 lao động, trong đó lao động trực tiếp là 60.000 người, lao động gián tiếp 70.000 người. Giai đoạn này, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh tăng 1,67 lần, khách quốc tế tăng 1,64 lần, tổng thu từ du lịch tăng 2,21 lần, thu ngân sách từ du lịch tăng 2,28 lần, tỷ trọng trong thu ngân sách nội địa của du lịch tăng 4,2%.
Quảng Ninh đã hình thành 4 vùng du lịch, các trung tâm này được gắn với các sản phẩm đặc thù và nổi trội, bao gồm: Vùng du lịch trung tâm tại TP Hạ Long và vùng phụ cận; vùng du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh tại Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên; vùng du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp tại huyện Vân Đồn, Cô Tô và vùng du lịch biên giới tại khu vực Móng Cái và vùng lân cận.
Nhiều dự án hạ tầng khác cũng được đầu tư tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn, như: Yên Tử (Uông Bí), khu di tích Nhà Trần (Đông Triều), đảo Cô Tô và một số dự án lớn, trọng điểm của Tập đoàn Sun Group, Vingroup, BIM Group, Tuần Châu với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành du lịch trong giai đoạn này.
Những tháng đầu năm nay, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch Quảng Ninh. Tuy nhiên, ngay sau khi dịch được kiểm soát, Quảng Ninh có những giải pháp kích cầu du lịch quyết liệt, với các gói kích cầu trị giá 200 tỷ đồng, cộng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp du lịch, đã cho thấy kết quả đáng khích lệ.
Lượng khách tại các điểm du lịch từng bước tăng dần, đặc biệt vào các dịp cuối tuần, cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ của du lịch Quảng Ninh. Vượt qua giai đoạn khó khăn này là cơ hội để du lịch Quảng Ninh khẳng định mình, tiếp tục chinh phục những mục tiêu đã đặt ra, vươn lên trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực.