Nhiều hộ dân không có lối đi vì hàng xóm xây tường rào chắn
Đừng để hành vi côn đồ "nhờn" pháp luật... |
Bài 2: Đi không được, ở cũng không xong |
Bài 3: Người dân được hỗ trợ tiền, xã “giữ” làm tái định cư? |
Hộ ông Vi Quốc Việt bị hàng xóm xây tường, rào lưới B-40 bịt kín đường đi khiến cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Bài 1: Bị “cô lập” ngay trên đất nhà mình...
Nhiều hộ dân không có lối đi vì hàng xóm ngang nhiên chiếm dụng, xây tường, rào lưới B-40 khiến con đường dân sinh đi vào nhà và đất sản xuất của các hộ dân bị bịt kín. Câu chuyện tưởng như đùa lại có thật tại thôn 3, xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum).
Trớ trêu thay, để ra vào được ngôi nhà của mình, ông Vi Quốc Việt (68 tuổi), trú tại thôn 3, xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi, hằng ngày phải trèo qua bức tường cao khoảng 3m của Công ty 732. Bởi lối đi duy nhất đã bị hàng xóm là ông Ngô Sỹ Ngạn chiếm dụng, xây tường rào chắn.
Mặc dù đã gần 70 tuổi, nhưng để ra vào ngôi nhà của mình, ông Vi Quốc Việt phải trèo qua bức tường cao khoảng 3m của Công ty 732 (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Ông Vi Quốc Việt cho biết: “Trước đây gia đình đi kinh tế mới tại huyện Ngọc Hồi và có khai hoang được mảnh đất tại tổ 1, thôn 3. Sau này, gia đình đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).
Khi gia đình được cấp GCNQSDĐ, trên hồ sơ vẫn thể hiện một con đường dân sinh nối với đường liên xã. Hằng ngày, gia đình vẫn đi lại, chở nông sản bằng con đường dân sinh này.
Tuy nhiên, từ tháng 6/2023, con đường dân sinh bỗng nhiên bị gia đình ông Ngô Sỹ Ngạn chiếm dụng, xây tường, rào lưới B-40 bịt kín cả 2 đầu khiến gia đình tôi không có lối đi.
Mặc dù đã tuổi cao sức yếu, hằng ngày tôi vẫn phải treo qua bức tường cao 3m của Công ty 732 để ra ngoài. Sự việc diễn ra trong một thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ông Vi Quốc Việt trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về việc hàng xóm vô cớ chiếm dụng, xây tường rào trên con đường dân sinh (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Hàng xóm chắn đường đi
Không những vậy, tập thể người dân thôn 3, xã Đăk Kan còn làm đơn gửi lên chính quyền địa phương để đòi lại con đường dân sinh đi xuống suối 13.
Đại diện tập thể các hộ dân cho biết, từ năm 2008, địa phương tổ 1 có con đường dân sinh nối từ đường liên xã (từ thôn 3 xã Đăk Kan đi xã Sa Loong) với con suối 13 sang thôn Hòa Bình.
Con đường gắn liền với người dân bởi đây là lối đi nương rẫy, xuống suối. Người dân còn gọi là đường suối 13.
Đường đi xuống suối 13 cũng bị ông Ngô Sỹ Ngạn chiếm dụng, xây tường rào và trồng cây công nghiệp mặc dù toàn bộ khu đất chưa được Nhà nước cấp GCNQSDĐ (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Cũng theo người dân tổ 1, ông Ngô Sỹ Ngạn đã ngang nhiên chiếm 2 con đường dân sinh gồm: Đường đi qua nhà ông Vi Quốc Việt và đường xuống suối 13. Hiện nay, gia đình ông Ngô Sỹ Ngạn đã rào và trồng cà phê, sầu riêng, ngăn đường đi lại của người dân.
Đồng thời, ông Ngạn còn tự ý đổ đất lấp toàn bộ cống thoát nước từ bên này đường sang bên kia đường để làm đường đi và trồng rau.
