Những giải pháp cải thiện ô nhiễm môi trường biển
Các bạn trẻ dọn dẹp rác thải tại bờ biển (Ảnh: Trí Nhân) |
Tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển
Vấn đề ô nhiễm môi trường biển hiện đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của toàn thế giới. Khai thác tài nguyên luôn luôn phải đi kèm với vấn đề bảo vệ môi trường biển.
Ngày 21/8, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã ký Quyết định số 1855/QĐ-BTNMT về ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Kế hoạch bao gồm 5 nội dung trọng tâm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; Thu gom, phân loại, xử lý và kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn; Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương; Rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương; Tổ chức triển khai, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg.
Để phát triển tài nguyên và môi trường biển, hải đảo theo hướng thống nhất và bền vững cần một số giải pháp cơ bản, trong đó giải pháp đầu tiên là cần tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển, ven biển và hải đảo. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các địa phương thực hiện có hiệu quả phong trào “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy”; kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến trong phong trào giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; Tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động áp dụng mô hình 5R trong vận hành, sản xuất dịch vụ, cuộc sống thường ngày để giảm thiểu, hạn chế, nói không với rác thải nhựa (5R - Renew, Refuse, Reduce, Reuse, Recycle) tới các đơn vị, tổ chức, cơ quan quản lý, doanh nghiệp trong các ngành kinh tế ven biển và thuần biển; Xây dựng và thực hiện các hoạt động, phát động phong trào khởi nghiệp, các sáng kiến xanh về tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường nhằm thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh…
Hiện một số địa phương đã tổ chức tốt các chương trình huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng như chiến dịch “Hãy làm sạch biển” của tỉnh Quảng Ninh hay chiến dịch “Hành động địa phương, tác động toàn cầu” ở Nghệ An. Mỗi năm, Thanh Hóa cũng đều phát động Lễ ra quân “Hãy làm sạch biển”... Tuy nhiên, để bảo vệ môi trường biển, những chương trình hoạt động nói trên cần phải được tiến hành thường xuyên, bền bỉ để tạo hiệu ứng lan tỏa lâu dài, giúp người dân có sự thay đổi nhận thức sâu sắc và lựa chọn hành động đúng.
Các bạn trẻ dọn dẹp rác thải tại bờ biển (Ảnh: Trí Nhân) |
Huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng
Hiện ở nước ta, các quy định về xử phạt tổ chức, công ty, cá nhân gây tác hại đến môi trường chưa mang tính triệt để cao còn tồn tại nhiều bất cập, có nhiều khác biệt và chồng chéo, một số hành vi vi phạm pháp luật về môi trường còn chưa được nhắc đến hay các vi phạm đã cố gắng chi tiết hóa nhưng chưa thật sự đầy đủ, toàn diện.
Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm sự hài hòa quyền lợi, lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên để phát triển kinh tế biển với nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ môi trường biển; Tăng cường giám sát, rà soát và quản lý các nguồn thải gây ô nhiễm ra môi trường biển; đầu tư, thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tại các địa phương…
Bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân và các tổ chức, chúng ta cần xây dựng và áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường biển, ven biển, hải đảo. Cụ thể: Lệ phí gây ô nhiễm, lệ phí sử dụng biển, lệ phí xả thải, cấp và thu hồi giấy phép khai thác sử dụng biển, ven biển, hải đảo, quỹ môi trường…
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng Nguyễn Thu Huệ, muốn bảo vệ môi trường biển phải phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng, chú trọng đến việc xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, đề cao các sáng kiến phát huy tri thức bản địa và kinh nghiệm quốc tế. Cùng với đó, các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan, đoàn thể các địa phương cũng phải cải thiện tình trạng suy thoái nguồn tài nguyên biển, bảo tồn đa dạng sinh học; Sử dụng một cách hợp lý các tài nguyên, trình độ khai thác tài nguyên biển của nước ta vẫn đang ở tình trạng lạc hậu hơn hẳn so với các nước trong khu vực và trên thế giới nên dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên, hiệu quả kinh tế chưa cao. Vì vậy, cần phải nâng cao ý thức và hành động của con người trong việc sử dụng, khai thác tài nguyên biển, ven biển và hải đảo. Đồng thời, phát huy nội lực và tăng cường hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Như lời PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, yếu tố con người đóng vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy quá trình liên kết vùng nhanh hơn, đúng hướng hơn. Đó là chính sách ưu tiên phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, trước hết phải đầu tư mạng lưới giao thông và bảo vệ môi trường hợp lý, thích ứng. Nếu hạ tầng đi trước một bước và làm tốt thì quy hoạch phát triển trên nền tảng hạ tầng đó có thể giải quyết được các vấn đề môi trường, bao gồm ô nhiễm ngay từ giai đoạn sớm của phát triển.
Mỗi cá nhân, tổ chức nâng cao ý thức trách nhiệm, không xả rác bừa bãi, không xả thải chưa qua xử lý… sẽ góp phần giữ gìn cho vùng biển, ven biển, hải đảo xanh, sạch, đẹp. Nguồn tài nguyên biển sẽ hồi sinh, đời sống của ngư dân được đảm bảo, du lịch phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế. Có như thế, các vùng biển của chúng ta sẽ luôn là điểm đến tuyệt vời cho tất cả du khách trong và ngoài nước.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |