Tag

Ngành Du lịch Thủ đô tăng trưởng ấn tượng

Du lịch 14/07/2023 11:09
aa
TTTĐ - Thời gian qua, ngành Du lịch Thủ đô đã nỗ lực và có bước phát triển ấn tượng. Trong nửa đầu năm 2023, ngành Du lịch đã vượt trên 50% tất cả chỉ tiêu phát triển du lịch của cả năm.
Hà Nội phát huy tiềm năng phát triển kinh tế đêm Dự án metro và chất lượng ngành Du lịch "nóng" tại phiên chất vấn HĐND TP Hồ Chí Minh Phát huy lợi thế trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô Hà Nội

Sáng 14/7, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong - Trưởng ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình số 06/Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” chủ trì kiểm tra tại Sở Du lịch Hà Nội.

Tham gia đoàn kiểm tra còn có các đồng chí: Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP; Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội; Nguyễn Xuân Lưu, Phó Giám đốc Sở Tài chính; Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Cùng đại diện Hiệp hôi Du lịch Hà Nội; CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội; Tổng Công ty Du lịch Hà Nội…

6 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch tăng 42%

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng đoàn kiểm tra đã lắng nghe báo cáo từ đại diện Sở Du lịch Hà Nội về tình hình du lịch Thủ đô.

Theo ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022; Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 2,03 triệu lượt khách, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022; Khách du lịch nội địa ước đạt 10,3 triệu lượt khách, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,88 nghìn tỷ đồng, tăng 74,3% với cùng kỳ năm trước.

Năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm sâu, chỉ đạt 8,65 triệu lượt, đưa tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn sụt giảm (-6%). Năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn đến ngành Du lịch Thủ đô. Lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm sâu và chỉ còn khách du lịch nội địa với 4 triệu lượt (bằng 53% lượng khách nội địa năm 2020).

Ngành Du lịch Thủ đô phục hồi vô cùng ấn tượng sau đại dịch COVID -19
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà chủ trì hội nghị

Đặc biệt, từ ngày 15/3/2022, nước ta triển khai chính sách mở cửa, phục hồi các hoạt động du lịch bao gồm du lịch quốc tế và nội địa, du lịch Hà Nội đã bắt đầu đón khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa tăng trưởng mạnh.

Kết quả năm 2022, tổng số khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021, bằng 64,7% năm 2019. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 1,5 triệu lượt, bằng 21,4% năm 2019; Khách du lịch nội địa ước đạt 17,2 triệu lượt, tăng 4,3 lần so với năm 2021, bằng 78,5% năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với năm 2021 và bằng 57,8% năm 2019.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 61,1%; Tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Hà Nội hiện có 3.756 cơ sở lưu trú du lịch với 70.218 phòng; Trong đó có 603 khách sạn đã được xếp hạng từ 1-5 sao với 25.550 phòng, chiếm 16,1% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 36,3% tổng số phòng.

Ngành Du lịch Thủ đô phục hồi vô cùng ấn tượng sau đại dịch COVID -19
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu

Cũng theo đại diện Sở Du lịch, Hà Nội có 1.488 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và 319 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được cấp phép hoạt động. Thành phố hiện là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế được cấp phép, chiếm hơn 35% của cả nước (cả nước hiện có 4.223 doanh nghiệp).

Triển khai Luật Du lịch 2017 đến nay, UBND thành phố đã công nhận 32 điểm du lịch, khu du lịch cấp thành phố. Cơ bản các điểm du lịch được đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức dịch vụ khá tốt, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động của ngành.

Triển khai các công trình, dự án hạ tầng phát triển du lịch

Tính đến tháng 6/2023, Hà Nội đã quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án cơ sở lưu trú, khách sạn cao cấp (từ 3-5 sao) với 15.510 phòng.

Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành đưa vào hoạt động 15 khách sạn, căn hộ du lịch cao cấp với 3.737 phòng; Đẩy nhanh tiến độ một số dự án đầu tư xây dựng khu công viên, vui chơi giải trí quy mô lớn, hiện đại như: Đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch Khu công viên thể thao giải trí thuộc dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu - Hà Nội; Đôn đốc tiến độ dự án Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi Kim Quy; Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia; Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa; Các dự án quy hoạch, đầu tư bảo tồn, tôn tạo công trình di tích lịch sử, văn hóa gắn với khai thác phát triển du lịch (khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc, làng cổ ở Đường Lâm...).

Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, ngành Du lịch Thủ đô phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón và phục vụ trên 30 triệu lượt du khách (trong đó có trên 7 triệu lượt khách quốc tế); Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng; Tỷ lệ đóng góp tổng hợp của ngành Du lịch vào GRDP thành phố phấn đấu đạt trên 8%.

Việc triển khai các tuyến giao thông kết nối từ trung tâm thành phố đến các khu du lịch trọng điểm được quan tâm phát triển. Đến nay trên địa bàn thành phố có 13 tuyến xe buýt tiếp cận với các khu, điểm du lịch trọng điểm và 2 tuyến xe buýt du lịch 2 tầng phục vụ khách du lịch đến Hà Nội tham quan, trải nghiệm.

Đáng chú ý, ngành Du lịch thành phố đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: Phát triển các điểm đến; Xây dựng các tour, nhóm sản phẩm du lịch mới hấp dẫn; Tổ chức đa dạng các hoạt động du lịch sôi nổi, hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Các hoạt động tuyên truyền quảng bá đã giới thiệu được nhiều điểm đến hấp dẫn cho du khách. Năm 2022, Hà Nội nhận giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Châu Á năm 2022” vào tháng 9/2022 và giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022” vào tháng 11/2022 do tổ chức Du lịch thế giới World Travel Awards 2022 đề cử và bình chọn.

Năm 2023, Hà Nội tiếp tục được các chuyên trang, tạp chí du lịch uy tín đánh giá cao về mức độ hấp dẫn du lịch như: Giải thưởng Travel + Leisure Luxury Awards Asia Pacific 2023, hạng mục “Thành phố” đã vinh danh thành phố Hà Nội thuộc top 10 thành phố hàng đầu Châu Á. Đồng thời, Hà Nội có 48/103 nhà hàng đạt chuẩn Michelin Guide, trong đó có 3 nhà hàng được gắn 1 sao Michelin - giải thưởng danh giá trong làng ẩm thực thế giới.

“Đây tín hiệu tích cực, hứa hẹn cho thấy nhiều đột phá trong hành trình khôi phục và phát triển du lịch Thủ đô trong thời gian tới”, ông Hiếu nói.

Cần coi du lịch văn hóa là mũi nhọn

Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, dù đạt nhiều thành quả song phải thừa nhận, điểm đến ở Hà Nội chưa nhiều, phải quan tâm đến phát triển du lịch ngoại thành, cần tháo gỡ nhiều vướng mắc cơ chế thuê đất, sử dụng đất và có định hướng bền vững phát triển du lịch nông thôn.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đề xuất, Sở Du lịch cần đưa 21 di tích quốc gia đặc biệt của thành phố trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách.

Trong khi đó, đánh giá về công tác chuyển đổi số, ngành Du lịch đã tích cực số hóa các điểm di tích, quảng bá điểm đến như di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò. "Đặc biệt, các doanh nghiệp đã tích cực, nỗ lực chuyển đổi số mạnh mẽ, góp phần quảng bá các tour, điểm đến hiệu quả", đồng chí Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết.

Nhấn mạnh về việc thực hiện Chương trình 06-CTr/TU, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị, công tác quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cần bám sát quy hoạch của thành phố.

Ngành Du lịch Thủ đô tăng trưởng ấn tượng
Đồng chí Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở TTTT Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có mục tiêu là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội cả về quy mô, chất lượng sản phẩm; Sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Vì vậy, trong phát triển du lịch Thủ đô, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, cần phải coi du lịch văn hóa là mũi nhọn. Ngoài ra, ngành cần nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng, đặc biệt coi trọng vai trò của phụ nữ trong phát triển du lịch bản địa.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội: Cần phát triển và nhân rộng mô hình du lịch học đường

Du lịch cộng đồng và học đường vô cùng tiềm năng. Chúng ta không cần "đánh bắt xa bờ", chỉ cần phục vụ 10 triệu dân thành phố đã là quá tốt rồi vì vậy, cần phải phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch học đường, tăng trải nghiệm cho các học sinh. Đây là thị trường vô cùng tiềm năng mà ngành Du lịch Thủ đô cần khai thác.

"Khu nào, xóm nào làm du lịch thường rất văn minh, đời sống văn hóa nâng cao. Chúng ta cần đánh giá lại du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch học đường, mô hình nào cần nhân rộng. Với 21 di tích quốc gia đặc biệt của thành phố, học sinh phải được đến đó; Thậm chí, xây dựng cho các em hành trình suốt năm học phổ thông cần đi những đâu. Hiện du lịch học đường còn nguyên dư địa, với 2,2 triệu học sinh, nếu em nào cũng được đi thì đã góp phần vào giáo dục văn hóa truyền thống, di sản, lòng yêu nước", Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

“Phát triển công nghiệp văn hóa cần coi du lịch văn hóa là mũi nhọn; Cần phải kể câu chuyện văn hóa cho khách thập phương. Văn hóa giờ không chỉ là nền tảng mà còn là nguồn lực đột phá để phát triển bền vững”, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý.

