Nghi can sát hại bé gái ở Gia Lâm đã chết, vụ án xử lý như thế nào?
Việc đền bù dựa theo di sản thừa kế
Liên quan đến vụ bắt cóc cháu bé 2 tuổi ở Gia Lâm, Công an tỉnh Hưng Yên cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Giáp Thị Huyền Trang (27 tuổi, ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) về tội "Giết người". Trang là nghi can thực hiện bắt cóc bé 2 tuổi ở Hà Nội, sau đó đưa bé đến Hưng Yên rồi nhẫn tâm ra tay sát hại.
Về phía Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cũng khởi tố điều tra vụ án và xác định, Giáp Thị Huyền Trang sau khi gây ra vụ bắt cóc, tống tiền (gia đình cháu bé đã chuyển 550 triệu đồng), rồi sát hại cháu bé 2 tuổi để bịt đầu mối. Do biết không thể trốn thoát và sẽ phải đối diện với khung hình phạt cao nhất nên nghi phạm Trang đã nhảy cầu tự tử. Cơ quan chức năng đã tìm thấy thi thể đối tượng trên sông Đuống (địa phận huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Chân dung Giáp Thị Huyền Trang – nghi phạm bắt cóc, sát hại cháu bé 2 tuổi (Ảnh: CACC) |
Trao đổi với báo chí về các bước tố tụng tiếp theo của vụ án, luật sư Tạ Phương (Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Hà Nội) cho biết, quá trình điều tra, nếu nhận thấy vụ án có yếu tố đồng phạm như: Có người cung cấp số tài khoản ngân hàng, liên hệ, giúp sức cho đối tượng này phạm tội... thì vụ án vẫn được triển khai điều tra xem xét đối với đồng phạm.
Trong trường hợp nhận thấy không có dấu hiệu đồng phạm, mà người bị buộc tội đã chết thì trách nhiệm hình sự đối với họ sẽ bị đình chỉ. Tuy nhiên, việc bồi thường thiệt hại dân sự thì vẫn được đặt ra. Lúc này, gia đình bị hại sẽ khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự.
Theo nữ luật sư, nếu hành vi phạm tội của bị can đã chết gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường thiệt hại đó theo quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận các bên. Những người thừa kế của bị can đã chết sẽ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trách nhiệm của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được xác định như sau: Nếu người chết là bị can để lại di sản thừa kế thì tài sản này sẽ được dùng để thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có trách nhiệm phối hợp giải quyết.
Nếu người chết là bị can để lại di sản trong đó có phần của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như tài sản chung vợ chồng, tài sản chung với người khác thì cơ quan tố tụng phải xác định phần tài sản của người chết là bao nhiêu. Phần đó là di sản và phải dùng để thực hiện nghĩa vụ của bị can đã chết đối với bị hại. Sau đó, nếu còn dư thì sẽ chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất như cha mẹ, vợ (chồng), con.
“Nếu bị can đã chết không còn tài sản thì người bị thiệt hại không có căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Người thân của bị can không có nghĩa vụ phải bồi thường thay, trừ khi họ tự nguyện bồi thường thay người đã chết”, luật sư Tạ Phương nói.
Bắt cóc cháu bé để tống tiền
Trước đó, Công an TP Hà Nội đã thông tin, khoảng 17h30’ ngày 19/9, Công an TP Hà Nội tiếp nhận đơn trình báo của chị M.T.H (ở xã Đa Tốn, Gia Lâm) về việc con gái chị là cháu N.H.T (SN 2021) đã bị Giáp Thị Huyền Trang (SN: 1996; ở xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, Bắc Giang, là người được gia đình thuê đón cháu bé), bắt cóc, đòi số tiền chuộc là 1,5 tỷ đồng, nếu không sẽ giết cháu T.
Ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị, lực lượng nghiệp vụ của Công an TP phối hợp với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, Công an các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn truy bắt đối tượng, giải cứu cháu bé với tinh thần quyết tâm cao nhất.
Quá trình rà soát, tìm kiếm, đến khoảng 12h ngày 20/9, Công an tỉnh Hưng Yên phát hiện thi thể cháu N.H.T tại khu vực cánh đồng thôn Nhạn Tháp, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định.
Khu vực phát hiện thi thể cháu bé 2 tuổi ở thôn Nhạn Tháp, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang |
Trong một diễn biến có liên quan, khoảng 21h37’ ngày 19/9, Trung tâm thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội tiếp nhận tin báo của công dân về việc khoảng 21h35 cùng ngày có nhìn thấy một người nhảy từ cầu Đuống xuống sông. Trung tâm thông tin chỉ huy đã điều động lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hà Nội, Công an quận Long Biên, Công an huyện Gia Lâm đến khu vực cầu Đuống để tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ người nhảy cầu; qua miêu tả của nhân chứng, người này có đặc điểm nhận dạng giống đối tượng Trang.
Đến 19h30’ ngày 21/9, Công an TP Hà Nội đã trục vớt 1 thi thể phụ nữ tại khu vực sông Đuống, địa phận xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, Viện Kiểm sát, đại diện gia đình đối tượng Trang, khám nghiệm hiện trường, pháp y tử thi, làm rõ nguyên nhân tử vong; tổ chức giám định, nhận dạng xác định nhân thân. Kết quả giám định ADN xác định thi thể người phụ nữ trên là Giáp Thị Huyền Trang.
Quá trình điều tra, Công an TP Hà Nội xác định: Sau khi đón cháu T từ trường mầm non tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm; Trang sử dụng xe máy chở cháu T đi thẳng xuống địa phận tỉnh Hưng Yên, liên tục di chuyển vòng quanh các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Mỹ Hào.
Trong khi di chuyển, Trang sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau để gọi điện, nhắn tin cho gia đình cháu bé để đòi tiền chuộc, sau đó tắt máy nhằm che giấu, đối phó việc truy bắt của lực lượng Công an. Trên đường đi, cháu bé bị mệt, quấy khóc nhiều nên Trang sợ lộ nên đối tượng đã ra tay sát hại cháu bé để xoá dấu vết bịt đầu mối, trước thời điểm gia đình bị hại đến cơ quan công an trình báo.
Sau khi sát hại cháu bé, đối tượng Trang tiếp tục đòi tiền chuộc, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng. Do lo sợ, gia đình cháu T đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Trang với tổng số tiền 550 triệu đồng. Trên đường lẩn trốn, biết các lực lượng công an đang truy lùng, biết không thể trốn thoát và sẽ phải đương đầu với mức án cao nhất nên đối tượng đã tự sát. Hiện, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đang tiếp tục phối hợp điều tra, làm rõ nội dung vụ án để xử lý theo quy định pháp luật.