Nhiều tiện ích trong chăm sóc sức khỏe người dân Thủ đô
Nhận thức được tầm quan trọng bao trùm của Đề án 06 vừa là nền tảng cốt lõi vừa là động lực tạo đột phá trong công tác chuyển đổi số toàn diện, hiệu lực hiệu quả, Thành ủy, HĐND, UBND đã tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai Đề án 06 Chính phủ trên địa bàn thành phố.
Tại Hà Nội, hàng loạt các tiện ích số được triển khai, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, đem lại nhiều lợi ích trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Y tế dự Hội nghị của Thành phố Hà Nội sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án 06; đánh giá kết quả thí điểm lập Hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trên địa bàn thành phố (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Thực hiện nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 185/NQ-CP trong đó giao UBND Thành phố Hà Nội và Bộ Y tế, Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ thực hiện thí điểm xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử, triển khai thí điểm trên địa bàn thành phố đồng thời thực hiện việc hiển thị thông tin sức khỏe người dân trên ứng dụng VneiD từ ngày 1/7/2024.
Đến thời điểm hiện tại, thành phố đã hoàn thành các nhiệm vụ theo yêu cầu đề ra, đảm bảo đúng thời hạn theo kế hoạch đề ra.
Đánh giá cao những thành công của Hà Nội trong việc triển khai Đề án 06 của Chính Phủ, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Thành phố Hà Nội đã chọn lĩnh vực y tế là một trong những lĩnh vực được tập trung triển khai Đề án 06 Chính phủ ngay từ đầu.
Đây là một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân và được lãnh đạo TP rất quan tâm, quyết tâm triển khai thực hiện một cách nhanh nhất, phục vụ thuận tiện nhất trong việc chăm sóc sức khoẻ người dân Thủ đô.
Nhận thức Đề án 06 góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá trong chuyển đổi số quốc gia, Bộ Y tế đã tích cực phối hợp cùng các bộ ban ngành và TP Hà Nội và các đơn vị liên quan triển khai tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID thí điểm tại thành phố Hà Nội.
Trong đó, Bộ Y tế đã hỗ trợ việc thiết lập hồ sơ sức khỏe thông qua ban hành văn bản, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở khám chữa bệnh chuyển dữ liệu về Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chia sẻ dữ liệu cho thành phố Hà Nội.
Sau thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, tháng 10/2023, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4026/QĐ-BYT quy định các trường thông tin sức khỏe cá nhân hiển thị ứng dụng VNeID thí điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội, gồm 48 trường thông tin; đồng thời tích cực phối hợp hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
"Trên cơ sở những kinh nghiệm này, quá trình phối hợp với UBND TP Hà Nội chúng tôi cũng đã rút kinh nghiệm để triển khai thí điểm sổ sức khoẻ điện tử tại Hà Nội. Từ những thành công của TP Hà Nội, để triển khai rộng rãi trên toàn quốc, ngày 21/5/2024, Bộ Y tế đã ban hành Sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VneID tại Quyết định số 1332/QĐ-BYT.
Văn bản này tạo hành lang pháp lý, hướng dẫn cụ thể các các địa phương triển khai Sổ sức khoẻ điện tử tích hợp trên VneID, trong đó có quy định 46 trường thông tin và nội dung thông tin hiển thị trên Sổ.
Đến nay, Bộ Y tế phối hợp Bộ Công an và các địa phương, đơn vị liên quan đang mở rộng hỗ trợ các địa phương khác triển khai thiết lập và quản lý Hồ sơ sức khỏe, bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ngãi.... tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng Sổ Sức khoẻ Điện tử trên VNeID trong chuyển tuyến khám chữa bệnh, dự kiến liên thông dữ liệu chẩn đoán hình ảnh trong chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Công an, UBND TP Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, tháo gỡ các khó khăn, ban hành các hướng dẫn cụ thể về tạo lập, liên thông, khai thác dữ liệu, triển khai rộng rãi Hồ sơ sức khoẻ điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID trên phạm vi toàn quốc", Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Một trong những bài học chúng tôi thấy Hà Nội đã triển khai thành công đó là sự chỉ đạo rất quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo UBND TP Hà Nội, sự cố gắng của các cơ quan, ban, ngành, sự hỗ trợ đặc biệt của Bộ Công an, các bộ, ban, ngành để triển khai nhiệm vụ này. Thời gian tới để triển khai trên toàn quốc, chúng tôi mong muốn đề án được nhân rộng trên toàn quốc và phục vụ tốt hơn cho công tác của ngành y tế trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ y tế Đào Hồng Lan, cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội thực hiện nghi thức kích hoạt vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong đó có nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố Hà Nội (EHR - Electric Health Record).
Đây là bản tin học hóa của hồ sơ sức khỏe được lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ bằng phương tiện điện tử.
Hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố Hà Nội ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người dân sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội từ lúc sinh ra cho đến mất đi theo mẫu quy định của Bộ Y tế.
Mỗi người dân Hà Nội có một hồ sơ sức khỏe điện tử được theo dõi và lưu trữ suốt đời, quản lý toàn bộ xuyên suốt các hoạt động liên quan đến sức khỏe người dân; hồ sơ sức khỏe điện tử được bảo mật, chỉ có những người có liên quan được tiếp cận thông tin; người dân có quyền quyết định chia sẻ hay không chia sẻ các thông tin cá nhân trong hồ sơ sức khỏe
Từ Hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố Hà Nội, người dân sinh sống trên địa bàn thành phố có thể quản lý sức khỏe cá nhân của bản thân và gia đình trên Sổ sức khỏe điện tử (PHR- Personal Health Record) được chia sẻ trên ứng dụng iHanoi hướng tới phục vụ hỗ trợ người dân trong quá trình thăm khám, điều trị và dự phòng bệnh.