Nhiều luồng ý kiến khác nhau về tên gọi Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
Hợp tác xã là mô hình thể hiện bản chất nền kinh tế Việt Nam
Thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sáng 10/11, đa số đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết xây dựng Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững.
Tuy nhiên, việc giữ tên gọi là Luật Hợp tác xã hay đổi tên là Luật các tổ chức kinh tế hợp tác xã vẫn còn các luồng ý kiến khác nhau.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu thảo luận |
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, tên gọi Luật Hợp tác xã đã gắn liền với lịch sử phát triển của Việt Nam, rất phù hợp và ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và đã quen thuộc từ luật hiện hành, đi vào cuộc sống, tâm thức của người Việt.
Trong khi tên Luật tổ chức kinh tế hợp tác đúng với nội hàm, phù hợp với các quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức trong các tổ chức kinh tế hợp tác và cũng đúng với định hướng Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu tên gọi của dự án luật để thể hiện rõ quan điểm trong xây dựng luật. Đồng thời đề nghị bổ sung báo cáo đánh giá tác động và hệ lụy của việc thay đổi tên để các đại biểu Quốc hội có cơ sở quyết định.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) đề nghị giữ nguyên tên Luật Hợp tác xã để đảm bảo bao quát, mở rộng phạm vi điều chỉnh, tránh xáo trộn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.
Đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) cũng nhất trí với việc giữ tên gọi như hiện hành là Luật Hợp tác xã (sửa đổi) bởi theo đại biểu, thực chất trong dự thảo luật cũng chủ yếu quy định về hợp tác xã, còn các thực thể khác cũng chỉ quy định để xác lập tên gọi chứ không có nội dung chi tiết.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) nêu ra 3 lý do để giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã, thứ nhất là tên gọi này đã bao trùm mọi chủ thể quy định ở trong Luật. Đây cũng là tên gọi đi vào lịch sử, trở thành một thương hiệu trong nền kinh tế Việt Nam, cần tiếp tục kế thừa phát huy trong thời gian tới.
“Người có công đưa mô hình hợp tác xã về Việt Nam là Bác Hồ. Trong suốt sự nghiệp, Bác vẫn luôn quan tâm, phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Hợp tác xã cũng là mô hình vừa thể hiện bản chất nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng”, đại biểu phân tích thêm.
"Chúng ta không thể gọi luật về vũ khí bằng luật về súng trường"
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tranh luận |
Tranh luận với các đại biểu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng, Điều 16 của luật có nguyên tắc tôn trọng quy luật thị trường phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Như vậy, tổ chức kinh tế hợp tác bây giờ khác với 40-50 năm trước đây, thời bao cấp, khi đó chủ yếu là HTX nông nghiệp.
Đại biểu cho rằng, với luật này, tổ chức kinh tế hợp tác có thể nói là “trăm hoa đua nở”, cũng như ở các quốc gia khác và với quy mô nền kinh tế của ta, tổ chức kinh tế hợp tác có thể có nhiều triệu thành viên, có sức mạnh kinh tế rất lớn, rất khác với thời xưa.
Mặt khác, theo đại biểu, chúng ta đã hình thành 4 loại hình tổ chức kinh tế hợp tác: Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã và liên đoàn hợp tác xã; Trong đó, liên minh và liên đoàn là những tổ chức cao hơn và phức tạp hơn hợp tác xã.
"Nói về các loại hình kinh tế hợp tác cũng giống như ta nói là vũ khí có đại bác, súng trường, súng gắn trên tàu chiến, gắn trên máy bay… Chúng ta không thể gọi luật về vũ khí bằng luật về súng trường, súng trường chỉ là một trong nhiều loại vũ khí. Khi đã có nhiều loại vũ khí thì tên gọi phải tương ứng với nội dung và đối tượng điều chỉnh"- đại biểu Nghĩa nêu ý kiến.
Vì vậy, đại biểu cho rằng, tên gọi tổ chức kinh tế hợp tác là chính xác, điều đó cũng là một nguyên tắc của lập pháp và lập quy, tức là có bao nhiêu đối tượng điều chỉnh thì tên gọi phải đủ để bao trùm. “Nếu trở về tên gọi Luật Hợp tác xã, như tôi vừa phân tích, luật về vũ khí nhưng ta lại gọi là luật súng trường”, đại biểu Nghĩa nhấn mạnh
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ thống nhất với tên gọi là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác nhằm bao quát đầy đủ các đối tượng áp dụng.
Đại biểu cho rằng, việc đổi tên như Tờ trình của Chính phủ sẽ tạo sự khác biệt rõ ràng giữa tên gọi chung của các loại hình thể, tổ chức này và các tổ chức kinh tế hợp tác; Phù hợp với tôn chỉ, mục đích, bản chất của mô hình kinh tế hợp tác, đề cao tinh thần hợp tác giữa các thành viên với nhau.
Trong phạm vi điều chỉnh không chỉ có hợp tác xã mà còn có tổ hợp tác, liên minh hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã. Đây là các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác cho nên việc đổi tên gọi là phù hợp