BHXH Hà Nội chủ trương xây dựng hệ thống BHXH linh hoạt, đa tầng
Ngành BHXH Hà Nội chủ trương xây dựng hệ thống BHXH linh hoạt, đa tầng, từng bước mở rộng diện bao phủ BHXH
Bài liên quan
Cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của nhà trường
Hướng dẫn thu BHXH đối với lao động là công dân nước ngoài
Hà Nội: Thanh tra 100 đơn vị nợ BHXH trên 6 tháng
BHXH Hà Nội ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 197 cơ sở y tế
Tăng cường ứng dụng CNTT để cắt giảm thủ tục hành chính
Bù đắp thiệt thòi cho lao động nữ nghỉ hưu
Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ
Số liệu thống kê của BHXH Hà Nội cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, toàn Thành phố Hà Nội có trên 6,5 triệu người tham gia BHXH, BHYT (tăng 322.752 người so với năm 2017); 22.700 người tham gia BHXH tự nguyện (tăng 1.600 người); tỉ lệ bao phủ BHYT đạt 86,5% dân số (vượt 1,2% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao). BHXH thành phố cũng đã giải quyết cho gần 1,4 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, với 41.000 tỉ đồng; thanh toán 17.660 tỉ đồng chi phí khám chữa bệnh BHYT cho gần 11 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT... Có được kết quả đó là do Bảo hiểm Xã hội Hà Nội chú trọng lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Đồng thời, đơn vị cũng không ngừng cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, làm tăng mức độ hài lòng của khách hàng.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội, tiến tới mục tiêu BHXH toàn dân, ngành BHXH Hà Nội đã chủ trương xây dựng hệ thống BHXH linh hoạt, đa tầng, từng bước mở rộng diện bao phủ BHXH. Cụ thể, BHXH thành phố đã và đang thiết kế xây dựng BHXH đa tầng với ba tầng chủ yếu. Tầng thứ nhất là tầng an sinh, tức là nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách để họ hưởng lương hưu, tầng thứ hai là BHXH bắt buộc và tầng thứ ba là bảo hiểm bảo hiểm tự nguyện, người lao động đóng cao hưởng cao.
Song song với đó, chương trình hành động của BHXH thành phố cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể. Theo đó, ngành BHXH phấn đấu vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT được HĐND và UBND thành phố Hà Nội giao là 88,2%; số người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chiếm 90% so với số người thuộc diện tham gia và tốc độ gia tăng BHXH tự nguyện đạt 30%.
Đặc biệt, trong năm 2019, ngành BHXH thành phố đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ nợ BHXH xuống dưới 2% tổng số phải thu và tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT, quản lý, sử dụng Quỹ BHYT hiệu quả. Đồng thời, ngành BHXH thành phố cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử đạt 100% các đơn vị tham gia BHXH, BHYT, BHTN; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về kê khai, đóng nộp BHXH, BHYT. Quan trọng nhất là đảm bảo kinh phí kịp thời và đầy đủ để các đơn vị có đủ nguồn chi trả trợ cấp BHXH, BHYT, BHTN cho các đối tượng thụ hưởng.
Ngoài ra, BHXH thành phố cũng đưa ra phương án, kế hoạch cụ thể về công tác nghiệp vụ bảo đảm quản lý chặt chẽ quá trình chi trả, an toàn trong chi tiền mặt và qua tài khoản thẻ ATM. Đó cũng chính là những nhiệm vụ đã được nêu tại Chương trình hành động số 22/CTr-TU ngày 24-8-2018 của Thành ủy Hà Nội về cải cách chính sách BHXH.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, BHXH Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp. Theo đó, BHXH thành phố chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội... để trao đổi thông tin, khai thác, phát triển đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH Thành phố Hà Nội cho biết: “Ngay từ đầu năm, BHXH thành phố đã chỉ đạo BHXH các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo Chi cục Thuế, Công an, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các phòng, ban, ngành trên địa bàn phối hợp với cơ quan BHXH xây dựng kế hoạch rà soát, xác định các doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; đồng thời, vận động tham gia BHXH tự nguyện đối với những đối tượng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Thời gian tới, BHXH Hà Nội tiếp tục tập trung thu nợ BHXH, BHYT, BHTN, thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2019. Bên cạnh đó sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai các cuộc kiểm tra liên ngành về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN”.
Để bảo đảm mục tiêu giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 2%, công tác kiểm tra, đôn đốc thu nợ đối với các đơn vị trên địa bàn thành phố cần được tăng cường. Các đơn vị BHXH quận, huyện, thị xã phải phối hợp với tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa các đơn vị cố tình chây ỳ, nợ đọng BHXH kéo dài với số tiền lớn.
Đồng thời, cơ quan BHXH cần thường xuyên mở lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động để họ thực hiện tốt công tác tiếp công dân. Kịp thời giải quyết, dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân về các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Ngoài ra, BHXH thành phố cũng cần phải nâng cao chất lượng công tác giám định khám, chữa bệnh BHYT để vừa bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tham gia BHYT, vừa quản lý, sử dụng Quỹ Khám, chữa bệnh BHYT hiệu quả, đúng quy định của Luật BHYT.
“Song song với các nhiệm vụ nêu trên, công tác tuyên truyền, phổ biến, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN cần được đẩy mạnh, đổi mới cả nội dung và hình thức, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chính sách, pháp luật của chủ sử dụng lao động, người lao động và các tầng lớp nhân dân. Chương trình hành động của BHXH thành phố Hà Nội đã bám sát các nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội với nhiều giải pháp thiết thực và quyết liệt, kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu trước mắt là hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2019, hướng tới BHXH toàn dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô”, ông Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh.