Người trẻ đi đầu trong xây dựng Hà Nội xanh
Anh Nguyễn Đức Tiến tái đắc cử Chủ tịch Hội LHTN TP Hà Nội |
Tham dự chương trình có: Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương; cùng lãnh đạo các sở ban ngành thành phố Hà Nội.
Hội thoại đối thoại với chủ đề: “Thanh niên tham gia xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại". Chủ đề này gắn với tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển Thủ đô tầm nhìn 2045. Theo Ban tổ chức, từ nhiều tháng nay, hàng trăm ý kiến hiến kế, câu hỏi liên quan đã được đoàn viên, thanh niên của Thủ đô gửi tới Chủ tịch UBND thành phố và các sở, ban, ngành.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại buổi đối thoại với đại biểu thanh niên |
Lĩnh vực thành phố quan tâm
Báo cáo kết quả thực hiện kết luận của Chủ tịch UBND thành phố đối thoại với thanh niên năm 2023; định hướng nội dung đối thoại năm 2024, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết: Tiếp nối sự thành công của chương trình đối thoại với thanh niên năm 2023, trong khuôn khổ chương trình Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố chủ trì Hội nghị đối thoại với thanh niên Thủ đô với chủ đề: “Thanh niên tham gia xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”. Đây là lĩnh vực thành phố đang quan tâm và ưu tiên dành các nguồn lực để đầu tư. Các đại biểu có thể nêu câu hỏi, ý kiến, đề xuất giải pháp, tham gia hiến kế tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính:
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội sẵn sàng lắng nghe câu hỏi, đề xuất giải pháp của các bạn trẻ Thủ đô |
Nhóm vấn đề về "Thủ đô xanh" gồm các ý kiến, đề xuất, giải pháp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của đoàn viên thanh niên trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người trẻ về lợi ích và trách nhiệm của việc bảo vệ môi trường, tác hại của biến đổi khí hậu đối với kinh tế xã hội, hướng tới thay đổi hành vi trong hoạt động bảo vệ tài nguyên môi trường.
Nhóm vấn đề "Thủ đô văn hiến" gồm các ý kiến, đề xuất, giải pháp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử của Thủ đô; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh, thiếu niên, qua đó góp phần tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên thanh niên về những truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô Hà Nội và truyền tải, giới thiệu hình ảnh của Hà Nội với bạn bè quốc tế.
Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội Trần Đình Cảnh phát biểu tại hội nghị |
Nhóm vấn đề "Thủ đô văn minh, hiện đại" gồm các ý kiến hiến kế của đoàn viên, thanh niên trong các lĩnh vực xây dựng công dân số, chính quyền số, xã hội số; xây dựng văn hóa ứng xử, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, hội nhập quốc tế.
Xây dựng ý thức cho người trẻ
Chia sẻ tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ghi nhận, đánh giá cao Đoàn Thanh niên thường xuyên tham gia vào công việc lớn của thành phố như chương trình 06 hay xây dựng dữ liệu dân cư. Đối với việc đột xuất như khắc phục hậu quả bão lũ vừa rồi, thanh niên hành động rất kịp thời. Đặc biệt, thanh niên có những hành động thực tế để người dân cảm nhận dược trách nhiệm của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. |
Quan tâm đến chủ đề “Hà Nội xanh”, Bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội LHTN quận Ba Đình Phạm Thu Phương chia sẻ, vừa qua Hà Nội nói riêng cũng như nhiều tỉnh thành phố phía Bắc vừa trải qua bão số 3 (Yagi), cơn bão lịch sử có sức càn quét kinh hoàng đổ bộ vào Việt Nam. Công tác phòng chống bão, cũng như tái thiết sau siêu bão được toàn thể Nhân dân chung tay đã thể hiện một tinh thần đoàn kết, “lá lành đùm lá rách” tuyệt vời của nhân dân Việt Nam, thể hiện rõ ràng vai trò của MTTQ Việt Nam cùng toàn thể các tổ chức chính trị xã hội.
“Tuy nhiên một trong những nguyên nhân sâu xa khiến ảnh hưởng của bão Yagi lớn đến như vậy là do sự biến đổi khí hậu do ô nhiễm môi trường từ các nhà máy, phương tiện giao thông... cũng như nạn phá rừng và khai thác tài nguyên quá mức.
Bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội LHTN quận Ba Đình Phạm Thu Phương đặt câu hỏi |
Trong thời gian tới lãnh đạo UBND thành phố cũng như các sở ngành của thành phố có liên quan có những chủ trương, giải pháp gì để góp phần giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô”, Bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội LHTN quận Ba Đình Phạm Thu Phương đặt câu hỏi.
Giải đáp câu hỏi của Bí thư Quận đoàn Ba Đình, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam cho biết, bão lũ cụ thể về cơn bão số 3 có nguyên nhân sâu xa do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó có nhiều yếu tố khác.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam trả lời các bạn trẻ |
Để bảo vệ môi trường, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hướng đến mục tiêu phát triển Thủ đô nhanh, bền vững, xây dựng thành phố khỏe mạnh, đáng sống. Các giải pháp cụ thể đã được thực hiện như: Tăng cường quản lý môi trường đô thị, xử lý ô nhiễm các sông ngòi, cải tạo cảnh quan đô thị; xử lý rác thải công nghệ cao; xây dựng hạ tầng, phát triển giao thông xanh, phương tiện giao thông công công…
“Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường phải có sự liên kết vùng. Quan trọng nhất là xây dựng ý thức chung tay bảo vệ môi trường trong Nhân dân, trong đó, đoàn viên, thanh niên phải tiên phong đi đầu”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam nhấn mạnh.
Bạn Hà Trần Trung, Bí thư Đoàn phường, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam phường Đức Thắng đặt câu hỏi |
Theo bạn Hà Trần Trung, Bí thư Đoàn phường, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), trong những năm qua thành phố đã áp dụng nhiều giải pháp, biện pháp để hạn chế và xử lý hiện tượng quảng cáo, rao vặt trái phép. Tuy nhiên hiện nay các bảng rao vặt tập trung đã được dán kín, một số trụ điện, bức tường...bắt đầu xuất hiện lại việc quảng cáo rao vặt trái phép gây mất mỹ quan đô thị. Thành phố có giải pháp, biện pháp gì để xử lý hiện tượng này triệt để?
Giải đáp vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Đỗ Đình Hồng mong muốn, đoàn viên, thanh niên hãy là những hạt nhân tích cực, tham gia khảo sát những người có mong muốn thông tin quảng cáo, hướng dẫn, giới thiệu họ đăng tải trên nền tảng số. Hoạt động này sẽ góp phần hạn chế việc quảng cáo rao vặt trái phép.
Chung tay xây dựng Thủ đô
Tại hội nghị, bạn Lê Minh Đức, Bí thư Đoàn phường, Chủ tịch Hội LHTN phường Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, bản thân tôi được biết xu thế ứng dụng pin năng lượng mặt trời để thay thế một phần cho năng lượng điện qua đó vừa góp phần tiết kiệm điện, tạo nên môi trường xanh, đồng thời cũng góp phần tạo nên cảnh quan hiện đại của Thủ đô”.
Đức đề xuất UBND thành phố cũng như các sở ngành có liên quan có thể nghiên cứu, khảo sát, thí điểm và triển khai lắp đặt hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời tại một số tuyến đường lớn của thủ đô. Sau đó, thành phố đánh giá hiệu quả và có thể nhân rộng ra các tuyến phố phù hợp trên địa bàn Thủ đô.
Thanh niên Thủ đô đặt câu hỏi tới các vị lãnh đạo |
Bạn Hà Trần Trung, Bí thư Đoàn phường, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng đề xuất, lãnh đạo thành phố trong thời gian đến tiếp tục nhân rộng mô hình bảng quảng cáo rao vặt tập trung; nghiên cứu nhiều hình thức bảng quảng cáo thay vì hình chữ nhật thì có thể là hình trụ xoay. Thành phố cho xây dựng "góc quảng cáo rao vặt trực tuyến" thí điểm tại các trang thông tin điện tử của các quận, huyện trung tâm, các đơn vị muốn đăng ký quảng cáo sẽ gửi thông tin về phường kiểm duyệt và phối hợp UBND phường cho đăng tin”.