Vượt định kiến giới, chinh phục đam mê khoa học
Cơ chế đặc thù tạo bước đột phá về khoa học công nghệ |
Bài 1: Nữ sinh ngành Khí tài quang học và niềm đam mê nghiên cứu
Từng hoang mang khi được phân vào khoa Vũ khí, Hoàng Thị Thương, Học viện Kỹ thuật quân sự dần thấy hứng thú khi được tìm hiểu các thiết bị quân sự. Đây cũng là động lực để cô gái trẻ dành nhiều thời gian cho những nghiên cứu khoa học.
Hướng nghiên cứu mới
Ngay từ khi học cấp ba, Thương đã say mê với các thí nghiệm Vật lý, tìm hiểu và giải thích những nguyên nhân thú vị của các hiện tượng đó. Dần dần, niềm đam mê nghiên cứu khoa học đã nhen nhóm và ấp ủ trong cô gái trẻ. Thời điểm bước ngoặt của tương lai tới, Thương mạnh dạn đăng ký vào Học viện Kỹ thuật quân sự.
Tuy nhiên, ngay khi nhập học Thương đã vấp phải cú sốc. Cô gái trẻ phải tham gia khóa huấn luyện quân sự kéo dài 6 tháng tại trường Sĩ quan lục quân 1. Trở về trường sau thời gian huấn luyện vất vả, có những ngày mang 20 kg tư trang đi 5 km dưới mưa, Thương thêm hoang mang khi được phân vào chuyên ngành Khí tài quang học và Quang điện tử.
Hoàng Thị Thương |
Thương đã tự hỏi: “Không biết mình có học được không” khi ngành này được xem là khó và hầu như chỉ dành cho nam giới. Đây cũng là ngành yêu cầu trình độ chuyên môn cao và sự sáng tạo trong nghiên cứu. Tuy nhiên, sau thời gian học tập, cô gái trẻ nhận được nhiều kiến thức bổ ích. Với niềm đam mê có sẵn, Thương tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học và say mê với từng thí nghiệm.
Trong đó, Thương chủ trì đề tài “Nghiên cứu chế tạo vi laser bằng máy in thương mại” và “Nghiên cứu xây dựng mô hình thiết bị phun vi giọt trong chế tạo vi laser”. Cả hai đề tài thuộc lĩnh vực Quang điện tử và đều đạt kết quả xuất sắc, được Học viện Kỹ thuật quân sự tặng Bằng khen.
Thương cho biết hiện nay trên thế giới, laser được sử dụng rất rộng rãi trong rất nhiều các lĩnh vực của đời sống xã hội như y học, truyền thông, vật liệu bán dẫn, gia công vật liệu, năng lượng, kiến trúc … và cả ở trong quân sự. Vì những ứng dụng to lớn nên hiện nay laser được quan tâm nghiên cứu và trở thành lĩnh vực thu hút các nhà khoa học, nghiên cứu về nhiều mảng khác nhau trên cơ sở thay đổi cấu trúc, vật liệu, phương pháp chế tạo… để tạo ra rất nhiều loại laser và mở rộng ứng dụng trong đời sống xã hội.
Hoàng Thị Thương giành nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học |
Trong vài thập kỷ trở lại đây, vi laser đặc biệt là vi laser vật liệu mềm được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, phát triển do có thể tạo ra các nguồn laser chất lượng cao, chi phí thấp và điều khiển được kích thước và có triển vọng ứng dụng trong thiết bị quang tử, cảm biến quang học... Tuy nhiên vấn đề này còn nhiều khía cạnh cần được cải tiến, nhiều loại vật liệu, phương pháp chế tạo cần được nghiên cứu.
Chọn màu xanh áo lính
Các nghiên cứu của Thương hướng đến chế tạo vi laser từ vật liệu mềm để ứng dụng trong đời sống. Trong suốt 5 năm học tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, cô gái trẻ tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và tiến hành các thí nghiệm với cường độ cao. Đồ án tốt nghiệp Thương hoàn thành gần đây là kết quả của hai năm nghiên cứu liên tục, không chỉ tích lũy kiến thức chuyên ngành mà còn là hành trình rèn luyện kỹ năng.
Đề tài của Thương đã được trình bày qua hai bài báo hội thảo khoa học, trong đó cô gái trẻ là tác giả đứng đầu. Đồng thời, một bài báo của nhóm cũng được đăng trên tạp chí uy tín của Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Thương giữ vai trò đồng tác giả.
Hoàng Thị Thương (thứ hai từ trái sang) luôn là một trong những sinh viên xuất sắc |
Thương chia sẻ: “Nghiên cứu khoa học đòi hỏi sự tổng hợp của cả kỹ năng cứng và mềm. Đặc biệt, kỹ năng làm việc nhóm và xử lý tình huống là những yếu tố quan trọng nhất để thực hiện đề tài thành công”.
Ngưỡng mộ những người lính cụ Hồ, Thương quyết tâm theo học trong môi trường quân đội. Với môi trường đặc thù này, cô gái trẻ gặp không ít thử thách trong việc sắp xếp thời gian cho nghiên cứu. Ngoài giờ học chuyên ngành, các học viên quân sự còn phải tham gia những hoạt động rèn luyện khác, khiến thời gian tự học và nghiên cứu hạn chế. Dù vậy, Thương vẫn duy trì lịch học khoa học bằng cách chia nhỏ nhiệm vụ, tối ưu thời gian cuối tuần để tổng hợp kết quả và hoàn thành các công việc đã đề ra. Trong những lúc rảnh rỗi, cô đọc sách, nghe nhạc và gặp gỡ bạn bè để tái tạo năng lượng.
Không ít lần, Thương phải đối diện với định kiến giới khi người khác cho rằng con gái “chỉ nên làm việc nhẹ nhàng, học kỹ thuật làm gì cho vất vả”. Những ý kiến đó đã trở thành động lực thúc đẩy cô gái trẻ cố gắng hơn nữa để chứng minh rằng phụ nữ hoàn toàn có thể làm khoa học và quân sự: “Mình muốn chứng minh rằng, phụ nữ không chỉ giới hạn ở những công việc nội trợ, mà còn có thể trở thành nhà nghiên cứu, nhà khoa học, hay những sĩ quan quân đội kiên cường”, Thương nói.
(Còn nữa)