Nhiều mô hình, cách làm hay về công tác PCCC tại quận Hoàn Kiếm
Quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của Thủ đô, có nhiều trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành và thành phố, trụ sở các Đại sứ quán của nhiều nước trên thế giới. Với diện tích 5,4 km2, quận gồm 18 phường, trong đó có 10 phường phố cổ, 6 phường phố cũ và 2 phường nằm ở ngoài đê sông Hồng; Mật độ dân cư cao nhất thành phố khoảng 39.830 người/km2.
Hoàn Kiếm cũng là một trong những điểm du lịch thu hút du khách trong nước và quốc tế với nhiều sản phẩm du lịch đặc biệt được bảo tồn như các công trình Pháp cổ, nhà cổ, công trình di tích... Bình quân, mỗi năm trên địa bàn quận diễn ra hơn 400 sự kiện, chính trị, văn hóa, thể dục thể thao diễn ra trên địa bàn.
Đội Cảnh sát PCCC - Công an quận Hoàn Kiếm phối hợp với UBND, Công an phường Chương Dương, Công ty điện lực Hoàn Kiếm tổ chức kiểm tra công tác phòng cháy tại khu nhà gỗ |
Nhân rộng các điểm chữa cháy công cộng
Theo Thượng tá Hoàng Trung Kiên, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, với đặc điểm là khu phố cổ, khu phố cũ, ô bàn cờ nên phần lớn các công trình, nhà ở được xây dựng kiểu hình ống, nhỏ và hẹp. Nhiều hộ gia đình ở chung 1 số nhà; Khu tập thể đông hộ, nhà ở cũ và xuống cấp; Các tuyến phố chật hẹp, hạ tầng bị quá tải, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Vì vậy, công tác PCCC&CNCH luôn được lãnh đạo Quận uỷ, UBND quận, Ban Chỉ đạo 197 và Chỉ huy Công an quận quan tâm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo an toàn về PCCC.
Thời gian qua, Công an quận Hoàn Kiếm đã tham mưu UBND quận trong việc thực hiện các Nghị quyết, Chương trình của Chính phủ, Bộ Công an, Công an TP trong công tác PCCC và bảo vệ các kỳ cuộc diễn ra trên địa bàn. Công an quận cũng đã ban hành, triển khai thực hiện hàng trăm văn bản, kế hoạch về công tác PCCC&CNCH, xây dựng phong trào toàn dân PCCC.
Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Hoàn Kiếm tổ chức tuyên truyền lưu động trên các tuyến phố |
Lực lượng Cảnh sát PCCC của Công an quận đã phối hợp UBND các phường tổ chức hàng chục lớp tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật, kiến thức PCCC&CNCH cho người dân, hộ kinh doanh, giáo viên, học sinh trên địa bàn; Tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC đối với các hộ dân, cơ sở nhà trọ thuộc diện nguy hiểm cháy, nổ trên địa bàn quận…
Đánh giá tầm quan trọng về con người và phương tiện chữa cháy tại chỗ theo đặc thù khu dân cư của Hoàn Kiếm, Công an quận đã chủ động tham mưu UBND quận thí điểm lắp đặt các điểm chữa cháy công cộng trong các ngõ sâu. Đồng thời, Công an quận tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng dân phòng, tự quản, Công an phường và chính người dân sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy ban đầu; Đề ra các tình huống để huấn luyện, xử lý khi có cháy, nổ xảy ra.
UBND phường Hàng Buồm phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm triển khai tuyên truyền, vận động các hộ gia đình ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC, tháo dỡ, tạo lối thoát nạn, cửa dự phòng tại lồng sắt (chuồng cọp) của hộ gia đình |
Quá trình khảo sát, nhận thấy địa bàn phường Hàng Buồm có nhiều ngõ sâu, tập trung nhiều cơ sở, hộ kinh doanh chứa nhiều hàng hoá có nguy cơ cháy, nổ cao. Công an quận đã tham mưu UBND quận ban hành kế hoạch triển khai thí điểm lắp đặt phương tiện chữa cháy công cộng trong các ngõ sâu trên địa bàn phường Hàng Buồm.
Sau 1 tháng triển khai, đã trang bị được 134 bình chữa cháy cho 67/67 ngõ trên địa bàn phường (đạt 100%). Từ kết quả trên, Công an quận báo cáo UBND quận chỉ đạo nhân rộng mô hình ra toàn quận. Đến nay, toàn quận đã trang bị được 1.013 điểm phương tiện chữa cháy công cộng cho 875 ngõ sâu với 2.026 bình chữa cháy và đã bàn giao đến từng tổ dân phố, Nhân dân tự bảo quản và sử dụng khi cần thiết.
Phường Chương Dương phối hợp Đội Cảnh sát PCCC quận Hoàn Kiếm tặng bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn |
Hộ gia đình an toàn PCCC theo phương châm bốn tại chỗ
Trước tình hình cháy, nổ phức tạp tại các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh làm chết nhiều người trên địa bàn cả nước; Nguyên nhân chủ yếu do ý thức của người dân còn chủ quan, chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC. Nhà ở hình ống, không có lối thoát nạn thứ 2, không trang bị bình chữa cháy, không đáp ứng được chủ trương "Bốn tại chỗ", dẫn đến khi xảy ra cháy không xử lý kịp thời, gây hậu quả nghiêm trọng.
Qua công tác điều tra cơ bản, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có 26.364 hộ gia đình, trong đó có 2.333 hộ có lắp đặt lồng sắt, chuồng cọp tại ban công. Công an quận tham mưu UBND quận ban hành Kế hoạch số 103 ngày 8/4/2021 về việc thí điểm mô hình “Khu tập thể, Nhà đông hộ an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” trên địa bàn phường Hàng Bài.
Hướng dẫn cách sử dụng bình cứu hoá khi xảy ra cháy nổ |
Đoàn Thanh niên Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hoàn Kiếm tổ chức tuyên, hướng dẫn khi có tình huống cháy nổ cho giáo viên, học sinh bằng hình thức trực tuyến trong thời gian dịch bệnh Covid-19 |
Sau 1 tháng tuyên truyền vận động, có 224/224 hộ gia đình đã tạo lối thoát nạn tại vị trí lồng sắt, chuồng cọp (đạt 100%); 889/889 hộ dân đã tự trang bị bình chữa cháy (trong đó có 26 hộ có hoàn cảnh khó khăn được UBND phường Hàng Bài trang cấp mỗi hộ 1 bình chữa cháy nhờ sự ủng hộ từ các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể trên địa bàn phường). Công an quận đã tổ chức tập huấn cách sử dụng bình chữa cháy đến từng người dân. Qua đợt triển khai trên, đông đảo quần chúng Nhân dân đã ý thức được rõ trách nhiệm trong công tác PCCC và thấy việc làm này là cần thiết, hữu ích nên rất đồng tình ủng hộ.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình này, Công an quận đã tham mưu UBND quận phát triển mô hình trên thành mô hình “Hộ gia đình an toàn PCCC theo phương châm bốn tại chỗ” và nhân rộng ra toàn quận với tiêu chí: “100% hộ dân được kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC; 100% hộ dân tạo lối thoát nạn tại các vị trí lắp lồng sắt, chuồng cọp và có phương tiện PCCC phù hợp với gia đình (bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, thang dây thoát nạn...)”.
Tới nay đã vận động 1.538/2.332 hộ tạo lối thoát nạn tại lồng sắt, chuồng cọp (đạt tỉ lệ 65,95%); 10.832/26.364 hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy (Đạt tỉ lệ 41,09%). Phấn đấu đến hết 31/12/2021, 100% các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có lồng sắt, chuồng cọp đều được tháo dỡ hoặc mở cửa; 100% các hộ gia đình trên địa bàn tự trang bị bình chữa cháy.
Các em học sinh thích thú với các phương pháp tuyên truyền trực tuyến của các cô chú Cảnh sát PCCC |
Từ sự chủ động, quyết liệt triển khai công tác PCCC trên địa bàn trong những năm trở lại đây, số lượng các vụ cháy xảy ra trên địa bàn quận giảm theo từng năm, tỷ lệ số vụ cháy do lực lượng tại chỗ tự dập tắt ngày càng cao. Cụ thể: Năm 2019, Công an quận nhận 87 tin báo cháy, lực lượng tại chỗ tự xử lý 37/87 vụ; Năm 2020 nhận 48 tin báo cháy, lực lượng tại chỗ tự xử lý 25/48 vụ. Từ đầu năm 2021 đến nay nhận 16 tin báo cháy, lực lượng tại chỗ tự xử lý 11/16 vụ (chiếm 68,75%, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản).
Kết quả này cũng khẳng định những mô hình, cách làm trên đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền cơ sở; Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong toàn dân, các cơ quan, công sở về công tác PCCC trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.