Những kết quả nổi bật sau 6 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT
Tỷ lệ tham gia BHYT đạt hơn 90%
Theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện, mọi đối tượng được quy định trong Luật này đều có trách nhiệm tham gia BHYT. Có thể khẳng định việc tham gia BHYT vừa là quyền và cũng là nghĩa vụ của mọi công dân Việt Nam.
Số người tham gia BHYT tăng trưởng ấn tượng qua các năm, so với năm 2015 số người tham gia BHYT năm 2016 tăng nhiều nhất tới 11%, năm 2015 và 2017 mỗi năm tăng 6-7%, giai đoạn 2018-2020 duy trì mức tăng trên dưới 3% mỗi năm.
TS. Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam |
Tính đến ngày 31/12/2020, số người tham gia BHYT là 87,97 triệu người, tăng 23,37 triệu người so với năm 2014 (tương ứng tăng 36%), đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 90,85% dân số, vượt 0,15% so với chỉ tiêu BHYT của Thủ tướng Chính phủ giao; về đích trước thời hạn 4 năm theo mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, theo đó mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ bao phủ BHYT ở nước ta là 80%. Đây là tiền đề để cả nước phấn đấu sớm đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 95% dân số tham gia BHYT, đến năm 2030 tỷ lệ tham gia BHYT là trên 95%.
Hiện nay, cả nước còn khoảng 10% dân số còn lại chưa tham gia BHYT chủ yếu rơi vào nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng và một phần của nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng.
Quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo theo Luật định
Theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo theo Luật định.Theo đó, người tham gia BHYT có thể lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến huyện, tuyến xã phù hợp với nơi cư trú hoặc nơi làm việc, các quy định về khám chữa bệnh BHYT trái tuyến nhưng được hưởng quyền lợi như đúng tuyến, cũng như việc cải cách thủ tục hành chính, sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh trên ứng dụng VssID - BHXH số,… đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT trong tiếp cận dịch vụ y tế do giảm thủ tục hành chính mỗi khi người bệnh phải chuyển tuyến, góp phần thuận lợi cho việc tiếp cận các dịch vụ y tế của người có thẻ BHYT.
Cùng với đó, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung cũng đảm bảo quỹ BHYT chi trả từ các dịch vụ khám chữa bệnh cơ bản đến các dịch vụ kĩ thuật cao, chi phí lớn. Theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 39/2017/TT-BYT quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở do quỹ BHYT chi trả gồm 76 dịch vụ kĩ thuật khám chữa bệnh và 241 hoạt chất/thuốc được cung ứng tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám bác sĩ gia đình, trạm y tế quân dân y và phòng khám quân dân y.
Quỹ BHYT chi trả từ các dịch vụ khám chữa bệnh cơ bản đến các dịch vụ kĩ thuật cao, chi phí lớn |
Đây là những dịch vụ y tế cơ bản nhất để đảm bảo cung ứng, thực hiện khám chữa bệnh cho người dân tại cộng đồng nhưng thực tế số dịch vụ kĩ thuật được phân tuyến thực hiện tại tuyến xã lên đến hơn 1.000 dịch vụ, số hoạt chất thuốc được quy định sử dụng tại tuyến xã là hơn 300. Đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương thì có đến hơn 9.000 dịch vụ kĩ thuật được phân tuyến thực hiện đã có quy định mức giá thanh toán BHYT và hơn 1.000 hoạt chất/thuốc được phép thanh toán theo chế độ BHYT
Trong 5 năm kể từ khi thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, quỹ BHYT đã chi trả trên 130 nghìn tỷ cho các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, phẫu thuật thủ thuật, phục hồi chức năng, y học cổ truyền; chi hơn 151 nghìn tỷ tiền thuốc và gần 25 nghìn tỷ cho các loại vật tư y tế tính ngoài giá dịch vụ từ dây truyền, bơm kim tiêm đến các vật tư y tế hiện đại như giá đỡ động mạch vành (stent), van tim nhân tạo, máy tạo nhịp tim… Chi phí chi cho nhóm DVKT của năm 2019 tăng 1,8 lần; của nhóm thuốc tăng 1,4 lần và của nhóm vật tư y tế tăng gấp 3 lần so với năm 2015.
Trong 5 năm qua, quyền và lợi ích của người tham gia BHYT luôn được đảm bảo một cách tối ưu nhất. Kể từ năm 2016 đến nay, số chi khám chữa bệnh BHYT thường xuyên cao hơn quỹ khám chữa bệnh BHYT được sử dụng trong năm, tỷ lệ sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT trong năm của năm 2016 là 112%, của năm 2017 là 123,1%, năm 2018 là 109,7%, năm 2019 là 119% và năm 2020 ước tính là 112%.
Quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo theo Luật định |
Có thể thấy việc gia tăng chi phí khám chữa bệnh hàng năm, một phần do nhu cầu từ việc khám chữa bệnh của người tham gia tăng; mức đóng BHYT thấp, nhiều năm chưa điều chỉnh; quyền lợi BHYT được mở rộng theo các quy định được điều chỉnh của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật,...
Song song đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT mới, có kết cấu thêm tiền phụ cấp y tế đặc thù, tiền lương cũng như thực hiện phương thức thanh toán theo phí dịch vụ, các cơ sở y tế chuyển dần sang tự chủ tài chính đã khuyến khích tăng cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa thực sự cần thiết cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc quỹ khám chữa bệnh BHYT mất cân đối thu chi trong năm.
Có thể thấy, kết quả thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung những năm qua đã tiếp tục khẳng định rõ nét,cùng với ngân sách Nhà nước, quỹ BHYT là nguồn tài chính công đóng góp đáng kể cho việc khám chữa bệnh của người tham gia BHYT, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội.
Trong 6 năm tổ chức thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung vẫn còn có không ít các bất cập, vướng mắc, tuy nhiên, thông qua tổng kết, phân tích, đánh giá kết quả thực hiện, ngành BHXH Việt Nam có cơ sở để tiếp tục đề xuất sửa đổi Luật BHYT cho phù hợp, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, cũng như cân đối thu - chi để hướng tới phát triển một nền BHYT bền vững, góp phần củng cố vững chắc hơn nữa công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân của nước nhà.
TS. Phạm Lương Sơn
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam