Nguy cơ thủng thực quản vì nuốt viên thuốc còn nguyên vỏ nhựa
Do uống thuốc trong đêm tối, bệnh nhân nữ N.T.H (63 tuổi, ở Hà Nội) vô ý nuốt phải viên thuốc còn nguyên vỏ.
Sau khi nuốt, bà H liên tục cảm thấy nghẹn, vướng họng, nuốt khó. Ngay trong đêm, bệnh nhân đã đến cơ sở y tế gần nhà thăm khám và được nội soi tai mũi họng, tuy nhiên kết quả không tìm thấy dị vật.
Hình ảnh nội soi phát hiện viên thuốc còn nguyên vỏ mắc kẹt trong thực quản của bệnh nhân |
Lo lắng thấy tình trạng khó chịu ở cổ họng không thuyên giảm, ngay sáng sớm hôm sau, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec.
Tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec, bà H được bác sĩ thăm khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm cần thiết và nội soi thực quản dạ dày. Qua hình ảnh nội soi, bác sĩ đã tìm thấy vỏ viên thuốc cách thực quản 20cm với kích thước khoảng 1x1cm, 3 góc sắc nhọn, một góc bị ghim vào thành thực quản.
Nhanh chóng đánh giá tình hình, bác sĩ chỉ định cần lập tức lấy dị vật qua nội soi. Sau hơn 1 giờ nỗ lực, tỉ mỉ, ekip bác sĩ đã gỡ dị vật khỏi thành thực quản thành công, đảm bảo không làm tổn thương thêm thực quản.
Ngay sau đó, bệnh nhân không còn cảm giác vướng nghẹn và có thể ăn uống trở lại bình thường.
Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, BS Phạm Thị Quế - Chuyên khoa Tiêu hóa, BVĐK Medlatec cho biết: "Vỏ thuốc bệnh nhân nuốt phải có 3 góc sắc nhọn rất nguy hiểm, có thể đâm vào thực quản và dẫn đến hiện tượng thủng hoặc xuất huyết nếu không được lấy kịp thời.
Trường hợp này, dị vật bị mắc ở ống tiêu hóa trên, bác sĩ có thể gắp bỏ qua phương pháp nội soi. Nếu dị vật không may tụt xuống sâu hơn rất có thể bệnh nhân phải mổ mở để loại bỏ".
Theo các bác sĩ, dị vật đường tiêu hóa là tình huống cấp cứu thường gặp trong đời sống hàng ngày do vô tình hay cố ý nuốt phải trong quá trình ăn uống, sinh hoạt.
BS Phạm Thị Quế chỉ ra rằng, tai nạn này có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào và gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được cấp cứu lấy dị vật kịp thời như thủng thực quản, ruột, ổ bụng (do dị vật sắc nhọn) và gây áp xe; Tắc ruột (do dị vật có kích thước lớn); Viêm phúc mạc do dị vật xuyên qua thành ruột và di chuyển vào trong khoang phúc mạc; Tử vong do nhiễm trùng, nhiễm độc nặng.
Từ đó, bác sĩ khuyên người dân cần đặc biệt lưu tâm để phòng tránh dị vật đường tiêu hóa như ăn chậm, nhai kỹ, không nên vừa ăn vừa cười đùa. Các loại thịt, cá còn lẫn xương nên gỡ kĩ, hoặc xay nhỏ, nấu nhừ đồ ăn cho người già và trẻ nhỏ.
Mọi người nên bỏ thói quen ngậm tăm sau khi xỉa răng để tránh vô tình nuốt phải; Bóc hết vỏ vỉ thuốc trước khi sử dụng. Trong trường hợp bị hóc dị vật, bệnh nhân không nên tự ý dùng tay để cố lấy dị vật hoặc dùng mẹo chữa mà cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và xử trí kịp thời.
Trả lời câu hỏi của nhiều người dân khi bị mắc kẹt dị vật trong đường tiêu hóa có thể lấy bỏ bằng cách nào, bác sĩ Phạm Thị Quế cho biết: "Đối với các dị vật mắc ở ống tiêu hóa trên (từ hầu họng đến thực quản, dạ dày, tá tràng góc Treitz), gắp dị vật qua nội soi gây mê là phương pháp an toàn, không đau và tránh co thắt thực quản. Qua nội soi, bác sĩ có thể cắt nhỏ và lấy triệt để dị vật bị mắc kẹt bằng các kỹ thuật, dụng cụ khác nhau.
Tuy nhiên, việc lấy dị vật thành công còn phụ thuộc vào sự khéo léo và tay nghề của bác sĩ thực hiện thủ thuật. Do đó, người dân nên đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và thực hiện nội soi lấy dị vật đường tiêu hóa".