Hợp tác xã có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội
Chuyển đổi phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ bền vững
Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Kinh doanh tổng hợp Cổ Loa (Hợp tác xã Cổ Loa) chính thức hoạt động từ năm 2016, đã gắn kết được 1.353 thành viên. Những năm qua, hợp tác xã luôn chủ động trong sản xuất nông nghiệp, kiên trì chuyển đổi phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ bền vững, an toàn nhằm nâng cao năng suất và chất lượng các sản phẩm nông sản của hợp tác xã. Đặc bệt, năm vừa qua, hợp tác xã đã triển khai thành công mô hình trồng và chăm sóc hai giống mới là bí đỏ và lạc nhân.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Hợp tác xã Cổ Loa, tất cả quy trình sản xuất sản xuất nông nghiệp, canh tác của Hợp tác xã theo hướng hữu cơ sinh học, các thành viên của Hợp tác xã Cổ Loa tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP, chỉ dùng phân chuồng hoai mục bón cây, không sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật.
Hợp tác xã đã sử dụng hệ thống QR code để truy suất nguồn gốc từ cây giống, nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm.
Sản phẩm của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Kinh doanh tổng hợp Cổ Loa đã được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hàng và quyết định công nhận OCOP 3 sao |
Đối với sản phẩm bí đỏ của hợp tác xã, đây là loại cây tương đối dễ trồng và dễ chăm sóc, có thể trồng với diện tích rộng mang đến nguồn lợi kinh tế rất cao. Bí đỏ được trồng thích hợp ở các vùng khí hậu nhiệt đới. Cây bí đỏ trồng được quanh năm, tuy nhiên tốt nhất là trồng bí đỏ vào mùa khô hơn là mùa mưa rét, vì thời tiết lạnh sẽ khiến bí ngô khó ra hoa, thụ phấn và đậu quả.
Địa điểm trồng bí ngô phải ở nơi có nhiều ánh sáng và không gian để cây leo, có thể để cây leo dưới mặt đất hoặc làm giàn cho cây leo. Bí đỏ sau khi trồng khoảng 3 tháng sẽ cho thu hoạch, đặc biệt, có thể thu hoạch bí đỏ được nhiều đợt tùy thuộc vào việc chăm sóc cây trồng. Do đó, khâu chăm sóc cây trồng cực kỳ quan trọng, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho các hộ dân.
Cùng với cây bí, năm 2021 vừa qua, Hợp tác xã Cổ Loa cũng đẩy mạnh trồng cây lạc. Đây cũng là một loại cây dễ trồng, thời gian sinh trưởng từ 100 - 110 ngày, cây sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, thích ứng được với điều kiện thổ nhưỡng và trình độ canh tác của người dân địa phương. Sau gần 4 tháng trồng, năng suất đạt 120 kg/sào với giá trung bình 20.000 - 25.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nhân dân.
Nhờ có hai sản phẩm đặc trưng là bí đỏ và lạc nhân, năm 2021 vừa qua, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Kinh doanh tổng hợp Cổ Loa đã được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hàng và quyết định công nhận OCOP 3 sao cho hai sản phẩm trên.
Tạo điều kiện để các hợp tác xã phát triển
Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đánh giá, qua 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã 2012, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã Thủ đô đã có những chuyển biến tích cực. Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiếp tục tăng lên, các hợp tác xã, tổ hợp tác chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tổ chức, quy mô và nội dung hoạt động đa dạng.
Không chỉ phát triển nhanh về số lượng mà hiệu quả hoạt động của hợp tác xã cũng ngày càng được nâng cao, ngành nghề kinh doanh của hợp tác xã đa dạng hơn.
Hàng năm, Thành phố đã bố trí ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ hợp tác xã với nội dung bồi dưỡng đa dạng như: Kiến thức về luật, chuyên môn, nghiệp vụ, các kỹ năng. Qua đó, thành viên và người lao động trong các hợp tác xã hiểu rõ hơn về về vai trò, vị trí của hợp tác xã và quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia hợp tác xã. Ngoài ra, thành phố chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai đào tạo nghề, giải quyết việc cho người lao động”, ông Hải cho biết.
Các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết chuỗi |
Đặc biệt, thành phố xác định thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường giúp các hợp tác xã tìm kiếm đối tác, lưu thông hàng hóa.
Giai đoạn 2012 - 2022, Hà Nội đã hỗ trợ nhiều hợp tác xã tham gia Hội chợ thương mại quốc tế tại Hà Nội và các hội chợ tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước, hỗ trợ tổ chức các đoàn hợp tác xã đi tham quan mô hình điển hình tiên tiến, xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường ở trong và ngoài nước, thực hiện kết nối các hợp tác xã có nhu cầu cung ứng sản phẩm nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ liên doanh, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tiêu thụ sản phẩm.
Số lượng các hợp tác xã áp dụng khoa học, công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh ngày càng nhiều. Các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết chuỗi.
Hiện, nhiều hợp tác xã liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã cũng được nâng lên. Một số hợp tác xã có đội ngũ cán bộ tâm huyết, giàu kinh nghiệm, mạnh dạn áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, thành phố cũng tạo điều kiện, hỗ trợ các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với các chính sách về đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng, tiếp cận vốn và Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hay thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Đồng thời, Hà Nội cũng đã banh hành chính sách hỗ trợ hướng dẫn hợp tác xã ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ.