Nhà báo Minh Hà và hành trình 19 năm vui buồn cùng con chữ
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân với "40 năm - Đi, yêu và viết" Báo chí TP Hồ Chí Minh không ngừng đổi mới, sáng tạo |
Cơ duyên với nghề báo
Nhà báo Minh Hà tác nghiệp trong một chuyến công tác |
Nhà báo Minh Hà cho biết, cô sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, trong gia đình có truyền thống cách mạng và cán bộ nhà nước. Bố cô là Tiến sĩ khoa học và nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Hàng hải. Mẹ là Tiến sĩ khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Vốn không hề có dự định gì đối với nghề báo nhưng người chọn nghề không bằng nghề chọn người, nghề báo đã đến với Minh Hà như một định mệnh. Cô chia sẻ: “Tốt nghiệp THPT, ý định ban đầu của tôi là chọn trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, khoa Triết học. Tôi có ý định sau khi tốt nghiệp đại học sẽ tham gia giảng dạy nhưng nghề báo lại vô tình đến với tôi”.
Minh Hà vẫn nhớ như in vào mùa hè năm 2004, lúc đấy cô tròn 18 tuổi. Tận dụng thời gian rảnh rỗi, cô đã đăng ký thi tuyển cộng tác viên của VTV3 với ý định thử sức trong quá trình học đại học. Minh Hà đã trúng tuyển và được đảm nhận vai trò biên tập viên các chương trình truyền hình như: Vườn cổ tích, Thử thách nhân đôi, Ô cửa bí mật, Đấu trí, Nhân tài Đất Việt, Trí tuệ Việt Nam...
Với kinh nghiệm dày dặn được tích lũy ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sau khi tốt nghiệp đại học, Minh Hà thi và trúng tuyển vào Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam. Tại đây cô được phân công theo dõi lĩnh vực kinh tế, mảng hải quan, quản lý thị trường và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia.
Nhà báo Minh Hà (thứ ba từ trái sang) trong một chuyến công tác |
15 năm theo đề tài “nóng”
Với nhiều nhà báo lão thành, 19 năm chưa phải là quá dài nhưng với cô gái sinh năm 1987, 19 năm là một hành trình vô cùng đáng nhớ. Trong đó, cô có đến 15 năm theo đuổi các mảng nội dung ở đề tài “nóng” - phòng, chống buôn lậu. Trải qua nhiều vất vả, nhà báo Minh Hà hiểu rằng với nam giới, nghề báo vất vả một thì phụ nữ làm báo, khó khăn ấy tăng lên gấp nhiều lần.
Chia sẻ về nghề, Minh Hà tâm sự: “Là phóng viên theo các ngành “nóng”, công việc đòi hỏi tôi phải đi công tác nhiều hơn, thâm nhập thực tế nhiều hơn để đưa đến khán giả những thông tin trung thực, chính xác nhất. Dấn thân vào thực tế, hiểu nghề hơn thì mới có được những tác phẩm nhiều cảm xúc và chất lượng”.
Có vẻ ngoài nữ tính, dịu dàng nhưng ít ai biết rằng, mỗi khi nghe tin nóng về thu giữ hàng lậu là bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, Minh Hà đều lên đường đi “săn tin”. Hình ảnh nhà báo nữ mặc váy rất điệu đà vào các kho hàng, bến bãi, đường mòn lối mở không còn xa lạ với các lực lượng chức năng.
Nữ nhà báo trẻ nhận được nhiều khen thưởng vì có thành tích trong tuyên truyền, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại |
Theo cô, công việc của nữ phóng viên truyền hình là hết sức vất vả, gian nan, nhất là phóng viên theo dõi lĩnh vực hải quan, chống buôn lậu, bởi để có tin tức nhanh, những thước hình tả đúng hiện thực, thổi được hồn vào tác phẩm, phản ánh được những chiến công, thành tích của các chiến sĩ và mang hơi thở của cuộc sống thì phải luôn bám sát địa bàn, theo chân cán bộ, chiến sĩ chống buôn lậu, hải quan trong các vụ điều tra. Cô kể, có những chuyến công tác kéo dài đến cả tuần ở vùng biên giới, cửa khẩu.
Minh Hà không quên được khoảng thời gian dịch COVID-19 bùng phát. Đó cũng là khoảng thời gian cô bắt đầu mang thai. Bụng bầu 3 tháng, cô gái trẻ vẫn xông pha tác nghiệp ở các điểm nóng về buôn bán hàng lậu. Sau sinh, 6 tháng liên tục, cô ròng rã đi vào những điểm nóng khi thường xuyên rời nhà lúc 4-5 giờ sáng và trở về với con khi đã 11- 12 giờ đêm. Thậm chí, vì yêu cầu của công việc, khi con nhỏ mắc COVID-19, cô cũng chỉ dám nghỉ 1-2 ngày chăm con rồi lại đi làm.
Sự hi sinh, dấn thân với nghề ấy được “bù đắp” bằng quả ngọt khi Minh Hà liên tiếp gặt hái nhiều giải thưởng có giá trị. Cô nhận được Bằng khen của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia vì đã có thành tích tuyên truyền đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ năm 2018 đến năm 2020, Bằng khen của Tổng Cục quản lý thị trường năm 2020.
Ngoài ra, Minh Hà còn tham gia nhiều đề tài khoa học cấp Bộ, được mời làm phản biện 1 số dự án truyền thông như "Dự án tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030.