Người dân Bảo Lộc sẽ “khóc” vì giá nước?
Nhà máy cấp nước ven hồ Nam Phương
Là đô thị cấp 3, nằm trên tuyến quốc lộ 20, Bảo Lộc không chỉ là trung tâm sản xuất trà lớn nhất phía Nam mà còn là trung tâm kinh tế, hành chính của tỉnh Lâm Đồng trong tương lai. Tuy nhiên, câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất tại vùng đất này lại là nước sinh hoạt. Nguồn nước chính tại Bảo Lộc đang được cấp bởi 12 giếng khoan ngầm, đa số nước chưa được xử lý khử trùng triệt để cung cấp cho người dân sinh hoạt. Mùa khô hạn, các giếng cạn nước. Qua thời gian, hệ thống giếng khoan ngầm sẽ tác động sụt lún địa tầng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các công trình xây dựng trên địa bàn.
Nhằm ngăn chặn tác động xấu đến phát triển thành phố theo quy hoạch, cung cấp đủ nước sạch cho người dân Bảo Lộc, ngày 6/2/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã lập tờ trình số 860/TTr-UBND về thẩm định chủ trương đầu tư, nguồn vốn; khả năng cân đối vốn dự án đầu tư kiểm soát tỷ lệ thất thoát nước sạch; nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước thành phố Bảo Lộc; sử dụng công cụ tài chính doanh nghiệp Đan Mạch gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Mục tiêu của dự án là xây dựng nhà máy nước công suất 17.000 m3/ngày đêm và hệ thống đường ống dẫn nước từ hồ Lộc Thắng về Bảo Lộc. Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2021. Giá bán nước khởi điểm là 12.790 đồng/m3, sau đó sẽ tăng theo lộ trình.
Bản đồ quy hoạch hệ thống cấp nước Lộc Thắng, Bảo Lộc, Lâm Đồng |
Vấn đề đáng nói là sản lượng nước được bán ra chỉ khoảng 4,4 triệu m3/năm. Để thu về 106 tỷ đồng/năm thì giá bán nước phải ở mức 24.000 đồng/m3, chứ không phải 12,790 đồng/m3.
Về mặt hiệu quả, nếu phải trả cả vốn lẫn lãi vay gần 50 tỷ đồng/năm thì dự án không có đủ tiền để trả. Nếu được ưu đãi đặc biệt thì dự án phải trả liên tục trong 75 năm không có lãi vay. Điều này mâu thuẫn với điều khoản cho vay của hợp đồng tín dụng, trong đó vốn vay ODA là 367,107 tỷ đồng, phải trả hàng năm bao gồm cả vốn lẫn lãi trong thời hạn 10 năm; vốn đối ứng là 81,392 tỷ đồng, vay với lãi suất thương mại phải trả trong thời hạn 13 năm.
Chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Hữu Khải, nguyên Giám đốc một xí nghiệp thuộc Công ty cấp nước Lâm Đồng hỏi về vấn đề này. Ông Khải lấy bản đồ quy hoạch hệ thống cấp nước Bảo Lộc ra và chia sẻ: “Dự án nên tận dụng nguồn nước hồ Nam Phương, gần trung tâm thành phố Bảo Lộc. Hiện Nhà máy nước của công ty Thiên Hòa An đang cung cấp nước sạch với giá chỉ có 4.300 đồng/m3”.
Như vậy, có thể thấy nếu thực hiện dự án, giá nước sẽ tăng thêm 35% so với hiện tại. Đó là một gánh nặng cho người dân khi sử dụng nước sạch. Mặt khác, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phải lo cân đối để không bội chi ngân sách vừa phải lo bảo lãnh vay vốn ODA cho một dự án khó thu hồi được vốn.