Nhiều hoạt động Trung thu giúp các em nhỏ hiểu rõ về văn hóa truyền thống
Trung thu là dịp để trẻ em được tận hưởng cái Tết của mình và tìm hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc
Bài liên quan
La La School ra mắt web-drama mới
"Hội sách Trăng tròn - Cùng trăng đọc sách" với Đinh Tị Books
Ngày hội Mottainai “Trung thu Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc” 2019
Dương Triệu Vũ lần đầu tiên song ca cùng thần tượng Như Quỳnh
“Vua phóng sự miền Tầy” lần đầu tiên “hành phương Bắc” ra mắt sách
Nhiều hoạt động hấp dẫn
"Lễ hội Trung thu 2019" vừa được khai mạc tối 11/9 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội). Trong suốt thời gian diễn ra sự kiện từ ngày 11-13/9 có nhiều hoạt động như triển lãm “Trung thu nhớ Bác” trưng bày các hình ảnh hiện vật nói về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước với các cháu thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu; các cháu thiếu nhi làm theo lời Bác; các đồ chơi Trung thu truyền thống.
Trong khuôn khổ Lễ hội Trung thu năm 2019 còn có hội chợ trung thu truyền thống, với gần 100 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm: Đồ chơi, quà lưu niệm, sách, ẩm thực… Tại không gian này, các em thiếu nhi được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm bổ ích, như: Tự tay làm đồ chơi truyền thống chuồn chuồn tre, tò he, đèn kéo quân…; tham gia các trò chơi dân gian: Bịt mắt đập niêu, kéo co, rồng rắn lên mây…
Nhóm họa sĩ G39 cũng mang đến cho các em thiếu nhi một triển lãm mang tên "Mặt?" kéo dài từ 13-23/9 tại Gallery39 (39A Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội). 20 tác phẩm mặt nạ của 7 họa sĩ Bình Nhi, Lê Thị Minh Tâm, Hồng Phương, Quốc Thắng, Phạm Trần Quân, Nguyễn Minh Hiếu, Lê Thiết Cương được trưng bày tại đây. Không chỉ là vẽ trên mặt nạ bằng giấy bồi theo lối truyền thống mà còn vẽ trên mẹt, nia, nón, thớt, quạt giấy, đèn mặt trăng…
Trung thu của nhóm 39 đặc biệt ở chỗ có mặt nạ do các họa sĩ nổi tiếng trang trí rồi bán đấu giá ủng hộ cho các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, là tự họa trên mặt và các họa sĩ nhí thi nhau trổ tài cùng vẽ trên mặt nạ.
Mặt nạ được sử dụng là mặt nạ giấy bồi truyền thống từ các làng nghề quanh Hà Nội với hy vọng trẻ em hôm nay sẽ là thế hệ kế tiếp tiếp nối và phát huy những tinh hoa truyền thống văn hóa của dân tộc.
Bên cạnh triển lãm còn có mặt nạ bày sẵn để khách tham quan có thể vẽ cùng các họa sỹ. Một số khách mời tình nguyện sẽ được các họa sĩ vẽ trực tiếp lên mặt trong buổi khai mạc.
Nằm trong chuỗi sự kiện được tổ chức thường niên mỗi độ Thu về, “Hội sách Trăng tròn - Cùng trăng đọc sách" năm nay tiếp tục được Đinh Tị Books mang đến cho các bạn đọc Thủ đô từ ngày 12-15/9/2019 tại Quảng trường tòa nhà 34T Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, Hà Nội.
Đến đây, các em nhỏ và gia đình có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động bổ ích và lí thú như đêm hội “Làm đèn ông sao - Rước trăng về phố”, Ca nhạc - Kịch Trung Thu: “Sự tích Chú Cuội” và hoạt động “Rước đèn trông trăng”, Chuỗi sự kiện “Xưởng sáng tạo mùa thu”…
Với mong muốn tái hiện những hình ảnh Trung thu truyền thống, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, chương trình Vui tết Trung thu tại Hoàng thành Thăng Long đã trở thành hoạt động thường niên, là địa chỉ để các em thiếu nhi trải nghiệm những hoạt động bổ ích, ý nghĩa và tìm hiểu cội nguồn văn hóa dân tộc.
Đến với chương trình Vui Tết Trung thu tại Hoàng thành Thăng Long, các em nhỏ được tham gia các hoạt động bổ ích và lý thú như xem biểu diễn múa sư tử, hát trống quân; chụp ảnh, check in tại không gian trang trí ngoài trời đẹp mắt với trống và đèn sao; trải nghiệm làm bánh Trung thu, làm một số đồ chơi truyền thống như: tô vẽ mặt nạ giấy bồi, làm diều, tô tượng, tô tranh, ghép tranh, nặn tò he; tham gia các trò chơi dân gian như bập bênh, cầu trượt, leo núi tam giác, cầu tre…
Chương trình dành cho học đường kéo dài đến ngày 13/9/2019 (15/8 Âm lịch). Trong đó bao gồm nhiều hoạt động bổ ích như tham quan, học tập: Trưng bày "Trống hội trăng thu"; chuyên đề giáo dục "Kể chuyện các bậc Vua sáng tôi hiền qua tích truyện tết Trung thu tại cung đình Thăng Long xưa"; Trải nghiệm và tương tác: Làm bánh Trung thu; Chợ tết Trung thu với hoạt động mua sắm đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn cù, mặt nạ giấy bồi, tàu thủy sắt tây, thỏ đánh trống, trống bỏi, trống ếch, tò he…Trò chơi dân gian như: thả diều, kéo co, ném lon, nhảy bao bố, nhảy dây, bập bênh, đánh đu, cầu trượt, leo núi tam giác…
Ngoài ra, các nhà trường có nhu cầu tham gia hoạt động: Biểu diễn múa rối nước; gặp gỡ, giao lưu cùng nhà sử học Lê Văn Lan.
