Nhiều nạn nhân tiếp tục “sập bẫy” tội phạm lừa đảo công nghệ cao
Cung cấp ứng dụng giả mạo dịch vụ công
Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) vừa cho biết, Cơ quan CSĐT Công an thị xã đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền 600 triệu đồng liên quan đến việc một người phụ nữ nhận cuộc gọi thông báo cập nhật dữ liệu dân cư.
Theo đó, ngày 26/12/2023, chị T (SN 1984; trú tại thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) nhận được cuộc gọi của số điện thoại lạ tự xưng là cán bộ Công an thị xã Sơn Tây thông báo chị T chưa đồng bộ dữ liệu dân cư cần cập nhật trong hệ thống.
Các đối tượng hướng dẫn chị cập nhật thông tin mà không cần tới trụ sở và gửi link truy cập, chụp căn cước công dân (CCCD), gọi video call để nhận diện khuôn mặt. Đến ngày 27/12/2023, chị T phát hiện tài khoản ngân hàng bị trừ 600 triệu đồng. Lúc này, chị T mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.
Công an huyện Thạch Thất đã xây dựng infographic với cách trình bày ngắn gọn xúc tích, dễ hiểu kèm theo minh họa bắt mắt để người dân dễ dàng tiếp cận nội dung cảnh báo lừa đảo |
Trước đó, Công an TP Hà Nội cho biết, riêng trong tháng 1/2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP đã tiếp nhận đơn trình báo của nhiều bị hại với tổng số tiền hàng chục tỉ đồng. Cụ thể như trường hợp của anh V, trú tại Long Biên, Hà Nội sau khi truy cập đường dẫn do “cán bộ công an phường giả mạo” cung cấp, tải ứng dụng giả mạo dịch vụ công để “bốc số thứ tự trước, không phải chờ khi lên quận làm thủ tục”, anh V đã bị chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng trong 3 giao dịch chuyển tiền.
Giống như anh V, chị A, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội được một người đàn ông gọi điện xưng là “cán bộ công an quận Hai Bà Trưng” yêu cầu 10h sáng lên Công an quận cập nhật thông tin bằng lái xe. Do chị A bận nên được “cán bộ Công an quận giả mạo” hướng dẫn cập nhật qua mạng. Sau khi tải ứng dụng dịch vụ công giả mạo do đối tượng cung cấp, chị A bị chúng chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.
Không chỉ bị “sập bẫy” những thủ đoạn lừa đảo mới tinh vi, ngay cả thủ đoạn cũ đã được cơ quan chức năng tuyên truyền cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn có người tưởng thật. Ngày 20/1/2024, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Công an xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) vừa ngăn chặn vụ giả mạo cán bộ Công an TP Hà Nội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lực lượng Công an kịp thời phối hợp ngăn chặn nạn nhân “sập bẫy” lừa đảo |
Cụ thể, trưa 19/1/2024, Công an xã Kim Hoa nhận được thông tin phản ánh về việc ông Phan Thanh Sơn, sinh năm 1961, trú tại thôn Bình Thuỷ, xã Kim Hoa bị một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an TP Hà Nội sử dụng đầu số thuê bao lạ gọi điện thông báo việc ông Sơn có liên quan đến hành vi phạm tội hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và đường dây bắt cóc trẻ em, đã có 2 lệnh bắt ông Sơn để điều tra.
Đối tượng gọi điện yêu cầu ông Sơn phải mang toàn bộ giấy tờ tuỳ thân, giấy tờ nhà đất, điện thoại và sổ tiết kiệm có 45 triệu đồng ra thuê phòng trọ để các đối tượng tiếp tục làm việc với ông Sơn về việc cung cấp thông tin của các giấy tờ nói trên. Trước sự đe doạ của đối tượng, ông Sơn tỏ ra lo sợ và đã thực hiện theo yêu cầu.
Quá trình ông Sơn mang giấy tờ và sổ tiết kiệm đi thuê phòng nghỉ, Công an xã đã phối hợp với người nhà đưa ông Sơn về trụ sở để làm việc. Được sự giải thích của cán bộ Công an, ông Sơn đã hiểu rõ đó là thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Những tin nhắn giả mạo nhằm tiếp tục lừa đảo nạn nhân trong các vụ lừa đảo trước đó |
Theo Công an TP Hà Nội, ngoài thủ đoạn nêu trên, thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều tài khoản giả mạo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao hoặc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an để hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng.
Đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng đã giả danh cán bộ An ninh mạng để hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo. Với lời giới thiệu sẽ hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa với thủ tục nhanh chóng, hiệu quả, thủ tục đơn giản, cam kết lấy lại được tiền.
Thay vì đến cơ quan Công an trình báo, người bị lừa lại lên mạng xã hội để nhờ các đối tượng giả danh cán bộ An ninh mạng hỗ trợ lấy lại tiền. Lúc này, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân đóng phí để hỗ trợ hoặc làm nhiệm vụ để rút tiền treo trên hệ thống. Khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về và tiếp tục moi nạn nhân đóng tiếp đến khi hết khả năng. Với thủ đoạn này, nhiều nạn nhân đã bị lừa nay lại tiếp tục “sập bẫy” các đối tượng mạo danh là cán bộ An ninh mạng.
Người dân cần nâng cao cảnh giác
Theo lãnh đạo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội, thủ đoạn của những đối tượng là tạo ra những ứng dụng có giao diện giống với ứng dụng Cổng dịch vụ công. Sau đó, để tạo uy tín thực hiện hành vi lừa đảo, chúng giả danh là cán bộ Công an phường/Công an quận thông báo: Căn cước công dân chưa được đồng bộ dữ liệu đất đai thành công, chưa cập nhật thông tin thẻ bảo hiểm y tế, cập nhật thông tin bằng lái xe chưa thành công,… và hướng dẫn cập nhật qua mạng vì: Công an quận phải hoàn thành công việc ngay trong ngày, cập nhật trực tiếp trên ứng dụng được, cài phần mềm để lấy số thứ tự nhanh không phải chờ đợi,…
Các đối tượng sẽ dẫn dắt người dân cài đặt ứng dụng giả mạo về điện thoại hoặc truy cập vào đường link cài đặt ứng dụng giả mạo gần giống với Cổng dịch vụ công. Mã độc sẽ song song được tải về điện thoại, cho phép đối tượng truy cập vào thiết bị để hoạt động truy cập dữ liệu, chụp ảnh màn hình, đọc tin nhắn, đặc biệt là quyền trợ năng để chiếm quyền điều khiển điện thoại.
Chiếm được quyền điều khiển điện thoại, các đối tượng lấy cắp mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng và mã OTP giao dịch, thực hiện các lệnh chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản. Tinh vi hơn, chúng thường nhằm vào những người cao tuổi ít am hiểu về công nghệ để thực hiện hành vi lừa đảo.
Một số thủ đoạn điển hình đã được cơ quan chức năng thống kê |
Trong tháng 1/2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận đơn trình báo của 6 bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt gần 20,6 tỷ; bị hại bị chiếm đoạt nhiều nhất 15,3 tỷ đồng; ít nhất là 252 triệu đồng.
Để tránh trở thành nạn nhân của chiêu lừa đảo sử dụng ứng dụng dịch vụ công giả mạo, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác trước các cuộc gọi lạ, tin nhắn có liên quan tới cán bộ của các cơ quan chức năng. Không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân và cũng không làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại. Đồng thời, liên hệ với các cơ quan chức năng, có thẩm quyền để xác minh về người gọi điện.
Cảnh giác với những yêu cầu cài đặt phần mềm. Tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc file Apk. Khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, người dùng cũng nên đọc kỹ thông tin, đừng vội đồng ý tất cả các điều khoản. Chỉ truy cập, tải và cài đặt ứng dụng chính thức thông qua Google Play và Apple Store, kiểm tra thông tin tác giả (nhà phát triển).
Nên sử dụng những phương thức bảo vệ tài khoản sinh trắc học như vân tay, nhận diện khuôn mặt... để đăng nhập ứng dụng ngân hàng và các ứng dụng thanh toán khác. Không lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng của điện thoại.