Tổ chức Công đoàn luôn đồng hành cùng người lao động
Đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định sẽ luôn đồng hành với người lao động trong việc đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (Ảnh minh họa)
Bài liên quan
BHXH Hà Nội chủ trương xây dựng hệ thống BHXH linh hoạt, đa tầng
Tăng cường công tác phối hợp giữa BHXH Việt Nam với các cơ quan báo chí
BHXH Việt Nam giao chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHTN giai đoạn 2019-2021
Giải đáp vướng mắc trong thực hiện BHXH cho lao động nước ngoài
Luôn quan tâm và lắng nghe ý kiến của người lao động
Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BH thất nghiệp) là những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là các trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế. Nhận thấy được vai trò của BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với người lao động, trong những năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam với tư cách là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đã luôn chủ động trong việc tham gia, góp ý kiến xây dựng và triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm.
Để người lao động có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng như thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, các cấp công đoàn thường xuyên cập nhật các tài liệu tuyên truyền về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp để cung cấp cho công đoàn cơ sở và người lao động. Đặc biệt, công đoàn cơ sở cũng thường xuyên quan tâm tập hợp, phản ánh các ý kiến của người lao động về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm để kịp thời kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn cho phù hợp với thực tế.
Nói về vai trò của tổ chức công đoàn trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Trong những năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thường xuyên chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động, quan tâm tổ chức thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động nói chung, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nói riêng cho đoàn viên, người lao động. Đặc biệt, những năm gần đây khi các văn bản quy phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được ban hành khá chi tiết, kịp thời, đồng bộ… thì nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động, BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho đoàn viên công đoàn, người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp nói riêng càng được đẩy mạnh, quan tâm, đạt kết quả tốt”.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói về vai trò của tổ chức công đoàn trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động với các phóng viên, biên tập viên chuyên trách BHXH |
Cụ thể, trong 5 năm (2013-2018), các cấp công đoàn đã biên soạn, in ấn và phát hành hàng trăm nghìn tờ gấp, cẩm nang dành cho cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động; giúp cán bộ công đoàn thuận lợi trong việc nắm bắt các quy định của pháp luật để tuyên truyền, phổ biến, vận động đoàn viên, người lao động tích cực tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Cùng với đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức các hội nghị tập huấn, hội thảo chuyên đề, các cuộc tọa đàm, hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách, pháp luật với người lao động, các cuộc tuyên truyền pháp luật lưu động, tổ chức các trò chơi, tiểu phẩm cho công nhân khu nhà trọ... góp phần trang bị kiến thức, quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động.
Đồng thời, thông qua các buổi tuyên truyền, tập huấn, các tổ chức công đoàn đã kịp thời nắm bắt các ý kiến phản hồi của đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động và cán bộ công đoàn cơ sở để kiến nghị, đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thông chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp phù hợp với tình hình thực tiễn.
Kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc
Trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh chính sách, đảm bảo quyền lợi cho đoàn viên công đoàn, người lao động. Đơn cử như đề nghị Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền có giải pháp để khắc phục những tồn tại, bất cập trong cách tính lương hưu của người lao động, đặc biệt là lao động nữ về hưu từ ngày 1/1/2018; xem xét, sửa đổi theo hướng có lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu, đảm bảo cân bằng quyền lợi của lao động nam và lao động nữ trong thụ hưởng chính sách BHXH. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chức năng ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm và các luật chuyên ngành có liên quan như Luật An toàn, vệ sinh lao động, trong đó có quy định về chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...
Trước tình hình các doanh nghiệp nợ đọng BHXH ngày càng tăng cao, năm 2014, Tổng Liên đoàn đã chủ trì ký kết Chương trình phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam về giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH trong các loại hình doanh nghiệp. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm, Đoàn giám sát liên ngành cấp Trung ương do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì đã thực hiện giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại 15 - 20 doanh nghiệp thuộc 4 – 6 tỉnh, thành phố.
Thông qua hoạt động giám sát đã giúp các cơ quan chức năng nắm bắt, đánh giá rõ tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp. Tình trạng các doanh nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ và đúng quy định của pháp luật về BHXH còn diễn ra khá phổ biến. Trong đó nổi bật là tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH.
Đơn cử, năm 2017 tại 5 địa phương được Đoàn giám sát liên ngành thực hiện giám sát có tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp lên tới trên 332 tỷ đồng. Có 7/14 doanh nghiệp được giám sát thường xuyên chậm đóng, nợ đóng tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (trong khoảng 1 – 3 tháng) với tổng số tiền chậm đóng và nợ đóng BHXH trên 28 tỷ đồng. Tại 14 doanh nghiệp được giám sát, có trên 1.200 người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc nhưng chưa được doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để tham gia theo quy định của pháp luật... Kết thúc giám sát, Đoàn giám sát liên ngành đã đưa ra trên 130 kết luận, kiến nghị đối với các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng của 5 tỉnh, thành phố nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Có thể nói, tổ chức Công đoàn có vai trò rất lớn trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Để người lao động có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng như thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh: “Tổ chức Công đoàn sẽ luôn đồng hành cùng người lao động. Trong thời gian tới, tổ chức Công đoàn Việt Nam với tư cách là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động sẽ luôn chủ động trong việc tham gia, góp ý kiến xây dựng và triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm”.