Nhiều F0 chủ quan tự điều trị tại nhà, không khai báo y tế địa phương
Số ca mắc mới liên tục tăng
Những ngày gần đây, tại Hà Nội, số ca mắc COVID-19 liên tục tăng nhanh, thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong ngày hôm nay (23/2), trên địa bàn thành phố ghi nhận 7.429 ca COVID-19, trong đó có 2.492 ca cộng đồng.
Cụ thể, hơn 7.400 bệnh nhân phân bố tại 521 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (468); Hoàng Mai (423); Sóc Sơn (368)... Như vậy từ ngày 29/4/2021 đến nay Hà Nội ghi nhận 221.274 ca COVID-19.
Tuy nhiên, điều đáng nói là một số F0 chủ quan cho rằng, đã tiêm 3 mũi vắc xin phòng COVID-19 thì sẽ không nguy hiểm nên tự điều trị và không thông báo cho chính quyền địa phương. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân còn có nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Những ngày gần đây, tại Hà Nội, số ca mắc COVID-19 liên tục tăng nhanh |
Chị Nguyễn Thùy Liên (Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), người vừa tự điều trị khỏi COVID-19 tại nhà cho biết: "Khi thấy triệu chứng ho, sốt, tôi đã tự mua kit test nhanh rồi gọi điện báo với y tế địa phương mình đã dương tính SARS-CoV-2. Qua điện thoại, nhân viên y tế phường chỉ hỏi thông tin cá nhân, tiêm vắc xin hay chưa, triệu chứng thế nào và hướng dẫn cách điều trị tại nhà. Sau đó, tôi tự mua thuốc điều trị, vài ngày tự test kiểm tra và cũng không gọi lại cho y tế địa phương nữa".
Tự tin với kinh nghiệm tự điều trị COVID-19 thành công tại nhà nên khi thành viên thứ 2 trong gia đình bị mắc COVID-19, chị Liên đã không muốn báo với y tế mà tự chăm sóc, điều trị cho người nhà mình.
“Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay thì người dân nên xác định phải sống chung với COVID-19. Tôi từng bị mắc cũng thấy bình thường, bây giờ chủ yếu là do ý thức của mình thôi. Còn nếu bị mà cảm thấy chưa phải nằm một chỗ, có đi ra ngoài thì cũng chẳng ai biết, vì nguồn lây tùm lum ngoài cộng đồng, chứ không phải như trước đây”, chị Liên nói.
Theo quy định, khi tiếp nhận thông tin về những trường hợp F0 do dân khai báo, nhân viên y tế địa phương phải đến lấy mẫu xét nghiệm để khẳng định dương tính hay âm tính với SARS-CoV-2 và xét nghiệm F1 liên quan đến F0. Sau đó, phân loại bệnh nhân, nếu bệnh nhân mắc COVID-19 có các triệu chứng nguy cơ nặng đưa đi điều trị tại cơ sở y tế, nếu bệnh nhẹ, đủ điều kiện thì cho điều trị tại nhà.
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe tại nhà |
Đối với công tác điều trị F0 tại nhà thì chủ yếu là hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, còn nhân viên y tế là người hỗ trợ. Thực tế cho thấy nhiều người không khai báo khi phát hiện mắc COVID-19 với y tế địa phương mà tự điều trị tại nhà. Đáng lo ngại hơn khi hiện nay, nhiều trang mạng xã hội lan truyền dày đặc thông tin về quảng cáo và rao bán đơn thuốc điều trị F0 tại nhà không có nhiều tác dụng, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe của người sử dụng.
Theo các chuyên gia y tế, việc F0 tự điều trị, không khai báo gây khó khăn cho địa phương, ngành Y tế trong công tác giám sát, quản lý, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh khi rác thải của những F0 này không được xử lý đúng quy trình.
Vừa mất quyền lợi, vừa có nguy cơ bị xử phạt
Việc người dân bị F0 không khai báo với y tế địa phương không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng điều trị bệnh mà người dân còn mất cả quyền lợi khi được nhận trợ cấp từ bảo hiểm xã hội, thậm chí còn có nguy cơ bị xử phạt.
Theo Khoản 1 Điều 100 của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, để được hưởng chế độ ốm đau, người lao động điều trị bệnh tại nhà phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, theo điểm a Khoản 1 Điều 20 của Thông tư 56/2017/TT-BYT, Giấy này do cơ sở khám, chữa bệnh đã dược cấp giấy phép hoạt động cấp.
Trạm Y tế chỉ cấp Giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà. Sau đó, người lao động cần nộp Giấy này cho Trung tâm Y tế huyện để cấp Giấy xác nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Khi đã có được Giấy xác nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, người lao động nộp lại cho công ty để làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau với mức hưởng bằng 75% mức đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Khi không may bị mắc COVID-19, người dân cần thông báo với y tế địa phương để được hướng dẫn điều trị |
Như vậy, trong mọi trường hợp, F0 điều trị tại nhà vẫn cần phải khai báo với Trạm Y tế để có được Giấy xác nhận hoàn thành điều trị COVID-19/Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và hưởng tiền trợ cấp ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Nếu không khai báo, người lao động sẽ không được cấp Giấy và sẽ đánh mất quyền lợi này. Ngoài ra, việc khai báo với Trạm Y tế cũng là cần thiết để người dân được hướng dẫn về cách thức cách ly, điều trị.
Bên cạnh đó, F0 điều trị tại nhà không khai báo y tế còn phải đối mặt với nguy cơ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, theo Điểm a Khoản 3 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, người có hành vi “che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mặc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A” sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Trong khi đó, theo Quyết định 219/QĐ-BYT của Bộ Y tế, COVID-19 đã được liệt kê là một trong những bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Như vậy, người nhiễm COVID-19 che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời tình trạng bệnh với Trạm y tế nơi đang sinh sống sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.