Nghị quyết 68 soi đường cho kinh tế tư nhân
Bước ngoặt lịch sử, động lực then chốt cho kinh tế tư nhân Nghị quyết 68-NQ/TW là "cuộc cách mạng" về tư duy và thể chế |
Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW, một văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước ngoặt lớn trong tư duy phát triển nền kinh tế Việt Nam - nơi khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân.
Không chỉ là sự ghi nhận về mặt tư tưởng, Nghị quyết 68-NQ/TW phản ánh một tầm nhìn cải cách sâu rộng, đổi mới thực chất, đặt doanh nghiệp tư nhân vào trung tâm của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, khơi thông nguồn lực và giải phóng sức dân.
Để làm rõ hơn tầm quan trọng của Nghị quyết 68-NQ/TW phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU).
BẢN TUYÊN NGÔN TRONG THỜI ĐẠI MỚI
Theo ông Nguyễn Quang Huy, lần đầu tiên, Bộ Chính trị khẳng định việc phát triển kinh tế tư nhân là một nhiệm vụ trung tâm, cấp bách, nhưng đồng thời là chiến lược lâu dài, phải được cụ thể hóa trong toàn bộ hệ thống chính sách quốc gia. Quan điểm này cho thấy sự chuyển dịch rõ rệt: từ mô hình “quản lý - xin cho” sang “kiến tạo - đồng hành”.
Đặc biệt, Nghị quyết nhấn mạnh phải xóa bỏ triệt để các định kiến, thái độ kỳ thị hay phân biệt đối xử đối với kinh tế tư nhân. Thay vào đó, cần tôn vinh tinh thần kinh doanh chân chính, khuyến khích sáng tạo, phát triển và phụng sự đất nước, coi doanh nhân là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận kinh tế.
Nghị quyết 68-NQ/TW nêu rõ, doanh nghiệp là chủ thể, Nhà nước là kiến tạo, đồng hành và bảo vệ. Tinh thần này được cụ thể hóa qua hàng loạt định hướng cải cách có tính nền tảng.
![]() |
Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU) |
Cụ thể là việc bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh và quyền cạnh tranh bình đẳng; chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra trùng lặp, kéo dài - chỉ thanh tra 1 lần/năm trừ khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng; thực hiện số hóa toàn diện đất đai, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa dữ liệu; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động công và dịch vụ công, tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh lành mạnh.
Nghị quyết 68-NQ/TW cũng đưa ra thông điệp đặc biệt mạnh mẽ về việc nâng đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ cao - nhóm có khả năng tạo đột phá, ứng phó linh hoạt với biến động kinh tế toàn cầu.
Theo đó, Nghị quyết 68-NQ/TW nêu rõ việc cho phép các địa phương sử dụng ngân sách để phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ; dành tối thiểu 20ha/khu hoặc 5% diện tích hạ tầng cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, công nghệ cao; giảm ít nhất 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu, hỗ trợ mặt bằng sạch, điện - nước - thông tin, giao thông; kết nối doanh nghiệp nhỏ với chuỗi cung ứng, thị trường và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết 68-NQ/TW cũng nhấn mạnh phát triển doanh nhân không chỉ là phát triển kinh tế, mà còn là phát triển quốc gia. Doanh nhân Việt Nam cần được đào tạo, bồi dưỡng toàn diện về đạo đức nghề nghiệp, văn hóa kinh doanh; tư duy toàn cầu, trí tuệ chuyển đổi số, bản lĩnh thị trường; ý chí vươn lên, tinh thần yêu nước và trách nhiệm xã hội.
![]() |
Với Nghị quyết 68-NQ/TW, kinh tế tư nhân sẽ không còn chịu lép vế trước khối doanh nghiệp Nhà nước |
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Nhà nước cần có chính sách tôn vinh, bảo vệ, đồng hành và tiếp sức cho doanh nhân, để họ có thể vững vàng vượt qua biến động, đóng góp cho sự nghiệp phát triển bền vững.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, để Nghị quyết 68-NQ/TW đi vào thực tiễn, cần đồng bộ triển khai thể chế hóa nhanh chóng các nội dung Nghị quyết bằng luật, nghị định, chương trình hành động cụ thể; thiết lập cơ chế giám sát độc lập việc thực thi các chính sách liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân.
Cùng với đó là rà soát, bãi bỏ các quy định rào cản, không phù hợp với môi trường kinh doanh thị trường; thúc đẩy sự phối hợp giữa các bộ ngành - địa phương - hiệp hội doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận trong thực thi chính sách; xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả thực hiện Nghị quyết, làm cơ sở điều chỉnh kịp thời chính sách.
"Nghị quyết 68-NQ/TW không chỉ là một chính sách; nó là lời hiệu triệu, là bản thiết kế lớn cho một Việt Nam thịnh vượng hơn, độc lập hơn, hội nhập sâu sắc hơn - nơi mà doanh nghiệp tư nhân là trung tâm của động lực tăng trưởng, là nguồn lực quốc gia, là niềm tự hào của thời đại kinh tế mới", ông Huy chia sẻ.
Cũng theo ông Huy, việc hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW đòi hỏi sự đồng lòng giữa Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, để từ đó kiến tạo một hệ sinh thái phát triển minh bạch, công bằng, sáng tạo và đầy khát vọng vươn lên.
KHI NÚT THẮT ĐƯỢC CỞI BỎ...
Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hồ Chí Minh, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW là một bước đột phá trong phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Nghị quyết định hướng đến năm 2030, kinh tế tư nhân sẽ là động lực quan trọng nhất, nhấn mạnh về vai trò dẫn dắt của khu vực kinh tế tư nhân. Do vậy, Việt Nam cần có các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có thể sánh vai, cạnh tranh với các tập đoàn kinh tế khác trên thế giới.
Cũng chính vì thế, chúng ta cần phải có cơ chế, thể chế để luật hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm giúp khu vực kinh tế tư nhân đầu tư mạnh vào lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
![]() |
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội |
Điều này cũng đặt ra yêu cầu đối với dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo lần này phải phản ánh được, thể chế hoá được những tư duy của Đảng vào trong luật. Từ đó, khu vực kinh tế tư nhân mới có điều kiện đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động khoa học và mới có thể phát triển nhanh, trở thành các tập đoàn kinh tế lớn ngang tầm các tập đoàn kinh tế trên thế giới.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, chúng ta cần sớm thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận mọi nguồn lực của quốc gia một cách thuận lợi nhất với nhiều ưu đãi nhất.
Có như vậy, khu vực kinh tế tư nhân mới có hiện thực hóa được Nghị quyết số 68-NQ/TW, biến khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế của đất nước vào năm 2030.
Chia sẻ thêm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, Nghị quyết số 68-NQ/TW lần này của Bộ Chính trị đã thể hiện 3 tư tưởng rất lớn. Đó là giảm sự phiền hà; tăng cường mức độ bảo vệ đối với khu vực kinh tế tư nhân và khơi thông mọi nguồn lực.
Đây là điểm rất mới vì trước đây chúng ta đã nhấn mạnh về việc giảm sự phiền hà nhưng lần này chúng ta còn nhấn mạnh thêm việc tăng cường mức độ bảo vệ khu vực kinh tế tư nhân.
Đồng thời, khơi thông mọi nguồn lực để khu vực kinh tế tư nhân thực sự là lực lượng quan trọng nhất trong việc đóng góp vào mục tiêu xây dựng đất nước đến năm 2030, năm 2045 mà chúng ta đã đề ra.
Theo các chuyên gia, một điểm đột phá trong các đột phá của Nghị quyết số 68-NQ/TW là việc khẳng định rõ cần xóa bỏ triệt để những định kiến về kinh tế tư nhân. Đây là lần đầu tiên một văn kiện cấp cao của Đảng đề cập trực diện đến “tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến” vốn là lực cản lớn nhất đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong suốt nhiều thập niên.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 68 cũng nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò kiến tạo của Nhà nước và coi doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể của tiến trình phát triển. Đội ngũ doanh nhân không chỉ cần giỏi làm kinh tế mà còn phải có đạo đức, văn hóa, khát vọng cống hiến, tinh thần dân tộc và ý thức trách nhiệm xã hội.
Đây là cách tiếp cận toàn diện và nhân văn, đặt doanh nhân không chỉ trong vai trò sản xuất mà còn là lực lượng chủ lực đóng góp vào sự phát triển bền vững, bao trùm và mang bản sắc Việt Nam.
Có thể nói rằng, Nghị quyết số 68-NQ/TW là một dấu mốc quan trọng, không chỉ nâng tầm vai trò của kinh tế tư nhân, mà còn cho thấy quyết tâm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển của Đảng, mở ra một thời kỳ mới, nơi doanh nghiệp và doanh nhân tư nhân được khuyến khích, bảo vệ và đồng hành cùng sự nghiệp phát triển đất nước.
Đây chính cũng là chìa khóa để kích hoạt toàn bộ sức sản xuất trong xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực trong dân, đồng thời bảo đảm tính chủ động, độc lập và sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân trong thời đại mới.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

VINUT: Mang tinh túy nông sản Việt chinh phục thế giới qua Amazon

Hành trình 35 năm trưởng thành và bứt phá

Bước ngoặt lịch sử, động lực then chốt cho kinh tế tư nhân

Phát triển kinh tế tư nhân, đặt ra những định hướng chiến lược, mục tiêu cụ thể

Chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy điện gió hơn 1.000 tỷ đồng

Nghị quyết 68-NQ/TW, chuyên gia đề xuất xây dựng Luật phát triển Kinh tế tư nhân

Nestlé tiếp tục mục tiêu nâng cao giá trị nông sản Việt với khoản đầu tư mới

Vì sao bùng nổ doanh nghiệp gia nhập và trở lại thị trường?

KSB ra mắt diện mạo mới, hướng tới tập đoàn đa ngành hiện đại