Do không còn đường dân sinh, mùa khô cạn, người dân không có đường để xuống suối giặt giũ, đi nương rẫy, gia súc không có đường xuống uống nước.
Ngôi nhà của ông Vi Quốc Việt bị "cô lập" vì không còn lối đi (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Do quá bực tức trước hành vi “vô thiên vô pháp”, anh Vi Nông Chiến (con trai ông Việt - PV) đã đập bức tường và sau đó bị truy tố về tội “hủy hoại tài sản” với mức án 18 tháng tù treo.
Nửa năm nay, anh Vi Nông Chiến không thể đi lại chăm sóc, bón phân và tưới vườn cà phê của mình nên nhiều cây có dấu hiệu bị chết (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Anh Vi Nông Chiến, 32 tuổi, trú tại thôn 3, xã Đăk Kan, chia sẻ: “Con đường dân sinh đó từ trước đến nay gia đình và người dân vẫn đi lại bình thường. Tuy nhiên, do quá bực tức về việc hộ ông Ngô Sỹ Ngạn xây bít đường đi nên tôi có đập bức tường xây trái phép trên đường dân sinh. Sau đó, tôi bị kết án 18 tháng tù treo về tội hủy hoại tài sản.
Gia đình tôi cũng có trồng mấy trăm cây cà phê bên trong con đường dân sinh này nhưng do bị rào chắn nên khoảng nửa năm nay không thể đi lại để chăm sóc, bón phân và tưới cây. Hiện các cây cà phê bị cỏ mọc um tùm và có dấu hiệu chết khô.
Bố tôi đã già yếu nhưng hàng ngày vẫn phải trèo qua bức tường cao 3m để ra khỏi nhà. Nếu xảy ra cơ sự gì thì ai là người chịu trách nhiệm? Chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kịp thời vào cuộc lấy lại con đường dân sinh cho các hộ dân đi lại sinh hoạt, canh tác sản xuất”.
Phía ngoài đường liên xã cũng bị gia đình ông Ngô Sỹ Ngạn xây tường, rào lưới thép và trồng sầu riêng, bịt kín lối vào nhà ông Vi Quốc Việt (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi nhận được đơn kiến nghị của người dân về việc mở lại con đường dân sinh để có lối đi cho người dân tổ 1, thôn 3, xã Đăk Kan, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi đã chỉ đạo thành lập tổ công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết những kiến nghị của công dân.
Trên cơ sở báo cáo và đề xuất của tổ công tác, ngày 5/11/2021, UBND huyện Ngọc Hồi đã ban hành văn bản số 3878/UBND-BC-NC chỉ đạo UBND xã Đăk Kan kiểm tra, khảo sát xây dựng phương án mở đường xuống suối để Nhân dân thôn 3 đi canh tác sản xuất và lấy nước tưới cây trồng.
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, một lãnh đạo UBND xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi), cho biết: “Liên quan đến việc hộ dân Ngô Sỹ Ngạn lấn chiếm con đường dân sinh tại tổ 1, trước đây UBND xã cũng đã mời các bên liên quan lên đối thoại, hòa giải. Lúc đầu, hộ dân này cũng đã thống nhất quan điểm trả lại con đường dân sinh cho các hộ dân đi lại. Tuy nhiên, sau đó hộ gia đình này lại không chấp thuận và rào chắn lối đi của một số hộ dân”.
“Vụ việc này đang được TAND huyện Ngọc Hồi thụ lý, giải quyết. Sau khi có bản án của tòa án, chúng tôi sẽ căn cứ vào bản án để giải quyết dứt điểm vụ việc, tránh việc khiếu kiện kéo dài”, lãnh đạo UBND xã Đăk Kan cho biết thêm.
Cực chẳng đã, một số hộ dân nhiều năm qua phải “đội đơn” cầu cứu từ huyện lên đến tỉnh để mong muốn được trả lại con đường dân sinh. Tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn đang “giậm chân tại chỗ”. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần khẩn trương làm rõ sự việc để trả lại con đường dân sinh cho người dân, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài.
(Còn nữa)