Nhiễm sán lá gan do thói quen ăn rau sống
Nhiễm giun sán vì "khoái" ăn rau sống
Nếu như người Nhật thích ăn món sushi với sashimi thịt cá sống thì người Việt chúng ta có thói quen dùng rau sống trong các bữa ăn gia đình hoặc trong các bữa tiệc tùng. Nhiều món ăn dân dã đặc sản của người Việt Nam không thể thiếu rau sống ăn kèm.
Nhiều người cho rằng rau sống sẽ "bổ" hơn so với ăn rau khi đã nấu chín. Trên thực tế, lượng chất dinh dưỡng trong rau sống cao hơn so với ăn chín.
Rau sống được ăn kèm nhiều món ăn dân dã |
Thức ăn sau khi nấu chín lượng vitamin A, vitamin C sẽ mất đi đáng kể, ngoài ra một số chất khoáng trong rau sẽ hòa tan vào nước trong khi nếu ăn sống, lượng vitamin và khoáng chất hấp thu vào cơ thể sẽ nhiều hơn.
Ngoài ra, các món ăn sa lát chế biến từ rau sống, rau xà lách, dưa chuột, cà chua bi... cũng được các chị em rất ưa thích vì đây là món ăn xuất hiện trong nhiều thực đơn ăn kiêng. Các món sa lát giàu chất xơ, vitamin, giúp người giảm cân không nạp quá nhiều calo mà vẫn no bụng.
Mặc dù ăn rau sống có nhiều lợi ích cho sức khỏe tuy nhiên nếu ăn không đúng cách thì đây lại là nguy cơ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe của mọi người.
Theo các nghiên cứu chỉ ra, 92-100% các loại rau sống đều chứa các ký sinh trùng có hại cho sức khỏe, nếu không rửa sạch rau trước khi sử dụng thì có khả năng cao mắc các bệnh về đường ruột như nhiễm giun sán, tiêu chảy...
Nhiễm giun sán là bệnh lý thường gặp nhất do ăn rau sống không được rửa sạch sẽ với tỷ lệ từ 5 - 7%. Người bệnh nhiễm giun sán có thể bị động kinh, liệt tay chân, rối loạn trí nhớ nếu không được điều trị kịp thời.
Bên cạnh nhiễm giun sán, ngộ độc thực phẩm do ăn rau sống chứa các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng có thể xảy ra. Bên cạnh đó, việc ăn rau sống có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm độc thực phẩm do vi khuẩn E.coli và một số vi khuẩn khác.
Nếu không thể xác định được nguồn rau an toàn thì không nên ăn rau sống
Theo thống kê trong vòng 3 tháng đầu năm 2023, bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và điều trị 172 ca bệnh áp xe gan do sán lá gan lớn.
Bệnh nhân có độ tuổi trung bình là 40, nữ chiếm đa số (68%), đến từ 24 tỉnh thành thuộc các khu vực từ Quãng Ngãi trở vào, trong đó 44 trường hợp (25,6%) sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, 40 trường hợp (23,3%) sống tại các tỉnh Duyên hải miền Trung; 23 ca bệnh phức tạp phải nhập viện nội trú.
Toàn bộ bệnh nhân đều có thói quen ăn rau sống. Đáng chú ý có 2 trường hợp áp xe gan do sán lá gan lớn ở thai phụ nêu trên và 3 trường hợp bệnh diễn tiến nặng, nhập viện trễ, nguy cơ áp xe vỡ cần phối hợp với chuyên khoa ngoại. Bệnh có thể điều trị hiệu quả nếu được chẩn đoán và điều trị sớm.
Biểu hiện nhiễm sán lá gan lớn phản ánh hành trình của sán trong cơ thể người. Giai đoạn sán đi qua gan, kéo dài từ 2-4 tháng: Người bệnh thường biểu hiện đau bụng vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc vùng thượng vị, có thể đau âm ỉ, đôi khi dữ dội; Sốt nhẹ, thoáng qua hoặc có thể sốt kéo dài, sốt cao; Mệt mỏi, biếng ăn, sụt cân; Cảm giác đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn; nổi mề đay, sẩn da.
Một số trường hợp ấu trùng sán di chuyển lạc chỗ và gây tổn thương thành ruột, màng phổi, cơ thăn… ; Xét nghiệm máu có thể phát hiện tăng bạch cầu ái toan; Siêu âm bụng có thể thấy các tổn thương ở gan.
Giai đoạn sán trưởng thành ở ống mật, kéo dài nhiều năm: Người bệnh thường sốt, ăn không ngon. Một số người bị biến chứng tắc nghẽn đường mật có triệu chứng vàng da, sốt, đau bụng từng cơn; Siêu âm bụng phát hiện khối mềm sáng gây tắc nghẽn đường mật ngoài gan.
Người dân cần chú ý rửa rau đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm |
Liên quan tới thói quen ăn rau sống, theo khuyến cáo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), rau sống đang tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất lớn. Người trồng rau có tập quán dùng nước thải, nước phân tươi tưới rau. Còn người bán ở các chợ đầu mối thì dùng nước bẩn, nước cống phun để giữ rau tươi.
Trong khi đó, người sử dụng cũng không chú ý đến việc rửa rau sạch. Qua kiểm tra phát hiện ngay cả nhà hàng có uy tín cũng dùng một chậu nước rửa nhiều lần và nhiều loại rau.
Trong khi đó, các loại rau sống như xà lách, húng chó, mùi... tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh đường ruột bởi khuẩn phẩy tả có thể sống trên rau sống 3 - 10 ngày, khuẩn E.coli sống được một tuần và thường kéo theo các vi khuẩn đường ruột khác, ký sinh trùng như trứng giun...
Vì dù rửa rau sống ngập trong nước, ngâm thuốc tím, sục ozon, ngâm nước muối hoặc xả rau dưới vòi nước chảy 15 phút... cũng không thể khống chế được 100% vi khuẩn mà chỉ hạn chế được phần nào. Đặc biệt, người dân nên chú ý không nên sử dụng những rau được tưới bằng phân tươi, phân lợn… Nếu không thể xác định được nguồn rau an toàn hay không, tốt nhất không nên ăn sống chúng.