Hải Phòng: Sản vật tinh hoa gốm phù điêu đắp nổi
Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên đang hoàn tất công đoạn trạm khắc cuối cùng cho tác phẩm Linh Miêu 2023 |
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo tại xã tại xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng nhưng Phạm Văn Tuyên sớm bén duyên với cửa phật. Ông xuất gia từ năm 16 tuổi và hiện là Đại đức Thích Chánh Tịnh, Trụ trì chùa Đống Phúc, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh. Gần 30 năm hành đạo cũng là khoảng thời gian ông nghiên cứu và có những hiểu biết sâu sắc về văn hóa Việt cổ trong lĩnh vực điêu khắc và kiến trúc.
Theo nghệ nhân Phạm Văn Tuyên: “Chùa là bảo tàng văn hóa của dân tộc, hội tụ đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. Dòng thời gian phong hóa và biến thiên của lịch sử đã làm cho đồ gốm sứ bị mai một. Hình ảnh những hiện vật đồ gốm thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn… đã khuất dần,không còn ở các nơi tế tự.
Từ đó, tôi nảy sinh cảm xúc, ý tưởng phục dựng tái hiện những đồ tế tự bằng chất liệu gốm sứ của người xưa. Điều đó đã thôi thúc tôi phục chế những họa tiết phù điêu ấy theo phương thức truyền thống. Tôi muốn bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa Việt theo cách riêng của mình…”.
Các tác phẩm gốm phù điêu của nghệ nhân tuyên đạt giải Kỷ lục gia Việt Nam và chứng nhận của các cơ quan chức năng |
Cơ sở chế tác gốm của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên tại xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy được đầu tư bài bản, phân chia thành các khu riêng biệt: Khu sản xuất, khu nung đốt, kho gốm và gian trưng bày. Tất cả mọi thứ dường như trở nên hoàn hảo dưới đôi bàn tay của nghệ nhân. Nơi đây từ lâu đã trở thành điểm tham quan, du khảo đồng quê lý tưởng của du khách muốn đến khám phá các sản phẩm du lịch độc đáo của Hải Phòng.
Các sản phẩm gốm của ông đều mang phong cách đặc trưng riêng của nghệ nhân, từ khâu chế tác tạo khuôn âm bản đến quá trình trạm khắc tinh xảo, công phu.
Tất cả được làm thủ công, hoàn toàn theo công thức thuần Việt từ ngàn xưa cha ông để lại, từ đó tạo nên dòng gốm riêng biệt: Gốm phù điêu; Những bộ chân đèn mang phong cách triều Lê, Mạc; Những bình gốm trang trí họa tiết hoa cúc, hoa sen tiêu biểu thời Lý, Trần.
Từ bộ cửu long tranh châu, đến những bức tượng các doanh nhân văn hóa, tượng Phật… tất cả đều toát lên sự nồng đậm giá trị truyền thống dân tộc, được nghệ nhân thể hiện sống động qua các họa tiết. Hoa văn được khắc tinh xảo trên từng sản phẩm.
Bộ tác phẩm 12 con giáp bằng gốm sứ nước men hỏa biến lớn nhất Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập tháng 7/2022 |
Nét đặc trưng khác biệt của gốm phù điêu không chỉ đơn thuần là vẽ mỏng men trên mặt vàng mà là nặn đất điêu khắc phối nổi rồi đưa đi nung. Điều quan trọng là làm thế nào để các chi tiết đắp nổi khi qua nhiệt độ cao không bị biến dạng, hư hỏng; Men và hình không bị biến dạng nứt xé và đủ độ già của gốm, men… để có thể tồn tại hàng ngàn năm.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá: “Các sản phẩm gốm của thầy Tuyên đã thể hiện đậmnét tính truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc. Thầy tiếp thu được rất nhiều giá trị thể hiện trong mỹ thuật Việt Nam, vẻ đẹp về đất nước, con người.
Mỗi tác phẩm gốm là lời tâm tình của đất, của lửa, của nước; Là những sẻ chia tiếp nối mạnh nguồn văn hóa truyền thống của ông cha. Lưu giữ hồn cốt dân tộc. Các họa tiết được thể hiện ngập tràn âm sắc thiên nhiên của đất trời.
Ở đấy không chỉ gắm những tình cảm của một người đau đáu với sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà còn nâng các sản phẩm phù điêu lên một cái tầm cao mới…”.
Một số tác phẩm gốm phù điêu đắp nổi độc bản của Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên |
Tất cả những dòng sản phẩm gốm sứ của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên có một phong cách duy nhất đó là đắp nổi tất cả các họa tiết. Đây cũng là ngôn ngữ riêng, phong cách làm gốm riêng. Gốm phù điêu cuốn hút bởi nét duyên dáng, mộc mạc mà tinh tế.
Trên hết, đó là tinh thần của người nghệ sĩ truyền tải vào trong từng sản phẩm độc đáo, có ngôn ngữ và chạm được đến trái tim con người. Vì thế, với những người yêu môn nghệ thuật sáng tạo thủ công truyền thống này, họ coi gốm là một tặng phẩm của vũ trụ…
Năm 2018, bằng niềm đam mê, kiến thức mỹ học và kỹ năng thủ công tinh nghệ, nghệ nhân Phạm Văn Tuyên đã chế tác bộ “Bách bình” hoàn toàn bằng tay. Bộ “Bách bình” đã được Tổ chức Kỷ lục Người Việt toàn cầu trao kỷ lục Người Việt Nam phục dựng và sáng tạo dòng gốm phù điêu nhiều loại nhất năm 2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chính từ những đóng góp này, với tài trí, niềm đam mê và sử dụng công nghệ làm gốm hiện đại, năm 2020, nghệ nhân Phạm Văn Tuyên (Đại đức Thích Chánh Tịnh) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.
Trong 3 năm 2020, 2021 và 2022, Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên liên tục được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND TP Hải Phòng tặng bằng khen về những đóng góp to lớn của ông vào công cuộc phục dựng phát triển văn hóa, du lịch, di sản.
Để chuẩn bị cho tuần triển lãm đồ thủ công mỹ nghệ tại Hội chợ xuân Thành phố Hồ Chí Minh trong dịp tết Quý Mão 2023, thầy Tuyên đang bắt tay hoàn thiện tác phẩm Linh Miêu cao 1,2m và hàng trăm các tác phẩm gốm phù điêu tinh túy khác.
Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên bằng hành động cụ thể đã cùng cộng đồng góp phần thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Đồng thời bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị vô cùng quý báu sản phẩm làng nghề gốm cổ truyền của dân tộc.