Nhà văn 9X Cao Nguyệt Nguyên "nhập vai" 12 nhân vật trong "Truyện Kiều tự kể"
Hội Nhà văn Việt Nam kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhà thơ Tố Hữu |
"Truyện Kiều", hai tiếng quá đỗi thân thương và gần gũi với dân tộc Việt. Có lẽ chẳng ai lại không thuộc nằm lòng đôi ba câu Kiều. Nguyễn Du đã chắt lọc, vận dụng những phần tinh túy nhất trong lời ăn, tiếng nói của nhân dân để biến Truyện Kiều trở thành tuyệt tác, đẩy tiếng Việt và thể thơ lục bát lên tầm cao mới.
"Truyện Kiều" đã trở thành nguồn cảm hứng xuyên thời đại bởi truyện thơ này vẫn không ngừng được các nghệ sĩ ở nhiều thế hệ diễn giải và tái diễn giải qua nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, ở những bối cảnh văn hóa khác nhau.
Tác phẩm "Truyện Kiều tự kể" được làm mới bởi nhà văn 9X Cao Nguyệt Nguyên |
Qua từng thời kì phát triển, "Truyện Kiều" được thể nghiệm ngày càng táo bạo hơn, mang đến góc nhìn mới mẻ, gắn liền với thời đại dân tộc và hòa nhập vào dòng chảy văn hóa thế giới mạnh mẽ. Đặc biệt, với các nghệ sĩ trẻ, họ thỏa sức sáng tạo với những diện mạo Kiều riêng biệt, mang phong cách cá tính của chính thời đại mình.
Trong dòng chảy văn chương hôm nay, "Truyện Kiều" cần thiết sự nhìn nhận mới, táo bạo, không ngại thể nghiệm. Với chiều kích sáng tạo không giới hạn của nghệ thuật và sự khích lệ của bầu không khí sáng tạo mà chúng ta đang có, vì sao mỗi người viết trẻ không một lần thử tạo nên một phiên bản Truyện Kiều mới mẻ của chính mình?
Bởi nghệ thuật là tự do. Sức sống của nghệ thuật là tiềm năng khai mở và tiếp nối. Một trong những phẩm chất để Truyện Kiều trở thành tác phẩm lớn vượt thời gian chính là khả năng mở ra những cánh cửa mới cho các thế hệ sau tiếp tục sáng tạo, một cách tràn đầy cảm hứng.
"Truyện Kiều tự kể" của Cao Nguyệt Nguyên và 12 họa sĩ minh họa chính là sự tiếp bước mạch cảm hứng sáng tạo và trả lời cho những câu hỏi trên.
Hơn hai trăm năm qua, các nhân vật của Truyện Kiều từ truyện thơ đã hòa nhập vào nếp nghĩ, lời ăn tiếng nói, hòa quyện trong từng hơi thở, nhịp tim người Việt. Thế nhưng từng nhân vật trong truyện thơ ấy nghĩ gì? Thực ra họ là ai? Nếu sống ở hôm nay, họ muốn gì và sẽ nói gì? Những câu hỏi ấy sẽ được hé mở trong "Truyện Kiều tự kể".
Cao Nguyệt Nguyên, một nhà văn 9X, đã có cuộc “nhập vai” vào 12 nhân vật trong Truyện Kiều với giọng văn riết róng, lúc sắc lạnh khi ấm nóng, đầy nữ quyền để mang đến những hình dung mới về Truyện Kiều.
Tác giả Cao Nguyệt Nguyên chia sẻ “Vẫn là những Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Thúc Sinh, Tú Bà, Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến... nhưng tôi muốn các nhân vật cất lên tiếng nói, với nỗi đau và suy tư nội tại. Tôi muốn khi tái tạo trên nền văn bản có sẵn, sẽ không hiện diện những điều áp đặt hay qui chụp chi phối ngòi bút của mình.
Nhà văn 9X Cao Nguyệt Nguyên |
Các nhân vật mà Nguyễn Du trao lại cho tôi cần được hiện lên với những tính cách thật đời thường, thật con người, và thật tương thích với cuộc sống hôm nay: Cũng yêu ghét rạch ròi, cũng tính toán thiệt hơn, cũng biết khoác lên mình tấm áo đẹp hay những lời nói đẹp phủ lên một tâm tính gai góc.
Với con mắt của một người viết trẻ, cái nhìn của tôi về nhân vật chắc chắn cá tính, sẽ không khỏi khiến cho những ai vốn đã quen với khuôn mẫu trước kia bất ngờ. Thế nhưng tôi hoàn toàn chấp nhận các thể nghiệm mạo hiểm ấy. Tôi muốn bức tranh Truyện Kiều tự kể đa dạng, đa màu và sống động chân thực.”
Đồng thời, trong thế giới sách vở hôm nay, thị hiếu độc giả đang thay đổi rất nhanh. Không dừng lại ở việc thưởng thức nội dung hay vẻ đẹp ngôn từ, người đọc đòi hỏi cao hơn về hình thức đối với từng cuốn sách. Hay và đẹp là hai yếu tố song hành.
Tranh minh họa không chỉ mở rộng không gian tưởng tượng cho câu chuyện, mà còn dự phần vào nội dung, tạo nên sự hài hòa giữa phần đọc và phần nhìn, khiến giá trị của tác phẩm được nhiều phần nâng lên. Với sự đầu tư mĩ thuật công phu, những ấn phẩm như thế không chỉ là cuốn sách đơn thuần, mà còn trở thành tác phẩm nghệ thuật đáng để lưu giữ, sưu tầm. Truyện Kiều luôn được ưu ái để trở thành một trong những tác phẩm nghệ thuật như thế.
Thế hệ họa sĩ minh họa mới mang tâm thế sáng tạo mới. Phương tiện làm việc hiện đại, góc nhìn rộng mở và tự do, các họa sĩ trẻ đem đến bầu không khí tươi tắn khác lạ cho tác phẩm. Mỗi bức tranh như một tác phẩm độc lập nhưng vẫn liên kết chặt chẽ với nội dung, và như thế làm cho quyển sách càng trở nên đặc sắc, hấp dẫn.
Với "Truyện Kiều tự kể", 12 họa sĩ: Hoàng Giang, Thùy Dung, Khang Lê, Vườn Illustration, Lê Đức Hùng, Tuấn Thanh, Nikru, Khoa Lê, Tôn Nữ Thị Bích Trâm, Nguyễn Hoàng Dương, Cù Quyên, KAA Illustration, không che giấu tham vọng thể hiện góc nhìn táo bạo trong tiếp cận văn bản.
Những nhân vật được dựng lại bằng cách thể hiện độc đáo, đầy biến hóa. Thấu rõ tinh thần tác phẩm, người vẽ tái tạo chân dung và tính cách nhân vật bằng nghệ thuật tạo hình của riêng mình. Tất cả cùng nâng đỡ, tạo điểm nhấn, đưa tổng thể tác phẩm lên một giá trị cao hơn, mang tính gợi mở và phù hợp với thời đại hơn. Xâu chuỗi tất cả tranh minh họa trong một tác phẩm, ta có được một phiên bản Truyện Kiều được kể bằng ngôn ngữ riêng của đường nét, sắc màu.
Có thể nói, những tác phẩm sách - nghệ - thuật như "Truyện Kiều tự kể" đang trở thành một xu thế mới, mang đến trải nghiệm đọc mới mẻ, thu hút độc giả hiện đại ngày nay. Hy vọng đây sẽ là cuốn sách mang đến ngạc nhiên cho bạn đọc nhiều độ tuổi, mở ra nhiều chiều kích tưởng tượng cũng như những nguồn cảm hứng mới. Bởi, ai trong tất cả chúng ta đều có thể dựng nên những chân dung nhân vật của chính mình trên nền danh tác yêu quí của người Việt.
Tác giả Cao Nguyệt Nguyên sinh năm 1990 tại Quảng Yên, Quảng Ninh. Cô tốt nghiệp khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Cô đã được: Giải thưởng cuộc thi Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội (2013 - 2014); Giải thưởng Văn học Hạ Long (2015 - 2017) Sách đã in: "Trăng màu hổ phách" (NXB Văn hóa Văn nghệ, 2015); "Chuột Chi Hô lên thành phố" (NXB Mỹ Thuật, 2016); "A lê hấp - Ké Xanh" (NXB Thanh Niên, 2017); "Nguyện của đêm" (NXB Trẻ, 2018). |