Những bước tiến lớn trong ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Hải quan
Ngành Hải quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quyết tâm triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến |
100% đơn vị Hải quan triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Theo Tổng cục Hải quan, thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Kế hoạch triển khai dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chính thức triển khai Hệ thống dịch vụ công trực tuyến từ năm 2017. Các thủ tục hành chính hiện nay đang được ngành Hải quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên các hệ thống gồm: Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS); Hệ thống dịch vụ công trực tuyến HQ36a; Cổng thanh toán điện tử; Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Về thực hiện DVCTT nói chung, đến nay toàn ngành hải quan đã cung cấp 198/219 DVCTT mức độ 3 và 4 (chiếm 90,4%, bao gồm 70 DVCTT kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia). Trong đó có 192 thủ tục trong lĩnh vực hải quan đã được cung cấp DVCTT ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 87,6%).
Các thủ tục hành chính cốt lõi như thông quan hàng hóa, thu thuế xuất nhập khẩu đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là mức độ cao nhất theo phân loại của Bộ Thông tin truyền thông. Ngoài ra, Cổng thông tin điện tử Hải quan cũng đã cung cấp nhiều dịch vụ trực tuyến khác để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục hải quan.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, năm 2014, lần đầu tiên Hải quan Việt Nam sử dụng hệ thống hải quan tự động. Cho đến thời điểm hiện tại, tất cả các thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động thông qua thông quan tự động tại tất cả các đơn vị Hải quan trên phạm vi toàn quốc với hơn 99% doanh nghiệp tham gia. Hệ thống này cũng xử lý hơn 99,6% tờ khai và thời gian tiếp nhận, xử lý, trả kết quả trong thời gian chỉ từ 1-3 giây.
Nhờ hệ thống thông quan tự động, thời gian thông quan những lô hàng xuất khẩu giảm 3 giờ, và giảm 6 giờ với lô hàng nhập khẩu. Với khoảng 11- 12 triệu tờ khai/năm, hệ thống thông quan điện tử đã giúp tiết kiệm khoảng 200 triệu USD. Hiện nay, đã có hơn 98% thuế, phí, lệ phí với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện bằng phương thức điện tử tiên tiến.
Nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 là hình thức nộp tiền thuế và các khoản phải nộp khác qua ngân hàng thương mại phối hợp thu với Tổng cục Hải quan thông qua Cổng thanh toán điện tử Hải quan.
Năm 2019 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã tiếp tục xây dựng và triển khai đề án "Chương trình nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu". Đề án được nâng cấp trên nền tảng Hệ thống nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu có số lượng lớn tờ khai phải nộp tiền thuế, có đủ năng lực tài chính.
Hiện nay, đã có 43 ngân hàng phối hợp thu với Tổng cục Hải quan, 29 ngân hàng triển khai kết nối 24/7, 6 ngân hàng triển khai chương trình doanh nghiệp nhờ thu. Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong tương lai, hệ thống này sẽ phục vụ thanh toán bằng phương thức điện tử không chỉ giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước mà còn cả thanh toán điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp tham gia Cơ chế một cửa quốc gia.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa ngành Hải quan
Nhận thức việc tiếp cận những công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là chìa khóa để tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa hải quan, Tổng cục Hải quan cũng đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Có thể thấy, những kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian qua đã trở thành động lực để xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu cải cách hiện đại hóa hải quan và tạo thuận lợi thương mại, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử.
Với mục tiêu triển khai kiến trúc chính phủ điện tử ngành Hải quan và ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của Hệ thống công nghệ thông tin hiện tại, Tổng cục Hải quan đang tập trung nguồn lực thực hiện tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin tổng thể của Ngành Hải quan.
Việc tái thiết sẽ giúp xây dựng hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới nhất về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, hướng tới Hải quan số, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh. Đồng thời quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối.
Tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin sẽ giúp ngành Hải quan có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây sẽ là động lực vô cùng quan trọng đối với xây dựng Chính phủ điện tử ngành Hải quan trong thời gian tới.
Đứng trước đòi hỏi tình hình phát triển mới, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hải quan, đồng thời thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Tổng cục Hải quan tiếp tục xây dựng, phát triển kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Hải quan, tham gia xây dựng hệ sinh thái tài chính số; Chủ động nghiên cứu và từng bước ứng dụng các thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong công tác quản lý nhà nước về hải quan như: Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Bigdata), Phân tích thông minh (BI), Di động (Mobility), Chuỗi khối (Blockchain), Ảo hóa (Cloud) và Trí tuệ nhân tạo (AI)…
Đặc biệt, dự kiến trong năm nay, Tổng cục Hải quan cũng sẽ triển khai tích hợp 60 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với Cổng dịch vụ công quốc gia.
* “Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |