Nghệ sỹ chung tay chống dịch Covid-19
Nghệ sĩ Việt và cuộc sống yêu bếp ngày giãn cách Dàn sao góp mặt trong đêm nhạc trực tuyến "Chia sẻ để gần nhau hơn" |
Đóng góp qua mọi loại hình nghệ thuật
Dù được thể hiện ở loại hình nghệ thuật nào, những tác phẩm đề cập tới dịch bệnh Covid-19 đang là nỗi ám ảnh trên toàn thế giới, vẫn luôn có sức hấp dẫn đối với công chúng và độc giả.
Ngay từ những ngày đầu dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đội ngũ văn nghệ sỹ khắp cả nước đã cùng chung tay phòng chống dịch bằng những việc làm thiết thực, thể hiện tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của mình. Các nghệ sỹ đã thông qua các hoạt động kêu gọi người dân cùng với chính quyền chấp hành các quy định phòng chống dịch, đóng góp chăm lo cho người dân khu vực cách li, phong tỏa và góp vào quỹ vắc xin phòng Covid-19.
Nghệ sỹ Trần Mạnh Tuấn thổi Saxophone giữa những tòa nhà cách ly bệnh nhân F0 tại TP HCM, gây xúc động cho rất nhiều người |
Không chỉ bằng những món quà vật chất, các nghệ sỹ còn mang đến những món quà tinh thần với nhiều nhạc phẩm ý nghĩa để động viên các y bác sỹ và những người đang phải cách li xa gia đình, người thân. Các nghệ sỹ hát vọng từ xa với âm thanh chỉ bằng thùng loa di động nhưng ý nghĩa và sự xúc động thì rất đong đầy.
Hơn 20 nghệ sỹ, ca sỹ như Cẩm Vân, Hà Trần, Thanh Hà, Minh Tuyết, Uyên Linh, Hiền Thục, Ái Phương, Bùi Lan Hương, Hoàng Mỹ An, Tóc Tiên, Quang Dũng, Đình Bảo, Mai Tiến Dũng... đã cùng nhau gửi thông điệp yêu thương đến người dân Thành phố Hồ Chí Minh qua ca khúc “Sống như tia nắng mặt trời”. Ca khúc này được Nhạc sỹ Đình Bảo sáng tác trong thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cuộc sống người dân có phần khó khăn, đảo lộn.
Nhạc sỹ Đình Bảo cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là nơi ghi dấu một thời tuổi trẻ với bao ước mơ, hoài bão của anh mà nơi đây còn chứa đựng một giai đoạn đẹp đẽ nhất trong cuộc đời anh. Nơi này đã nuôi nấng anh với tình thương yêu của biết bao người. Vì vậy, khi sáng tác ca khúc này, anh muốn lan tỏa tình yêu thương, lòng nhiệt thành và niềm hy vọng đến với mọi người, đặc biệt là người dân Thành phố mang tên Bác trong lúc này.
Hòa chung với âm nhạc hiện đại, các tác giả âm nhạc truyền thống cũng mang những lời ca, tiếng hát bước vào cuộc chiến chống đại dịch. Nhiều tác giả đã đặt lời mới cho những làn điệu dân ca truyền thống nhằm tạo sự gần gũi, góp phần tuyên truyền đẩy lùi dịch Covid-19 như hát chèo “Chiếc khẩu trang nghĩa tình” của nhạc sỹ Hoàng Thị Dư, hát xẩm “Tiêu diệt Corona” của Nguyễn Quang Long, “Thiết tha lời Then chống dịch”, “Covid lịch sử”, “Đẩy lùi Covid đi xa” và “Mười thương chống dịch” của soạn giả Mai Văn Lạng...
