Nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống
Cơ chế đặc thù tạo bước đột phá về khoa học công nghệVượt định kiến giới, chinh phục đam mê khoa học |
Mục tiêu của hội thảo nhằm huy động các nguồn lực thúc đẩy ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội để tỉnh phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hội thảo nhằm tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các viện, trường, nhà khoa học; các Sở, ngành, chính quyền địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp; người trực tiếp sản xuất để xác định được các nhiệm vụ KH&CN trọng tâm, trọng điểm, phù hợp thực tiễn địa phương.
Đồng thời, hội thảo đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách, nhân lực, KH&CN, tín dụng và các ngành phụ trợ để giải quyết các vấn đề sản xuất tỉnh Cà Mau đang gặp phải.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Huỳnh Anh) |
Từ năm 2020 - 2024, nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh do UBND tỉnh phê duyệt và nhiệm vụ thuộc các chương trình do Sở KH&CN quản lý, phê duyệt đưa vào danh mục là 102 đề tài, dự án. Theo đó, ông Quách Văn Ấn, Phó giám đốc Sở KH&CN, cho biết, trên địa bàn tỉnh thời gian qua nhiều kết quả nghiên cứu KH&CN đã được ứng dụng thành công vào sản xuất và đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Nhứt, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản II chia sẻ về công nghệ RAS- IMTA trong nuôi tôm. Theo Tiến sĩ Nhứt, công nghệ nuôi tôm RAS- IMTA đã được chứng minh là sử dụng đa loài giảm thiểu rủi ro đáng kể. Tiêu biểu là hệ số thức ăn thấp; tốc độ tăng trưởng tôm cao; tôm ít bệnh; hạn chế thay nước và đạt các chỉ số bền vững và theo hướng kinh tế tuần hoàn, tức đã đảm bảo các tiêu chí của tôm nuôi theo chứng chỉ ASC, BAP, VietGAP… đáp ứng đa chứng nhận mở rộng xuất khẩu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Huỳnh Anh) |
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận xoay quanh các nội dung như giải pháp tổng quát huy động nguồn lực tài chính quốc tế trong đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống; thực trạng ứng dụng công nghệ trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh; những thuận lợi, khó khăn, giải pháp phát triển ngành tôm bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn đối với các nước đang phát triển...
Các đại biểu tập trung phân tích nguyên nhân khiến việc xác định được các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, việc tạo ra được các kết quả KH&CN mang tính chiến lược, đột phá và việc ứng dụng, nhân rộng kết quả đề tài, dự án vào thực tiễn sản xuất và đời sống đang còn gặp nhiều khó khăn, thách thách.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, dù đã đạt nhiều kết quả, song việc phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ thời gian qua đang gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là việc chọn đề tài, nhiệm vụ KH&CN sát thực tế, đáp ứng thiết thực nhất cho đời sống, sản xuất và phù hợp với nguồn lực địa phương.
Từ 2020-2024, toàn tỉnh chỉ có 7 đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia, con số này là quá ít nếu so với tiềm năng và những thách thức mà tỉnh đang phải đối diện do biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cơ chế chính sách, nhất là cơ chế liên quan về tài chính trong thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cũng đang còn không ít khó khăn.
“Nguồn ngân sách của tỉnh hiện nay dành cho nhiệm vụ KH&CN hằng năm không lớn cùng với sự huy động và sử dụng nguồn lực xã hội còn nhiều khó khăn đã phần nào khiến cho việc ứng dụng và nhân rộng của đề tài, dự án KH&CN đã được công nhận vào thực tế còn rất chậm, rất khó", Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau phân tích.
Sở KH&CN, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau ký thoả thuận hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện “Chương trình hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thuỷ sản theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn” (Ảnh: Huỳnh Anh) |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo, lãnh đạo các Sở, ngành, chính quyền địa phương phải luôn tự hỏi xem ngành, lĩnh vực và địa phương mình đang cần đề tài, nhiệm vụ khoa học gì để đưa ra nhiệm vụ sát với thực tế.
Sở KH&CN phải cung cấp thông tin, chương trình khoa học công nghệ hiện có và trong quá trình thông tin phải làm sao cho các tổ chức, đơn vị liên quan chú ý để đăng ký nhiệm vụ hằng năm.
Sở KH&CN nghệ cần phải đồng hành cũng các chủ đề tài, các chuyên gia và doanh nghiệp, có kế hoạch hành động cụ thể trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Sở KH&CN tiến hành rà soát, thống kê các cơ chế chính sách liên quan đến KH&CN, phải làm sao cho người tiếp nhận dễ hiểu. Sở tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách KH&CN. Đặc biệt, việc huy động nguồn lực KH&CN phải trên cơ sở liên kết chuỗi để tạo ra sức mạnh của sự tổng lực.
Dịp này, Sở KH&CN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện “Chương trình hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn".