Những chiến sĩ Biên phòng yêu nghề sư phạm
Thượng úy Lê Văn Cường – Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Cảng Bến Lức (Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An) giữ chức vụ Đội trưởng Đội Tổng hợp Đảm bảo, trực tiếp giảng dạy lớp học tình thương từ tháng 11/2015. Ngoài dạy văn hóa, thầy giáo quân hàm xanh còn trang bị cho các em kỹ năng sống, không sa vào các tệ nạn xã hội...
Anh Cường kể, từ khi còn là học sinh, anh đã có mơ ước lớn lên sẽ được khoác lên mình màu xanh áo lính, phục vụ trong quân ngũ. Qua quá trình cố gắng phấn đấu, nỗ lực, anh đã trúng tuyển vào Học viện Biên phòng và ra trường nhận nhiệm vụ công tác tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị - quê anh. Sau một năm, chiến sĩ trẻ viết đơn tình nguyện và nhận công tác tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Bến Lức (tỉnh Long An). Cũng từ đây, anh “bén duyên” với lớp học tình thương, hiện có 22 học sinh.
Thượng úy Lê Văn Cường nhớ lại: “Ngày đầu, tôi đứng trước lớp rất run và luống cuống không biết phải làm thế nào vì chưa bao giờ cầm phấn dạy học và cũng chưa từng nghĩ đến việc trở thành thầy giáo. Tôi xác định đây là nhiệm vụ cũng là vinh dự của người chiến sĩ biên phòng mang con chữ cho trẻ em. Vì vậy, hằng ngày, sau thời gian làm chuyên môn, tôi tự mày mò, tìm kiếm trên internet rồi tìm hiểu qua các giáo viên để học cách truyền đạt, làm thế nào mới giảng dạy hiệu quả cho các em”.
Các chiến sĩ Biên phòng được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2017
Các em nhỏ đến đây học xuất phát từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, chủ yếu là con công nhân các tỉnh miền Tây lên sinh sống, làm ăn, bố mẹ, anh chị làm công nhân. Các em hằng ngày đi bán vé số, phụ bán hàng ở chợ…, cuộc sống rất tạm bợ và khó khăn. Trước tình hình ấy, anh Cường luôn động viên các em đến lớp, gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ với bố mẹ các em, nói cho gia đình các em hiểu kiến thức quan trọng đến thế nào và tạo điều kiện hết mức cho các em đến lớp.
Thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phát động, Đại úy Phạm Trần Duy (Đồn Biên phòng Xín Mần, tỉnh Hà Giang)đã tham mưu cho cấp trên và chính quyền địa phương, tổ chức rà soát lựa chọn 4 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó, học giỏi để đơn vị nhận hỗ trợ, đỡ đầu.
Hiện nay, Đồn Biên phòng Xín Mần nhận nuôi hai em nhỏ, trong đó có em Vàng Củi Vu, hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha từ nhỏ, lên 4 tuổi, người mẹ bỏ đi Trung Quốc lấy chồng. Đại úy Phạm Trần Duy được giao nhiệm vụ trực tiếp nuôi dưỡng em. Với anh, đây là thứ tình cảm quý giá giữa con người với nhau và hạnh phúc hơn khi được học trò quý mến gọi bằng cha.
Anh Duy kèm cặp các em nhỏ từ lời ăn, tiếng nói, công việc hàng ngày như: đánh răng, rửa mặt, vệ sinh, giặt giũ quần áo, cách gấp chăn màn, rồi đưa đón các em đi học, cũng như kiến thức văn hóa... Sau thời gian ngắn về với đơn vị, các em đã coi anh Duy như người cha đẻ và ngày càng gần gũi với anh. Do đó việc giáo dục, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em ngày càng dễ dàng hơn.
“Qua hai năm ở cùng chúng tôi, các cháu đều phát triển tốt về thể lực, tinh thần. Với các cháu, đơn vị như là nhà, chiến sĩ biên phòng trong đơn vị như người cha, người chú, người anh; kết quả học tập cũng nâng lên rõ rệt, được cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban Giám hiệu nhà trường đánh giá cao”, anh Duy chia sẻ.
Dạy học cho trẻ em xóm Việt kiều Campuchia ở Hưng Điền A, Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, Thiếu tá Nguyễn Văn Chính (Đồn Biên phòng Bến Phố) đã làm tròn hai vai. Anh vừa dạy tiếng mẹ đẻ cho các em, vừa dạy xóa mù chữ và những bài học kỹ năng sống cho trò nghèo vùng biên giới.
Tốt nghiệp ra trường, anh được điều động về công tác tại Đồn Biên phòng Bến Phố, Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An, giữ chức vụ Phó đội trưởng đội Vận động quần chúng. Canh cánh với ý nghĩ mang đến cho các em học sinh Việt Kiều không có điều kiện đi học chữ, anh Chính đã tham mưu chỉ huy Đồn mở lớp học đóng tại điểm trường Tiểu học Ấp 2, xã Hưng Điền A, Long An.
Lớp học đi vào hoạt động, Thiếu tá Nguyễn Văn Chính đã phối hợp cùng Ban Giám hiệu nhà trường đến từng nhà vận động các em đến lớp học tình thương đều được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hàng năm tỉ lệ học sinh đến lớp ngày một tăng lên. Điều đặc biệt ở lớp học là không chỉ xóa mù chữ, Thiếu tá Nguyễn Văn Chính vừa dạy tiếng mẹ đẻ, bởi đa số học sinh mặc dù là người Việt Nam nhưng được sinh ra và lớn lên tại Campuchia ở nhiều độ tuổi khác nhau, nên công tác giảng dạy gặp không ít khó khăn.
Là thầy giáo không chuyên nên thầy Chính dạy các em bằng tình thương. Anh luôn coi học trò như em ruột của mình. Hàng ngày, hành trình cứ lặp đi, lặp lại và phải mất đến nửa năm, các em mới có thể nhận biết mặt chữ, gọi tên đồ vật bằng tiếng Việt. Có những bài tập đọc, viết theo chương trình lớp 1 bình thường cũng phải mất đến vài ngày các em mới nắm bắt được. Trước sự nhiệt tình của thầy giáo mang quân hàm xanh, tất cả các em đều học tập say mê, hào hứng…