Hiểu thêm về truyền thống văn hóa dân gian
Những hoạt động này không chỉ giúp các em thiếu nhi và gia đình có một cái Tết trung thu đoàn viên với nhiều hoạt động bổ ích, lí thú mà còn cho các em những hiểu biết, kiến thức về lễ hội truyền thống của dân tộc, qua đó hiểu hơn về văn hóa dân gian đặc sắc của Hà Nội và cả nước.
Tết Trung thu tuy là cái Tết chỉ diễn ra trong một ngày, cũng không phải là lễ tết được nghỉ học, nghỉ làm nhưng đây thực sự là một dịp để người lớn thể hiện tình yêu thương con cái đồng thời giúp gia đình có những giờ phút gắn kết bên nhau.
Khi cùng các con chuẩn bị mâm cỗ trông trăng, các bà, các mẹ có thể vừa làm vừa giải thích với con vì sao ngày xưa người ta thường làm bánh dẻo hình tròn và bánh nướng hình vuông. Sự vuông tròn biểu hiện cho quan niệm của người xưa về trời và đất. Điều đó cũng thể hiện khát khao gửi gắm về hạnh phúc vẹn tròn của mỗi nhà, mỗi gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống.
Nếu không có thời gian chuẩn bị mâm cỗ trong nhà, với nhiều hoạt động thú vị và rộng khắp của Hà Nội, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể lựa chọn những điểm đến thú vị. Ở những nơi này, không chỉ các con mà chính họ cũng được ôn lại truyền thống của cha ông xưa.
Chẳng hạn, sà vào góc làm đèn ông sao ở đình Kim Ngân, bố mẹ và các con được rèn luyện tính kiên trì, khéo léo khi tỉ mẩn phết từng lớp hồ, dán từng mảnh giấy mỏng manh lên những chiếc nan để ghép thành chiếc đèn ông sao. Làm đèn kéo quân thì lại đòi hỏi sự tinh tế, khéo tay hơn nữa.
Trong thời buổi đồ chơi ngoại nhập bày bán tràn lan, dễ mua dễ quên như hiện nay, đồ chơi truyền thống vẫn có sức hút, gợi lên rất nhiều kỉ niệm và ý nghĩa. Chẳng hạn tại sao ông tiến sĩ giấy lại được làm nhiều vào mỗi dịp trung thu? Là bởi trong cái tết của trẻ con này, người xưa luôn gửi gắm ước nguyện mong con cháu mình đỗ đạt, hiển vinh.
Hay tại sao chiếc tàu thủy bằng sắt chạy trên chậu nước có khói sặc mùi dầu gắn với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Hà Nội gốc lại có sức hút mãnh liệt đến như thế? Bởi lẽ nó là thứ đồ chơi do người Hà Nội sáng tạo ra, phát triển cùng năm tháng mà không nơi nào khác có được.
Hay những chiếc mặt nạ giấy bồi mộc mạc, giản dị nhưng cũng chứa đựng đầy nghệ thuật và công sức miệt mài của những nghệ nhân phố cổ Hà Nội. Cả những con tò he xanh đỏ tím vàng rực rỡ sắc màu cũng là nghệ thuật dân gian, là vốn di sản quý mà cha ông ta, một cách tự nhiên nhất đã truyền lại cho thế hệ sau qua những mùa Trung thu rộn rã tiếng trống, tiếng múa lân vui vẻ, tưng bừng.
Từ nhiều năm nay, tại các trường học, đặc biệt là lứa tuổi mầm non, mẫu giáo, các con luôn được tổ chức Trung thu với các hoạt động thiết thực như tập làm bánh nướng, bánh dẻo. Những bàn tay còn lóng ngóng vụng về nhào bột làm bánh không phải chỉ để được ăn thứ bánh đặc trưng của Trung thu mà còn hiểu ý nghĩa của món bánh có hương vị cổ truyền và tận hưởng thành quả lao động của mình.
Cứ như vậy, mỗi mùa trăng tháng tám trôi qua, không phải chỉ là những chiếc bánh mua sẵn, những vị bánh mới lạ nhập khẩu, không phải những món đồ chơi bằng nhựa mua về hỏng xong quên luôn, Trung thu với trẻ Hà Nội là được chìm đắm vào không khí lễ hội, hiểu sâu, hiểu rõ ý nghĩa của lễ hội này.
Từ đó, những đứa trẻ ấy sau này lớn lên lại muốn truyền lại không khí lễ hội đó cho con cháu của mình. Đó là cách người Hà Nội gìn giữ, phát triển văn hóa truyền thống đến mãi mai sau.