Nhà thơ Ngô Văn Phú - tác giả của "Mây và bông" qua đời
Ra mắt tập di cảo của nhà thơ Xuân Quỳnh |
"Trên trời mây trắng như bông
Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây
Những cô má đỏ hây hây
Đội bông như thể đội mây về làng".
Những câu thơ trong sách giáo khoa nhiều người được học từ thuở bé và nhớ cho đến tận bây giờ. Bài thơ không chỉ vẽ nên không khí lao động hăng say sản xuất mà còn là một "bức họa đồng quê" với những hình ảnh của bông, của mây điệp vào nhau như tranh. Trong thấp thoáng bông và mây ấy "những cô má đỏ hây hây" là nét chấm phá cho bức tranh trắng mênh mông có những nét điểm đầy sức sống và mê hoặc.
Người viết nên những câu thơ ấy, nhà thơ Ngô Văn Phú sinh năm 1935 tại làng Nam Viêm yên ả của tỉnh Vĩnh Phúc. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, người yêu nghệ thuật nhớ đến Ngô Văn Phú với tư cách là nhà thơ nhưng số lượng tác phẩm văn của ông nhiều hơn, đặc biệt là các tác phẩm văn xuôi, sân khấu, nghiên cứu.
Nhà thơ, nhà văn Ngô Văn Phú |
Vì thế, nhiều người còn nhớ đến ông cũng là tác giả của truyện ngắn "Con voi ở công viên Thủ Lệ" cũng từng khiến bao người bâng khuâng, thương xót. Có những người bây giờ ở tuổi làm cha làm mẹ, khi đưa con vào công viên Thủ Lệ chơi vẫn nhớ về con voi mà ông kể ngày xưa.
Bảo tàng Văn học cho biết: Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoá 1958 - 1961, ông trải qua các công tác: Biên tập viên báo Văn học (1961 - 1963), báo Văn nghệ (1963 - 1966), tạp chí Văn nghệ quân đội (1966 - 1972), Phó phòng văn xuôi báo Văn nghệ (1972 - 1976), Trưởng ban thơ, phó giám đốc, Tổng biên tập, Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn (1976 - 1999), biên tập viên cao cấp Nhà xuất bản Hội Nhà văn (1999 - 2002), Ủy viên quỹ giao lưu và phát triển văn hoá Việt Nam - Đan Mạch (1998 - 2004).
Suốt cuộc đời lao động chữ nghĩa cần mẫn của mình, ông đã in 230 tựa sách gồm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, biên soạn, nghiên cứu, tạp văn. Trong đó, riêng về thi ca ông có các tập thơ như "Tháng năm mùa gặt" (1978); "Đi ngang đồi cọ" (1986); "Cỏ mùa mê" (1988), "Hoa trắng tình yêu" (1995), "Chiêm bao" (2001), "Nhặt nắng trong mưa" (2003)… Nhà thơ Ngô Văn Phú thường được nhắc tới với danh xưng thi sĩ của đồng quê. Ông từng chia sẻ đồng quê chính là “trường” sáng tác của mình.
Nhà thơ, nhà văn Ngô Văn Phú trong căn phòng ngập sách của mình ở khu tập thể Giảng Võ |
Trong kí ức của nhiều người, nhà thơ Ngô Văn Phú gắn với hình ảnh mái tóc trắng phất phơ, nụ cười rất hiền. Nếu gặp ngoài đường, lúc nào cũng thấy ông với chiếc xe đạp, đằng trước xe treo lủng lẳng một túi rất to toàn bản thảo và sách. Còn nếu có dịp đến nhà ông chơi, một căn phòng rất nhỏ tràn ngập sách trong khu tập thể Giảng Võ, một mặt quay ra đường Kim Mã lúc nào cũng nườm nượp người xe. Trong căn phòng ấy, không biết bao nhiêu tác phẩm đã ra đời bởi Ngô Văn Phú gắn cả đời với chữ nghĩa, với văn chương, với những cuốn sách, tạp chí, những tờ báo văn nghệ.
Nhà văn, nhà thơ Ngô Văn Phú được trao nhiều giải thưởng như: Giải thưởng thơ tạp chí Văn nghệ năm 1961, Giải thưởng văn xuôi báo Văn học, Giải thưởng Văn học 5 năm của Hội Văn nghệ Hà Nội (1980-1985); Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012...
Lễ viếng nhà thơ Ngô Văn Phú bắt đầu từ 7h30 ngày 25/10 tại nhà riêng (158 đường Trần Phú, Nam Viêm, Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Lễ truy điệu diễn ra vào hồi 7h ngày 26/10. Nhà thơ sẽ được an táng tại quê nhà.