Nhiều khó khăn trong việc khắc phục sự cố về môi trường
Chính sách thuế, phí: Giải pháp hữu hiệu bảo vệ môi trường Nâng cao chất lượng, hiệu quả quan trắc môi trường |
Sự cố tràn dầu do tàu BĐ-0508H gây ra trên biển Quy Nhơn (Bình Định) |
Hệ luỵ của sự cố về môi trường
Những năm qua, cùng với những thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội thì thực trạng môi trường tự nhiên của nước ta đang bị tổn hại, gây ảnh hưởng tiêu cực, nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống cộng đồng. Môi trường nước, không khí bị ô nhiễm trên diện rộng, có nơi ở mức độ trầm trọng; khối lượng và mức độ độc hại của chất thải ngày càng tăng không chỉ ở khu vực phát triển công nghiệp, khu đô thị mà cả ở những vùng nông thôn.
Tuy nhiên, môi trường nước ta vẫn đang đứng trước những thách thức to lớn và vấn đề cấp bách cần được tập trung giải quyết, xử lý. Hoạt động khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương thiếu sự quản lý chặt chẽ làm gia tăng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường.
Nhiều tổ chức, cá nhân chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ, giảm hiệu quả sử dụng đất, đặc biệt tại khu vực tập trung nhiều mỏ khai thác khoáng sản.
Cụ thể, dự án khai thác cát trắng của Công ty Khai thác, chế biến khoáng sản xuất khẩu thuộc Tổng Công ty Xuất nhập khẩu, dịch vụ Đầu tư Vận tải biển Khánh Hòa, nay là Công ty Cổ phần Khoáng sản và Đầu tư Khánh Hòa (Minexco) được Bộ Công nghiệp nặng (trước đây) cấp phép khai thác mỏ cát trắng tại thôn Thủy Triều, Cam Hải Đông (ngày 25/8/1990) với trữ lượng khai thác là 22,82 triệu tấn, công suất khai thác 1 triệu tấn/năm. Ngày 16-12-2013, UBND tỉnh có thông báo yêu cầu Minexco phải hoàn tất việc PHMT theo phương án được duyệt tại khu vực mỏ cát Thủy Triều, từng bước trả lại đất cho địa phương và chấm dứt việc khai thác trước ngày 31/12/2013. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, đơn vị này chỉ PHMT được 62,7 ha, 35 ha còn lại vẫn chưa tiến hành.
Cuối tháng 7 vừa qua, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh đã ký thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh: Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang…
Kết luận chỉ ra tại Cao Bằng có 2 dự án (Mỏ Thua Phia, huyện Trùng Khánh và Mỏ Chì kẽm Bản Bó, huyện Bảo Lâm) chưa hoàn thành các công trình BVMT, chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành nhưng vẫn tiến hành khai thác; 5 dự án thay đổi vị trí các hạng mục như trạm nghiền, bãi thải, bãi tập kết vật liệu… so với báo cáo ĐTM đã được phê duyệt nhưng chủ đầu tư chưa báo cáo bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, chấp thuận để triển khai.
Chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn không được thu gom, xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh; tình trạng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan dẫn đến ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng gia tăng, một số nơi rất nghiêm trọng.
Nhiều làng nghề hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất đang gây ô nhiễm cao đối với môi trường như tái chế nhựa, kim loại, ắc quy chì, chăn nuôi gia súc, sản xuất giấy...
Những năm gần đây, đã xảy ra sự cố môi trường lớn, tác động trên diện rộng, đặc biệt là sự cố môi trường biển miền Trung; bùng phát các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, sự cố môi trường biển miền Trung diễn ra trên diện rộng, gây ra hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài; đã ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, làm muối, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch; đồng thời đã làm xáo trộn, gây mất an ninh trật tự, tâm lý bức xúc, bất an trong nhân dân.
Nước thải sinh hoạt ở hầu hết các đô thị, khu dân cư chưa được xử lý; rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp chưa được quản lý tốt, gây ô nhiễm môi trường. Nhiều địa phương chưa có bãi chôn lấp chất thải công nghiệp; tình trạng đổ thải, chôn lấp chất thải công nghiệp trái quy định còn xảy ra ở nhiều nơi.
Sự cố môi trường khi đã xảy ra, không chỉ trực tiếp gây thiệt hại lớn về người và của, mà còn gây ra các hiện tượng suy thoái, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, 6 tháng đầu năm, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường đã nhận được hơn 1.520 thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường, đến nay có 1.009 vụ việc đã được xử lý.
