Nghệ nhân gốm phù điêu Phạm Văn Tuyên với 10 bài men độc, lạ
Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Tuyên bên những tác phẩm mới với màu men độc đáo (Ảnh Quang Chiến) |
Vào ngày cuối tháng 2/2023, tôi vinh dự được Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Tuyên, thông báo về dự thời khắc mở cửa lò gốm đầu tiên của năm mới 2023 với những sản phẩm mang những mầu men khác lạ từ trước đến nay chưa từng xuất hiện. Khi cửa lò vừa bật mở là hàng chục sản phẩm 12 con giáp, bình gốm, tượng phật… mang mầu men như đá hoa cương, đá thạch anh, kim sa. Nhiều những sản phẩm mang mầu sắc như chun gỗ lát, gỗ nghiến, gỗ mun quý hiếm, đặc biệt là những sản phẩm có lớp men óng ánh như khảm ngọc trai, xưa nay chưa từng có.
Những tác phẩm có mầu men như đá Hoa Cương, Thạch Anh |
Nâng từng sản phẩm đầu tay với những lớp men độc, lạ vừa ra lò, nghệ nhân Phạm Văn Tuyên chia sẻ: Nét đặc trưng, khác biệt của gốm phù điêu không chỉ đơn thuần là vẽ màu men trên mặt phẳng mà là nặn đắp điêu khắc khối nổi rồi mới đưa đi nung. Tạo hình đẹp là cái gốc của mỹ thuật, điều quan trọng là làm thế nào để các chi tiết đắp nổi khi qua nhiệt độ cao không bị biến dạng, hư hỏng.
Đối với gốm, khi chế tác xong mới được 50% thôi, còn 50% phụ thuộc vào cơ chế lửa. Làm sao để đất kết khối, liên kết được giữa men và hình không bị biến dạng, nứt xé và qua lửa được lành lặn, có giá trị tồn tại hàng ngàn năm, đó là sự kỳ vọng của một người mở cửa lò.
Gốm sứ gắn liền với nguyên lý của vật lý và hóa học, cần người nghệ nhân phải nắm được cơ chế co giãn giữa lượng nước trong đất, gắn liền với các chất khoáng, quặng, để phủ men khi qua lửa được tốt đẹp. Đó không chỉ dừng lại ở kỹ năng đôi tay mà phải hiểu về nguyên lý của hóa học và vật lý.
Lớp men là làm từ đá, gốm làm từ đất. Xương đất kết khối rồi, nhưng men phải 1.200 độ nó mới chảy. Men chảy xong, xương đất có giữ được hình hay không thì phải có đối trọng. Giữ được hình sản phẩm và men là một thách thức rất lớn với nghệ nhân bậc thầy của một làng nghề.
Các tác phẩm về tượng phật được khoác những lớp men ông vừa nghiên cứu ra |
Khi nhiệt cao men chảy nhưng xương đất không chịu được sẽ bị phình, quỵ, trong khi hình thể đó không chỉ là chiếc bình, chiếc lọ, mà nó là những sản phẩm điêu khắc rất mỏng manh, tinh tế. Sự co kéo về hình khối liên quan đến vật lý, mà men liên quan đến hoá học.
Tại sao giữ được hình như vậy, người ta không giải thích được. Điều này cho thấy tinh hoa nghề truyền thống của dân tộc nói chung, gốm sứ nói riêng chưa ai làm được với sản phẩm gốm sứ phù điêu tại Hải Phòng.
“Gần đây, tôi đã nghiên cứu ra những bài men gốm, vượt qua thử nghiệm rất thành công. Những sản phẩm hôm nay và cả năm 2023 này, tôi sẽ cho ra những bộ sản phẩm khoác trên mình với những nước men mới rất khác biệt như Thạch Anh, Kim Sa…
Những mầu men như hoa văn của đá thiên nhiên nhưng có lớp lang, chìm, nổi, nhưng sờ vào rất bóng, mượt. Có những mầu men lại như thớ gỗ cẩm lai, gỗ nghiến, gỗ hoàng đàn.
Thời đại ngày nay sắc độ của men gốm tôi chế tác ra những mầu mà gốm truyền thống chưa có.
Những lớp men hoả biến như đá quý trong 10 bài men của Nghệ nhân |
Những sản phẩm gốm phù điêu kích thước lớn, mang theo sắc độ men như vậy nó chứng minh một công nghệ thuần thục chứ không phải là một vài sản phẩm may rủi. Nó đã trở thành công thức của tôi, sau này trao cho ai cũng có thể làm được.
Tôi đã dày công nghiên cứu ra quy trình vật lý của đất và tính toán ra công thức của men, quy trình chế tác sản phẩm từ đất thô đến khi phủ men và nung ra sản phẩm mầu sắc, lớp lang theo ý mình và đúc kết thành công nghệ men riêng có, gồm 10 bài men với 10 sắc độ khác nhau, được nghiên cứ về vật lý, hoá học rất rõ ràng.
Hiện tại các học trò lành nghề của tôi có thể làm được theo công thức đó, nhưng những người khác nhìn vào không có công thức đó thì không thể làm được”, nghệ nhân Phạm Văn Tuyên cho biết.
Cộng đồng làng nghề toàn quốc có nhìn sản phẩm nhưng cũng không làm được, đó là những khám phá về cơ chế nhiệt, vật lý, hoá học rất khoa học và bài bản. Những công thức này đã đáp ứng được đỏi hỏi của thời đại công nghệ 4.0 là mầu sắc không chỉ là đơn sắc, mà nó thể hiện được cả lớp lang và sự chuyển biến của màu thông qua lửa 1.200 độ C.
Các tác phẩm bình hoa độc bản mới được chế tác |
Nhà nghiên cứu, sưu tập đồ cổ Cao Văn Tuấn “Tuấn cá sấu” cho biết: “Những sản phẩm gốm có nước men sâu trầm lắng, cho ta cảm xúc bâng khuâng đi về phía lịch sử! Những mầu men độc, lạ này của thầy Tuyên nó làm cho giới nghiên cứu, những người yêu gốm, yêu thủ công mỹ nghệ Việt Nam ngỡ ngàng, thán phục. Vì ngay cả gốm sứ Trung Quốc, gốm Châu Âu cũng chưa cho ra được những mầu sắc độc lạ này bao giờ…”.
Nghệ nhân ưu tú làng nghề Bát Tràng, Hà Nội - Lê Xuân Việt nhận xét: “Nhìn vào các tác phẩm của thầy Tuyên với các màu men mới lạ không khỏi ngạc nhiên, vì ông không phải là người sinh ra tại các trung tâm gốm nổi tiếng mà chế ra được nhiều màu men cứ ngỡ là màu đá quý tự nhiên.
Những màu men quá huyền diệu làm tăng giá trị sản phẩm lên rất cao cho những tác phẩm mang tính triết lý phật giáo của thầy. Đặc biệt hơn nữa là tất cả các tác phẩm của ông đều là độc bản có một không hai. Ngoài góp phần bảo tồn và kế thừa vốn cổ truyền của dân tộc, ông còn phát huy tìm tòi những kiểu dáng mới lạ, kết hợp pha chế những bài men quý giá màu men hỏa biến, lạ mắt…”.
Với những cống hiến miệt mài cho nghệ thuật, Ông đã được Tổ chức kỷ lục Người Việt toàn cầu xác lập kỷ lục gia là “Người Việt Nam phục dựng và sáng tạo các tác phẩm thuộc trường phái nghệ thuật gốm phù điêu đắp nổi với số lượng nhiều nhất”.
Các tác phẩm tượng phật và 12 con giáp được phủ những bài men độc, lạ mới phát minh của ông Tuyên |
Năm 2020, nghệ nhân Phạm Văn Tuyên (Đại đức Thích Chánh Tịnh) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” vì đã có nhiều cống hiến trong giữ gìn và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Các sản phẩm gốm phù điêu được giới thiệu rộng rãi, lan toả đến Nhân dân và giới tinh hoa trong nước và bạn bè thế giới biết đến và hiểu hơn về những giá trị văn hóa thuần Việt, về sự sáng tạo không ngừng nghỉ và tình yêu với đất của một con người tài hoa.