Đọc thêm

Khai mạc mùa giải “Vó ngựa trên mây” lần thứ 7 với những trải nghiệm độc đáo chỉ có tại Sa Pa Du lịch

Khai mạc mùa giải “Vó ngựa trên mây” lần thứ 7 với những trải nghiệm độc đáo chỉ có tại Sa Pa

TTTĐ - Ngày 29/6, Lễ khai mạc mùa giải “Vó ngựa trên mây” lần thứ 7 chính thức diễn ra tại khu du lịch Sun World Fansipan Legend, đón hàng ngàn du khách đến trải nghiệm không khí lễ hội Tây Bắc sôi động trên những cung đường nhuộm sắc hoa hồng.
Những vũ điệu tuyệt đẹp trên nước tại Da Nang Downtown Nhịp điệu cuộc sống

Những vũ điệu tuyệt đẹp trên nước tại Da Nang Downtown

TTTĐ - Với ý tưởng mang những “bản giao hưởng” vượt khỏi ranh giới của khán phòng hòa nhạc, Symphony of River chiêu đãi du khách một buổi hòa nhạc đa trải nghiệm tại sân khấu ngoài trời có sức chứa hơn 2.000 chỗ ngồi bên sông Hàn tại Da Nang Downtown.
Một khách sạn tại Hà Nội 2 năm liên tiếp được Michelin vinh danh với nhiều hạng mục Du lịch

Một khách sạn tại Hà Nội 2 năm liên tiếp được Michelin vinh danh với nhiều hạng mục

TTTĐ - Tối 27/6, Michelin lần thứ 2 trao sao cho các nhà hàng tại Việt Nam. Khách sạn Capella Hanoi của Sun Group khẳng định thương hiệu điểm đến cho giới sành ẩm thực khi một lần nữa có 3 nhà hàng xuất hiện trong danh sách Michelin.
Tự hào với 3 nhà hàng đạt một sao Michelin mới, một sao xanh đầu tiên... Du lịch

Tự hào với 3 nhà hàng đạt một sao Michelin mới, một sao xanh đầu tiên...

TTTĐ - Trong lễ công bố Michelin Guide 2024 được tổ chức tại khách sạn InterContinental Saigon ở Thành phố Hồ Chí Minh, Michelin chính thức tiết lộ toàn bộ các nhà hàng tuyển chọn nằm trong danh sách MICHELIN Guide Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Nẵng 2024 vốn được mong đợi đã lâu.
DIFF 2024 đêm 4: Hồi hộp chờ đón cuộc tỉ thí giữa hai siêu cường pháo hoa Du lịch

DIFF 2024 đêm 4: Hồi hộp chờ đón cuộc tỉ thí giữa hai siêu cường pháo hoa

TTTĐ - Đêm thi thứ 4 diễn ra vào tối 29/6 được xem là cuộc tỉ thí đáng mong đợi bậc nhất của Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024 (DIFF 2024). Hai cường quốc pháo hoa Trung Quốc và Phần Lan được dự đoán sẽ mang đến màn trình diễn ánh sáng lần đầu tiên có tại Châu Á.
DIFF 2024: Cuộc so tài đỉnh cao giữa hai cường quốc pháo hoa Du lịch

DIFF 2024: Cuộc so tài đỉnh cao giữa hai cường quốc pháo hoa

TTTĐ - Đêm thứ 4 của lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2024 sẽ diễn ra tối 29/6 là màn trình diễn của hai đội đến từ Phần Lan và Trung Quốc với chủ đề “Thế giới thần tiên”.
Đà Nẵng và loạt trải nghiệm đêm hấp dẫn đến bất ngờ Du lịch

Đà Nẵng và loạt trải nghiệm đêm hấp dẫn đến bất ngờ

TTTĐ - Chỉ riêng loạt phố đi bộ mới đã đủ nối dài những trải nghiệm đêm trên thành phố sông Hàn. Song, nhiêu đó thôi chưa đủ, Đà Nẵng hè này còn khiến du khách muốn thức trắng suốt kỳ nghỉ, bởi vô số những show diễn và điểm đến đêm độc đáo, mới lạ.
Những thách thức khi phát triển đảo sinh thái thông minh và bài học cho Cát Bà Du lịch

Những thách thức khi phát triển đảo sinh thái thông minh và bài học cho Cát Bà

TTTĐ - Việc phát triển mô hình đảo sinh thái thông minh đã trở thành khuynh hướng của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, quần đảo Cát Bà đang đứng ở “ngưỡng cửa” trở thành đảo sinh thái thông minh nếu được đầu tư đúng đắn.
Quảng Nam: Rộn ràng khai mạc liên hoan “Âm vang cồng chiêng” Du lịch

Quảng Nam: Rộn ràng khai mạc liên hoan “Âm vang cồng chiêng”

TTTĐ - Lễ khai mạc liên hoan "Âm vang cồng chiêng" huyện Nam Giang lần thứ VI với chủ đề "Nam Giang - Lung linh sắc màu văn hóa" vừa được UBND huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam tổ chức tại thị trấn Thạch Mỹ.
Đến Hạ Long để chữa lành bằng những "Trải nghiệm tĩnh tâm" Du lịch

Đến Hạ Long để chữa lành bằng những "Trải nghiệm tĩnh tâm"

TTTĐ - Với mong muốn mang đến những trải nghiệm chữa lành Thân – Tâm – Trí cho du khách, quần thể tâm linh Bảo Hải Linh Thông Tự thuộc Sun World Ha Long (Quảng Ninh) chính thức ra mắt chương trình đặc biệt "Trải nghiệm tĩnh tâm". Chương trình do Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và Trung tâm dạy thiền định Gosinga Việt Nam thực hiện.
Xem thêm