Trong đó nhiều vụ việc đã được kiểm tra, xác minh nhanh như vụ việc đổ trộm các thùng phuy tại địa bàn xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì (Hà Nội); Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương sử dụng tro lò đốt rác thải để san lấp mặt bằng; thông tin ô nhiễm nước thải công nghiệp nhuộm chưa xử lý tại một số xã thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam chảy thẳng ra sông Hồng gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Bên cạnh xử lý các vụ việc theo thông tin phản ánh, Tổng cục Môi trường cũng đẩy mạnh các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin tại các “điểm nóng” về ô nhiễm như sân bay Biên Hòa; hướng dẫn các địa phương triển khai nhiều hoạt động đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng.
Diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu trên biển ở Đà Nẵng |
Đến nay, trên phạm vi cả nước còn 123/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/2013/QĐ-TTg chưa hoàn thành xử lý triệt để.
Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết trong những tháng cuối năm, Tổng cục sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường; đôn đốc hoàn thành tiến độ xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng năm 2020; kiên quyết không cấp phép cho các dự án có loại hình, công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, các dự án có tác động đến sinh thái.
Ngoài ra, Tổng cục Môi trường cũng sẽ tăng cường năng lực quan trắc và cảnh báo môi trường vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; tăng cường các hoạt động thanh tra đột xuất; thực hiện thanh tra đến đâu, ban hành kết luận đến đó...
Trong giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ, nếu công tác phòng ngừa không được chú trọng thỏa đáng, sự cố môi trường có nguy cơ xảy ra như một hệ lụy tất yếu và là mặt trái của quá trình phát triển. Công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường vì thế luôn được xem là một vấn đề cấp thiết, trong đó việc tạo ra hành lang pháp lý được đánh giá là quan trọng hàng đầu.
Việc hướng dẫn cụ thể các trình tự thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại môi trường được xem là cần thiết để phục hồi môi trường, những tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm không có cơ hội “lọt lưới” pháp luật.
Các sự cố môi trường cấp bách nêu trên nếu không được giải quyết kịp thời sẽ có những tác động tiêu cực ngày càng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cũng như tác động trực tiếp tới an toàn sức khỏe và sinh kế người dân.
Bất cập trong việc xử lý các sự cố môi trường
Mặc dù luật pháp đã qui định rõ: Các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sự cố môi trường phải có trách nhiệm chi trả cho các chi phí làm sạch môi trường, khắc phục sự cố môi trường, bồi thường thiệt hại do sự cố gây ra nhưng trên thực tế việc đòi bồi thường thiệt hại rất khó khăn.
Hiện tại các cơ quan này đang thiếu chuyên môn, kinh nghiệm trong việc đòi bồi thường một cách hiệu quả. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam khi phải đối mặt với số tiền bồi thường tràn dầu lên đến chục tỷ đồng thì họ thường tuyên bố phá sản.
Việc hướng dẫn cụ thể các trình tự thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại môi trường được xem là cần thiết để phục hồi môi trường, những tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm không có cơ hội “lọt lưới” pháp luật.
Có thể thấy, số lượng văn bản điều chỉnh công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường dưới hình thức luật và dưới luật là rất lớn. Tuy nhiên, sự cố môi trường vẫn xảy ra khá phổ biến ở Việt Nam. Điều này cho thấy, khâu ban hành pháp luật và áp dụng pháp luật điều chỉnh vấn đề này vẫn còn bất cập và hạn chế.
Sự cố môi trường đang xảy ra ngày càng nhiều với quy mô và cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, việc ứng phó, khắc phục hậu quả của các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân liên quan còn nhiều lúng túng, sự phối hợp chưa hiệu quả do các quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường 2014 chưa rõ ràng về bản chất, loại hình, cấp độ, trách nhiệm phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả.
Do đó, để có giải pháp xử lý triệt để các sự cố môi trường cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung, bám sát thực tế và theo kịp tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, diễn biến nhanh và mức độ phức tạp của các vấn đề môi trường;
Chú trọng nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành; tăng cường sự phối hợp, chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, giữa Trung ương và địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tổng thể về kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện đúng trách nhiệm của các cơ quan có liên quan;
Rà soát, chấn chỉnh, tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trước năm 2020.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |