Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng?
Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang |
Thiếu trách nhiệm, làm trái quy định
Theo kết luận điều tra, thời điểm ngày 5/4/2005, ông Cao Minh Quang là Cục trưởng Cục Quản lý dược ký Quyết định số 63/QĐ-QLD ban hành danh sách chuyên gia thẩm định hồ sơ và quy chế hoạt động của chuyên gia thẩm định kèm theo (Quy chế 63), quy định mỗi nhóm chuyên gia có một nhóm trưởng phụ trách nhưng năm 2006-2007, ông Cao Minh Quang đã không thực hiện quy định này.
Ngày 15/5/2007, Bộ trưởng Bộ Y tế ký Quyết định số 1753/QĐ-BYT ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng xét duyệt thuốc (Quyết định 1753).
Ngày 12/6/2007, ông Cao Minh Quang ký ban hành Quy trình chuẩn bị hồ sơ đăng ký thuốc để đưa ra thẩm định và xử lý biên bản (Quy trình 12) không nêu quy định về Nhóm trưởng Nhóm chuyên gia thẩm định.
Các văn bản trên là quy định, quy trình trong từng giai đoạn khác nhau nhưng đều có nội dung quy định xuyên suốt quá trình thẩm định, xét duyệt, cấp đăng ký thuốc. Nội dung các văn bản trên có quy định chồng lấn liên quan đến trách nhiệm của các chuyên gia, lãnh đạo phòng, cục và thành viên Hội đồng xét duyệt. Trong đó, trách nhiệm của Nhóm trưởng Nhóm chuyên gia (Quy chế 63) được quy định và được phân cho Trưởng phòng Đăng ký thuốc (theo Quyết định 1753 và Quy trình 12).
Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang phát biểu tại một cuộc họp của Bộ Y tế |
Theo kết luận điều tra, hồ sơ 2 thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin tồn tại 2 bản Giấy chứng nhận lưu hành tự do (viết tắt là FSC) và Giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt thuốc (viết tắt là GMP) photocopy công chứng được đưa vào trái quy định.
Vì vậy, hồ sơ thuốc này không đủ điều kiện để được xét duyệt cấp số đăng ký theo Quyết định 3121 và Thông tư 22-2009 của Bộ Y tế quy định về đăng ký thuốc.
Bị can Nguyễn Thị Thu Thủy đã tự ý thẩm định lại hồ sơ theo các giấy FSC, GMP công chứng trên, đề xuất cấp số đăng ký không đúng quy định trong khi Tiểu ban pháp chế đã thẩm định, đánh giá hồ sơ đăng ký không đạt yêu cầu.
Biên bản thẩm định 2 thuốc này thể hiện việc sửa chữa, tẩy xóa, thay đổi ý kiến thẩm định của nhóm chuyên gia Tiểu ban pháp chế. Các ý kiến trong biên bản thẩm định không thống nhất giữa các chuyên gia trong Tiểu ban pháp chế.
Quy chế 1753 quy định trách nhiệm chính phải kiểm tra, rà soát ý kiến đánh giá của các tiểu ban thẩm định được phân công cho bà Phạm Hồng Châu (Trưởng phòng Đăng ký thuốc) và ông Nguyễn Việt Hùng (Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược), trách nhiệm đánh giá phần thẩm định của Tiểu ban pháp chế được phân công cho ông Lê Viết Hùng - thành viên Hội đồng xét duyệt.
Tuy nhiên, căn cứ Quy chế 1753, ông Cao Minh Quang với vai trò là Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt, trực tiếp chủ trì điều hành họp xét duyệt, có thẩm quyền và trách nhiệm xem xét biên bản thẩm định, ý kiến của chuyên gia và thành viên Hội đồng xét duyệt để đưa ra quyết định cấp số đăng ký cho các thuốc, trong đó có 2 thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin.
Ông Quang đã thiếu trách nhiệm khi xem biên bản thẩm định, không yêu cầu chuyên gia thẩm định, thành viên Hội đồng xét duyệt có trách nhiệm liên quan (ông Nguyễn Việt Hùng, bà Phạm Hồng Châu và ông Lê Viết Hùng) làm rõ mâu thuẫn trong ý kiến nhận xét của Tiểu ban pháp chế, không yêu cầu nghiên cứu, xem xét lại hồ sơ khi biên bản thẩm định có dấu hiệu tẩy xóa, thay đổi ý kiến.
Đồng thời, biên bản thẩm định 2 thuốc trên không được gửi đến các thành viên Hội đồng xét duyệt trước 5 ngày (theo quy định tại Quy chế 1753) nhưng ông Quang vẫn đồng ý đưa ra họp Hội đồng xét duyệt và quyết định cấp số đăng ký cho 2 thuốc này.
Bản thân ông Cao Minh Quang là người ký ban hành Quy chế số 63 có quy định phân công nhóm trưởng nhưng ngay sau đó, năm 2006 - 2007, ông Quang lại không thực hiện mà không có văn bản sửa đổi.
Thời điểm 2 thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin được xét duyệt cấp số đăng ký, ông Quang là Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt. Biên bản thẩm định không thể hiện có nhóm trưởng nhưng ông Quang đã không yêu cầu báo cáo, làm rõ mà vẫn đồng ý kết quả thẩm định và quyết định cấp số đăng ký.
Theo Cơ quan an ninh điều tra, việc ông Cao Minh Quang thiếu trách nhiệm trong việc xét duyệt, quyết định cấp số đăng ký 2 thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin mang nhãn mác Health 2000 dẫn đến hậu quả 2 thuốc này được VN Pharma sử dụng số đăng ký nhập khẩu thuốc vào Việt Nam gây thiệt hại số tiền 50,6 tỷ đồng.
Ông Cao Minh Quang còn có trách nhiệm trong việc ban hành các quy trình, quy chế về thẩm định cấp số đăng ký thuốc giai đoạn 2005 - 2010. Hành vi sai phạm của ông Quang có dấu hiệu phạm vào tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Ngoài ra, ông Quang còn có dấu hiệu vi phạm quy định tại Pháp lệnh Lãnh sự năm 1990 và Thông tư 01/1999 của Bộ Ngoại giao.
Chưa khởi tố ông Quang có bỏ lọt tội phạm?
Theo bản kết luận điều tra bổ sung lần thứ hai số 08/ANĐT-P6, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đã lấy lời khai những người có liên quan, đồng thời có văn bản đề nghị Bộ Y tế làm rõ nhưng đến nay chưa có kết quả. Khi có kết quả trả lời của Bộ Y tế, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an sẽ chuyển đến Viện KSND tối cao để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với hành vi sai phạm của ông Cao Minh Quang, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an kết luận có dấu hiệu phạm vào tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự trong việc cấp số đăng ký thuốc mang nhãn mác Health 2000. Căn cứ kết quả điều tra và trả lời của Bộ Y tế, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao - Vụ 3 xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Trong bản kết luận của Cơ quan An ninh điều tra cho thấy hành vi tiếp tay của nhóm tội phạm người nước ngoài cũng đang được Cơ quan An ninh điều tra phối hợp với Tổ chức Interpol quốc tế để thu thập thông tin của nhóm tội phạm này.
Luật sư Vũ Hồng Tuyển, Đoàn Luật sư Hải Phòng, cho biết: "Qua theo dõi các thông tin báo chí phản ánh, tôi thấy ông Cao Minh Quang đã có đầy đủ dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự. Theo quy định, các cơ quan tiến hành tố tụng không làm oan người vô tội nhưng không bỏ lọt tội phạm.
Nếu ông Cao Minh Quang thực hiện đúng Quy chế 1753 với vai trò Chủ tịch Hội đồng xét duyệt, trực tiếp điều hành phiên họp xét duyệt, lắng nghe ý kiến hai chiều thì có quyền yêu cầu đọc hồ sơ để phát hiện tẩy xóa; Hồ sơ phải được gửi đến Hội đồng thẩm định trước 5 ngày theo quy chế. Ngược lại, cán bộ dưới quyền không gửi nhưng ông Quang đã bỏ qua.
Nếu tất cả những nội dung này được thực hiện theo đúng quy chế thì Hội đồng xét duyệt không thể chấp nhận cho đăng ký các loại thuốc Health 2000 Canada. Kết luận điều tra đã làm rõ các loại thuốc trên có dấu hiệu làm giả khi không có nhà máy sản xuất tại Canada.
Ngoài ra, ông Cao Minh Quang còn có hàng loạt vi phạm khác đang được Cơ quan An ninh điều tra chờ văn bản kết luận trả lời từ Bộ Y tế.
Từ những phân tích trên, tôi thấy các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa tiến hành khởi tố ông Cao Minh Quang có thể sẽ bỏ lọt tội phạm".
Từ ngày 29/11 đến ngày 1/12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 9 dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Trần Cẩm Tú. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục xem xét, xử lý kỷ luật một số cá nhân có liên quan đến vi phạm của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021. Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật: Cảnh cáo ông Nguyễn Nam Liên, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Bộ, Bí thư Đảng ủy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính; Khiển trách các ông: Nguyễn Huy Quang, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế và ông Trần Quý Tường, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư kỷ luật xem xét thi hành kỷ luật ông Cao Minh Quang, nguyên Ủy viên Ban Cán sự Đảng, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế. |