Người trẻ tiết kiệm, "thắt lưng buộc bụng" sắm Tết
Giới trẻ "Hối hả” học tiếng Anh "Nghỉ hưu sớm" theo cách của người trẻ hiện đại Xu hướng mua sắm Tết của người trẻ |
Cả nhà cùng tiết kiệm
Tết năm nay, gia đình trẻ của Trần Phương (26 tuổi, sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) dự định sẽ về quê tại Bắc Giang từ ngày 26 tháng Chạp đến ngày mùng 5 Tết. Những năm trước, vì tính chất công việc nên Phương cùng gia đình thường ăn Tết tại Hà Nội hoặc đến 30 Tết mới về quê.
"Ăn Tết ở quê nên giá cả mọi thứ đều rẻ hơn ở Hà Nội. Vợ chồng mình sẽ không đem nhiều đồ về vì ở quê đồ gì cũng có. Nếu thiếu gì thì cũng sắm sửa luôn ở quê, vừa rẻ lại vừa tiện", Trần Phương nói.
Là người đặc biệt yêu thích hoa, cây cảnh, Phương cho biết muốn căn nhà nhỏ ngập tràn sắc xuân của cành đào, cúc họa mi, hoa ly... những ngày cuối năm. Nhưng thay vì đầu tư quá nhiều tiền bạc vào trang trí nhà cửa, Phương sẽ lựa chọn các phương án tiết kiệm hơn.
“Càng gần Tết, cây cối, hoa lá lên giá theo ngày. Mình quyết định chơi Tết sớm cho đỡ “đau ví”. Trước Tết vài tuần thì thứ gì cũng rẻ, nên tha hồ sắm sửa”, Phương cho biết.
Bên cạnh niềm vui sum họp gia đình ngày Tết, Trần Phương còn phải tính toán để cân đối chi tiêu, tránh vung tay quá trán |
Riêng chi phí mua hoa, sau khi đã đặt hết những loại mà mình thích và vận chuyển về nhà, Phương đã tiết kiệm hơn 1 triệu đồng so với mọi năm. “Trong nhà có thêm chậu quất, cành đào, mở bản nhạc xuân nữa là thấy không khí Tết ngập tràn. Nhưng quan trọng nhất vẫn là được ở bên những người thân yêu”, Phương chia sẻ.
Thời điểm cuối năm cũng mang đến nhiều lo lắng cho các hộ gia đình, người trẻ khi bên cạnh niềm vui sum họp gia đình, mọi người còn phải tính toán để cân đối chi tiêu, tránh vung tay quá trán. Với một số gia đình trẻ như vợ chồng Trần Phương, ngoài tiết kiệm từng khoản, kế hoạch chi tiêu Tết thường được theo dõi, quản lý sát sao.
"Từ nửa tháng trước, chúng mình đã lên danh sách những thứ cần mua sắm, chi tiêu và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Điều này sẽ tránh lãng phí, phát sinh, ảnh hưởng đến tiền tiết kiệm và các mục tiêu tài chính trong năm mới", Trần Phương chia sẻ thêm.
Cắt giảm chi tiêu
Cận Tết Nguyên Đán, Thùy Trang (25 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) đau đầu khi nhìn vào các khoản chi của mình. Tình hình tài chính bấp bênh cả năm khiến Thùy Trang khó có thể thoải mái mua sắm.
“Mình dự định dành ra khoảng 10 triệu đồng cho dịp Tết. Trong đó, 3 triệu đồng biếu bố mẹ, 1-2,5 triệu đồng chi tiêu cá nhân, số còn lại phụ vào các mục ăn uống, sinh hoạt trong gia đình. Con số này thấp hơn năm ngoái”, Thùy Trang chia sẻ.
Nữ nhân viên văn phòng thừa nhận tinh thần sắm Tết năm nay kém hơn mọi năm. Nhà cô ưu tiên tiết kiệm, cắt giảm những khoản không cần thiết, chỉ sắm đồ dùng, thực phẩm đơn giản.
Người trẻ đang cố gắng tiết kiệm, bắt đầu làm quen với xu hướng sắm Tết đơn giản, chú trọng chất lượng sản phẩm và trải nghiệm gia đình hơn |
"Mình tranh thủ các đợt sale mùa lễ hội để mua vài bộ đồ mới, còn lại không sắm thêm phụ kiện gì, tương tự với những mục làm đẹp. Đây là lần đầu tiên mình được thưởng Tết nhiều hơn mọi năm, nhưng thấy tình hình như vậy nên cũng không dám tiêu xài nhiều”, Thùy Trang chia sẻ thêm.
Tương tự Thùy Trang, Thu Thảo (24 tuổi, sống tại quận Long Biên, Hà Nội) cũng ngần ngại khi cân đong đo đếm các chi phí cho gia đình. Từ khi có công việc chính thức, cô thường dành khoảng 1/3 tiền thưởng để mua quà biếu bố mẹ. Ngoài ra, Thu Thảo còn gửi thêm 5 triệu đồng để gia đình sắm trái cây, bánh mứt, quần áo...
Tuy nhiên, khi nhìn lương tháng 13 và thưởng bị giảm gần 30%, cô gái trẻ cho biết nhiều khả năng cô sẽ phải đổi quà hoặc cắt chi tiêu cá nhân để bù vào phần hao hụt.
“Điều này khiến mình lo lắng mấy ngày nay. Thu nhập, thưởng giảm nhưng giá cả lại tăng cao. Mình đi làm xa nhà, cả năm mới có một dịp về thăm gia đình nên phần quà biếu cho bố mẹ là không thể thiếu. Mình còn vài đứa cháu ở quê, năm nào về cũng phải lì xì cho bọn nhỏ”, Thu Thảo nói.
Thu Thảo lên kế hoạch kỹ càng để không hoang phí, dẫn tới thiếu tiền sau Tết |
Sau khi nhẩm tính, tổng số tiền cô gái 24 tuổi cần chi cho mùa Tết đã nhỉnh hơn một tháng lương. Cùng với đó, tiền thuê nhà và sinh hoạt phí ở Hà Nội ngày càng đắt đỏ, điều đó khiến những tuần cuối năm với Thu Thảo càng thêm "căng thẳng" hơn
Có nghề tay trái là thiết kế đồ họa, dù được nghỉ Tết sớm hơn 1 tuần nhưng Thu Thảo vẫn quyết định dời ngày về quê tranh thủ ở lại thành phố để “cày” thêm đơn đặt hàng của khách bên ngoài. “Cộng với tiền từ việc freelance, áp lực tiêu Tết của mình cũng nhẹ bớt. Tuy nhiên, mình cũng cần phải lên kế hoạch kỹ càng để không hoang phí, dẫn tới thiếu tiền sau Tết”, Thu Thảo chia sẻ.