Bên cạnh các sáng tác được thể hiện trên nền tảng trực tuyến, nhiều văn, nghệ sỹ đã có những đêm trình diễn đầy cảm xúc và đáng nhớ trên sân khấu đặc biệt như tại sân của Bệnh viện dã chiến số 3 và số 6 để phục vụ khán giả là hàng trăm y, bác sỹ, nhân viên y tế cùng hàng ngàn bệnh nhân Covid-19 đang điều trị ở đây. Cùng với những giọng hát quen thuộc của đội tình nguyện viên nghệ sỹ như Phương Thanh, Quốc Đại, Đăng Nguyên, Nam Cường... đêm diễn mới đây có sự góp mặt của nghệ sỹ Saxophone Trần Mạnh Tuấn.
Thời gian gần đây, đề tài chống dịch Covid-19 dường như đã trở thành đề tài nóng, được các văn nghệ sỹ trên cả nước tích cực sáng tác các tác phẩm thơ ca, nhạc họa, lan tỏa những thông điệp yêu thương, chia sẻ, cùng chung tay phòng chống dịch bệnh. Qua những ngòi bút đầy sáng tạo và cảm xúc, các tác phẩm đã mang đến cho công chúng những hình ảnh, những câu chuyện nhân văn để mỗi người có thêm niềm tin, có thêm động lực chiến thắng đại dịch Covid-19.
Các ca sĩ, chiến sĩ thuộc Đoàn văn công Quân Khu 3 thể hiện ca khúc "Việt Nam chống dịch vang danh" của nhạc sỹ Xuân Trí |
Xúc động khi chứng kiến hình ảnh đội ngũ y bác sỹ lên đường vào miền Nam chống dịch Covid-19, nhạc sỹ Xuân Trí sáng tác ca khúc mới Việt Nam chống dịch vang danh. MV ra mắt tối 8/8 trên kênh Youtube của nhạc sỹ Xuân Trí.
Theo dõi tin tức về công tác phòng chống dịch bệnh mỗi ngày, nhạc sỹ Xuân Trí đặc biệt ấn tượng với hình ảnh những y bác sĩ tình nguyện viên lên đường vào tâm dịch: “Thật xúc động khi được xem những hình ảnh đoàn quân tình nguyện từ khắp mọi miền Tổ quốc hướng về miền Nam thân yêu! Tôi đã liên tưởng tới hình ảnh các chiến sĩ năm xưa thần tốc vào chi viện cho miền Nam và kháng chiến thắng lợi. Vừa hay, tôi cũng nhận được bài thơ Việt Nam chống dịch vang danh từ Tiến sỹ Phạm Thuyên. Lời thơ chú viết khiến tôi thấy đồng cảm, xúc động và bắt tay ngay vào viết nhạc” - Xuân Trí chia sẻ.
Nhà thơ Lữ Mai bày tỏ: “Giới thiệu hiện thực bao giờ cũng bộn bề và sinh động. Đây cũng là một thách thức với các nghệ sỹ. Mỗi nghệ sỹ lại có cách khai thác riêng. Điều đó sẽ tạo nên những nét phong phú, đa dạng cho các tác phẩm. Đối với tôi, là một nhà thơ, tôi thấy có những câu chuyện, những hình ảnh thật sự rung động lòng người trong đại dịch này, như là hình ảnh các y bác sỹ đã phải hy sinh một phần hạnh phúc riêng tư để mang lại sự an toàn cho bệnh nhân. Những chi tiết đó, nếu được thi vị hóa thì sẽ chạm tới trái tim của tất cả mọi người”.
Cùng với các văn nghệ sỹ thuộc loại hình khác, các họa sỹ, nhà điêu khắc cũng đóng góp cho công tác phòng chống dịch Covid-19 thông qua các hoạt động như triển lãm, đấu giá trực tuyến sôi nổi và hiệu quả. Tất cả các họa sỹ trên khắp mọi miền đất nước không kể tuổi tác, mỗi người bằng việc làm thiết thực của mình, đã góp một phần không nhỏ cho cuộc chiến này.
Theo ước tính của một nhà đấu giá, các cuộc đấu giá tranh đã đóng góp cả chục tỷ đồng vào công cuộc phòng chống dịch Covid-19 tại nước ta. Các tác phẩm này không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn lan tỏa cảm xúc đẹp và nguồn năng lượng tích cực chia sẻ một phần khó khăn với cộng đồng.
Có thể nói, năm 2020, âm nhạc đã kịp thời cất lên tiếng nói hòa cùng bản giao hưởng của thông tin, truyền thông tuyên truyền chống dịch. Đến năm 2021 cũng vậy, những ca khúc với tinh thần chống dịch những không mang nặng tính khẩu hiệu đã tạo nên sức mạnh mềm, lan tỏa tinh thần, sự đoàn kết của Nhân dân trước những gian nan, thử thách, những bộn bề của cuộc sống.
Không chỉ đóng góp bằng sáng tác…
Hơn tháng nay, dịch vụ cắt tóc bị ngưng, đồng thời các y bác sĩ làm việc tại các bệnh viện gần như không được về nhà hay ra ngoài, tóc mọc dài làm ảnh hưởng đến công việc. Vì vậy, khi nhận được tin nhắn của Bác sĩ Phó Giám đốc bệnh viện dã chiến thu dung số 2 ở Quận 12, MC Quỳnh Hoa đã kết nối và thiết lập ngay đội hình cắt tóc, sẵn trong đội tình nguyện có vài nghệ sĩ biết cắt tóc và kêu gọi thêm các anh chị là người làm tóc, hóa trang cho nghệ sĩ tham gia. Hơn chục thành viên bắt đầu đến Bệnh viện dã chiến số 2, vừa cắt tóc, vừa ca hát để các y bác sĩ được thư giãn.
Đội hình có 4 thợ cắt tóc chuyên nghiệp tham gia tình nguyện là Ngọc Bảo, Phan Huỳnh, Minh Tuấn, Kha Kelvin Rốt. Các y bác sĩ cũng rất ngạc nhiên với tay nghề của các nghệ sĩ Đạo diễn Trần Minh Tuấn, diễn viên Khả Như, MC Lý Ngô, Thanh Vân,… Có lẽ “gan dạ” nhất là ca sĩ Phương Thanh, sau một lúc dùng hết “tài năng và gan dạ” cô cũng đã hoàn thành 3 mái tóc cho 3 y bác sĩ trong niềm vui của mọi người.
Ca sĩ Quốc Đại, MC Quỳnh Hoa, ca sĩ Phương Thanh ngoài việc hỗ trợ cắt tóc còn hát những bài dân ca, truyền thống, những bài nhạc yêu thích theo yêu cầu của y bác sĩ để các anh chị phần nào giảm bớt áp lực, căng thẳng. Có được ít ỏi giây phút nghỉ ngơi để cắt tóc và nghe hát, ít giây phút để chia sẻ nhưng các nghệ sĩ cảm nhận được sự vất vả và hy sinh của y bác sĩ.
Ca sĩ Quốc Đại chia sẻ: “Càng đi nhiều nơi càng cảm thấy hiểu và chia sẻ nhiều hơn với lực lượng tuyến đầu, những vất vả và hy sinh đó không thể đo đếm hết, vì vậy mà dù nguy hiểm nhưng tụi này vẫn không dừng chân, để mong muốn góp một phần nhỏ bé vào cuộc chiến chống dịch để cuộc sống sớm trở lại bình thường”.
MC Quỳnh Hoa chia sẻ, cắt tóc là nhiệm vụ khá khó khăn với nhóm vì đòi hỏi phải có kỹ năng nghề nhưng may mắn được anh em làm nghề chuyên nghiệp ủng hộ và tham gia tình nguyện. Bên cạnh đó một vài nghệ sĩ cũng có thể cắt tóc, và sau hôm nay chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đội hình này đến những nơi y bác sĩ cần cắt tóc”.
Có thể thấy, dù không liệt kê hết được sự đóng góp của các văn nghệ sỹ trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19 nhưng vẫn biết được rằng, với phương châm “một người vì mọi người”, những nỗ lực không ngừng nghỉ của các văn nghệ sỹ đã góp phần lan tỏa và mang lại hiệu ứng rất tích cực cho cộng đồng.