Tin tức trong ngày 28/2: Vaccine COVIVAC dự kiến có giá không quá 60.000 đồng/liều
Dự kiến vaccine COVIVAC có giá không quá 60.000 đồng/liều
TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) cho biết: Dự kiến ngày 3/3, sẽ thử nghiệm tiêm thử nghiệm vaccine COVIVAC trên người. Giai đoạn 1 sẽ thực hiện tại trường Đại học Y Hà Nội với khoảng 120 người tham gia. Họ có độ tuổi từ 18-59 tuổi, cả nam và nữ, được tiêm 2 mũi/0,5 ml (tiêm vaccine hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày.
Sau 43 ngày tiêm mũi thứ 2 (thuộc giai đoạn 1) nếu kết quả an toàn miễn dịch tốt, chọn được mức liều tối ưu, nhóm nghiên cứu cho hay sẽ tiếp nối chuyển sang nghiên cứu giai đoạn 2. Giai đoạn này dự kiến bắt đầu vào tháng 7/2021, được thực hiện tại Trung tâm y tế huyện Vũ Thư (Thái Bình) mở rộng số lượng người tham gia lên 300 người, đồng thời mở rộng độ tuổi từ 18-75 tuổi (trong đó tuổi từ 60-75 chiếm khoảng 1/3).
Dự kiến, quá trình nghiên cứu lâm sàng COVIVAC sẽ hoàn thành vào tháng 10/2021 |
Dự kiến, quá trình nghiên cứu lâm sàng COVIVAC sẽ hoàn thành vào tháng 10/2021.
Theo ông Thái, dự án nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine COVIVAC của IVAC có tính khả thi cao, là kết quả của sự hợp tác quốc tế và hướng tới một vaccine đủ điều kiện lưu hành trong nước và xuất khẩu. Đại học Y Hà Nội và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là hai đơn vị có nhiều năng lực, kinh nghiệm trong việc triển khai thử nghiệm lâm sàng, đảm bảo có một vaccine giá rẻ cho người dân.
Hiện nay, theo kịch bản, vaccine này sẽ có giá không quá 60.000 đồng/liều.
Sân bay Vân Đồn hoạt động lại từ ngày 3/3
Theo Thông cáo báo chí của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, trước tình hình tỉnh Quảng Ninh đã khống chế được hoàn toàn dịch Covid-19 trên địa bàn, Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn đã an toàn và sẵn sàng hoạt động trở lại, từ ngày 3/3, Vietnam Airlines sẽ khôi phục đường bay giữa TP Hồ Chí Minh và Vân Đồn nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, góp phần kết nối giao thương, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước đó, từ 0h ngày 26/2, thị xã Đông Triều đã gỡ bỏ phong tỏa các địa phương cuối cùng, gồm các thôn Đìa Sen, Sơn Lộc, Tân Tiến, Đìa Mối của xã An Sinh; thôn Tân Thành, Phúc Thị, Đồng Ý của xã Việt Dân và các xã Bình Dương, Nguyễn Huệ, Thủy An. Đồng thời, chốt liên ngành tại Cầu Đạm Thủy (xã Thủy An) cũng được gỡ bỏ.
Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn đã an toàn và sẵn sàng hoạt động trở lại |
Để phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh, toàn thị xã tiếp tục áp dụng hiệu quả các biện pháp hạn chế tập trung đông người theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các biện pháp phòng chống dịch theo quy định như: Tiếp tục hạn chế tập trung đông người; Đóng cửa tạm thời các cơ sở kinh doanh như quán bar, vũ trường, massage, karaoke...
Bên cạnh đó, các chốt, trạm ở quốc lộ, tỉnh lộ, bến đò, đường sông, đường mòn, lối mở giáp ranh với tỉnh Hải Dương và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) và đường 345 được giữ nguyên, tiếp tục đóng chốt cứng 24/24h.
Trẻ 11 tuổi nhiễm độc thủy ngân do vỡ nhiệt kế
Đây là trường hợp đầu tiên nhiễm độc thủy ngân xảy ra do tai nạn khi sử dụng |
Tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Trung tâm Chống độc của bệnh viện đã tiếp nhận bé N.N.Y. 11 tuổi, quê Thái Bình. Khi gia đình vẩy nhiệt kế để đo thân nhiệt bất ngờ, chiếc nhiệt kế đâm thẳng vào bàn tay trái của cháu.
Chiếc nhiệt kế vỡ và tạo ra vết thương ở ngón trỏ tay trái. Gia đình đã đưa cháu tới bệnh viện và nhập viện Bệnh viện Bạch Mai ngày 11/2/2021 (ngày 30 Tết âm lịch).
Khi vào viện, vết thương của cháu đã bị nhiễm trùng và áp xe. Các bác sĩ chụp X-quang ngón tay của cháu thấy có nhiều hạt thủy ngân ở bên trong phần mềm sát khớp bàn ngón trỏ tay trái.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, đây là trường hợp đầu tiên nhiễm độc thủy ngân xảy ra do tai nạn khi sử dụng.
Do tình trạng nhiễm trùng phức tạp, cháu đã được điều trị nhiễm trùng trước, đồng thời xét nghiệm nồng độ thủy ngân trong máu, nước tiểu và đánh giá các tổn thương.
Dự kiến vị trí phẫu thuật nhỏ nhưng cuộc mổ rất đặc biệt do cần phải lấy hết các hạt thủy ngân ra ngoài an toàn. Các bác sĩ đã chụp cắt lớp, siêu âm để đánh giá kỹ số lượng hạt thủy ngân và vị trí chính xác ở ngón tay để chuẩn bị cho cuộc mổ.