Nhân tố then chốt, tạo động lực phát triển đất nước
Thủ tướng: Đổi mới sáng tạo là then chốt để phát triển bền vững Cán bộ là “khâu then chốt” trong công tác xây dựng Đảng |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, chúc Tết Đảng bộ, Nhân dân Thủ đô |
Tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ
Qua nhiều kỳ Đại hội của Đảng, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn được đặc biệt quan tâm. Từ khi bước vào công cuộc Đổi mới năm 1986, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, như: Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII) năm 1992 về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (khóa VIII) năm 1999 "Một số vấn đề cơ bản và cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay"... Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, các hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương đều bàn và ban hành những nghị quyết, kết luận, quy định hết sức quan trọng, chặt chẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Lần sau sâu sắc, toàn diện và cụ thể, rõ ràng hơn so với lần trước.
Đặc biệt, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (ngày 9/12/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Công tác xây dựng Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta".
Theo đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh, hiện nay, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm: "Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình; Công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Hệ thống chính trị ở nước ta chưa thực sự trong sạch, vững mạnh như mong muốn".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra một trong những nguyên nhân chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt. Thực trạng đó đòi hỏi "Đảng ta phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, thực sự "là đạo đức, là văn minh"; Phải nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức để lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn".
Tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, trong lịch sử Đảng ta, hầu như không có Đại hội nào và không mấy Hội nghị Trung ương không đề cập đến công tác xây dựng Đảng.
Tăng niềm tin của Nhân dân
Tại Hà Nội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được Đảng bộ Thủ đô coi là vấn đề “then chốt”, bảo đảm cho Đảng giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện sự nghiệp cách mạng.
Chỉ sau hơn một tháng thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 17/3/1930, Đảng bộ thành phố Hà Nội được thành lập. Trải qua hơn 90 năm rèn luyện, trưởng thành, Đảng bộ Hà Nội luôn ý thức sâu sắc với vị trí là Thủ đô - trái tim của cả nước, là đảng bộ lớn, có vị trí rất đặc biệt, luôn ghi nhớ, phấn đấu thực hiện lời di huấn thiêng liêng của Bác Hồ: “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương cho các đảng bộ khác”.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội |
Theo đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo các quyết định, kết luận của Trung ương đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng bộ Thủ đô đã giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, coi đây là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của Thủ đô, xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến bước vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó được thể hiện trên cả 3 mặt công tác như sau:
Thứ nhất, Đảng bộ thành phố luôn đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng. Trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ Hà Nội kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp.
Do bám sát thực tiễn, tiến hành một cách khoa học, sáng tạo, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng đã giúp các cấp ủy, các cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Hà Nội nâng cao nhận thức về bản lĩnh chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, không dao động, mơ hồ; có ý thức nâng cao cảnh giác cách mạng; Tuyệt đối tin tưởng vào đường lối đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng và làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Thứ hai, Đảng bộ thành phố luôn quan tâm, coi trọng công tác xây dựng Đảng bộ mạnh về tổ chức và cán bộ, coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu… Thành ủy luôn xác định công tác cán bộ là khâu then chốt của then chốt, là khâu đột phá và tập trung chỉ đạo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hơn 12 năm gần đây, Đảng bộ Hà Nội đã tiến hành công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với nhiều giải pháp căn cơ, phù hợp với thực tiễn của thành phố. Khi mới mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội chỉ có 80% cán bộ chủ chốt phường, thị trấn và 30-50% cán bộ chủ chốt xã đạt trình độ đại học; đến năm 2020, trình độ đại học trở lên có 12.709 đồng chí (đạt tỷ lệ 98,26%).
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ Hà Nội luôn coi trọng gắn bó máu thịt với Nhân dân, toàn bộ hoạt động của Đảng đều xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; công tác chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, trách nhiệm cá nhân. Đảng bộ Hà Nội đã tăng cường phân công, phân cấp, ủy quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là thước đo năng lực của cấp ủy, chất lượng tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên.
Truyền thống đoàn kết, thống nhất, hợp tác, trách nhiệm, bản lĩnh, tinh thần sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức Đảng các cấp được giữ vững và phát huy. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch từ rất sớm, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống với các giải pháp trúng, đúng, phù hợp với thực tiễn theo nguyên tắc kịp thời, kiên trì, bình tĩnh, quyết đoán, đóng góp vào công tác phòng, chống dịch của cả nước, bảo vệ an toàn cho Thủ đô và cơ quan đầu não Trung ương trên địa bàn, được Trung ương ghi nhận, Nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
Thứ ba, công tác xây dựng Đảng về đạo đức cũng luôn được Đảng bộ Hà Nội thường xuyên quan tâm. Thành ủy yêu cầu, mỗi cán bộ, đảng viên thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; nỗ lực xây dựng Đảng về đạo đức gắn với việc thực hiện Chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về xây dựng chỉnh đốn Đảng, thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch của Thành ủy, gương mẫu trong thực hiện 2 quy tắc ứng xử do UBND thành phố ban hành.