Nhiễm độc thuỷ ngân nguy hiểm ra sao?
Vụ cháy ở Công ty Rạng Đông
Bài liên quan
(Chùm ảnh) Nhiều cây xanh bật gốc sau dông lốc xảy ra ở Hà Nội
Người dân cần theo dõi sức khỏe sau vụ cháy ở công ty Rạng Đông
Vụ cháy nghiêm trọng ở quận Thanh Xuân không có thiệt hại về người
Doanh nghiệp Việt cần tận dụng hơn nữa ưu đãi từ VKFTA
Liên quan đến vụ hoả hoạn kinh hoàng kéo dài nhiều giờ đồng hồ tại Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, ngày 29/8, UBND phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã ra thông báo về việc xử lý vệ sinh môi trường sau cháy.
Theo thông báo, ngày 28/8, trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung có xảy ra cháy tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, giáp ranh phường Hạ Đình. Sau khi cháy còn tồn dư nhiều khói bụi, không khí nhiễm bẩn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, của cán bộ viên chức tại một số khu vực và cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn phường Hạ Đình.
Chính vì thế, Ủy ban nhân dân phường Hạ Đình khuyến nghị người dân không sử dụng thực phẩm rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn được nuôi trong vòng bán kính 1km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày.
Cơ quan chức năng cũng đưa ra cảnh báo cần sơ tán trẻ nhỏ, người già, ốm bệnh ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của cháy, thời gian sơ tán từ 1-10 ngày. Để hạn chế tác hại của khói bụi, phường Hạ Đình đề nghị các gia đình tự theo dõi sức khỏe của các thành viên. Nếu có biểu hiện ho, khó thở, đau ngực, sốt bất thường thì phải đưa đi khám tại các bệnh viện để có biện pháp xử lý kịp thời.
Bác sĩ Ngô Minh Hạnh, Bệnh viện 108 đánh giá: "Thủy ngân được sử dụng trong các nhiệt kế, áp kế và các thiết bị khoa học khác. Thủy ngân nguyên tố lỏng ít độc, nhưng các hợp chất và muối của nó lại rất độc. Đây là nguyên nhân gây ra các tổn thương não và gan khi con người tiếp xúc, hít thở hay ăn phải. Thủy ngân là chất độc tích lũy sinh học rất dễ dàng hấp thụ qua da, các cơ quan hô hấp và tiêu hóa. Các hợp chất vô cơ ít độc hơn so với hợp chất hữu cơ của thủy ngân".
Cho dù ít độc hơn so với các hợp chất của nó nhưng thủy ngân vẫn tạo ra sự ô nhiễm đáng kể đối với môi trường vì nó tạo ra các hợp chất hữu cơ trong các cơ thể sinh vật. Một trong những hợp chất độc nhất của nó là đimêtyl thủy ngân, độc đến mức chỉ vài micrôlít rơi vào da có thể gây tử vong. Chứng bệnh Minamata là một dạng ngộ độc thủy ngân. Thủy ngân tấn công hệ thần kinh trung ương và hệ nội tiết, đồng thời ảnh hưởng tới miệng, các cơ hàm mặt và răng. Sự phơi nhiễm kéo dài gây ra các tổn thương não và gây tử vong. Nó có thể gây ra các dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Theo thông tin từ Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), các ảnh hưởng độc hại của thủy ngân đã được biết khá rõ. Cụ thể, hơi thủy ngân ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên, phổi, thận, da, và mắt. Nó cũng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và gây đột biến.
Trong đó, nhiễm độc thủy ngân cấp tính thường do tai nạn như vỡ bình chứa, hỏa hoạn, hơi thủy ngân bốc lên với nồng độ cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến hô hấp, gây viêm phế quản, viêm phổi kẽ lan tỏa. Người bị nhiễm độc thủy ngân cấp tính có thể gây viêm thận, đạm huyết tăng nhanh ( 4-5g urê/l), giảm clo huyết, nhiễm a xit. Gây viêm loét miệng, bỏng đường tiêu hóa, nôn ra máu, toàn thân suy sụp. Nạn nhân khó thở, chuột rút, giật cơ, mê sảng, bệnh nhân thường tử vong trong vòng 24 đến 36 giờ.