Những ký ức Ngày Giải phóng Thủ đô
Triển lãm tranh "Hà Nội những góc nhìn" chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô |
Nhà sử học Dương Trung Quốc kể rằng tháng 10/1954 ông còn là cậu bé bảy, tám tuổi dù chưa nhận thức nhiều nhưng ký ức không thể quên. Những người ở lại Hà Nội háo hức chờ đón đoàn quân trở về. Người ta may cờ, làm cổng chào bằng vải, hoa, trẻ con học hát những bài hát rất dễ thuộc và giản dị. Sát thời khắc tiếp quản Hà Nội còn có phong trào gõ phèng phèng, gõ mâm hay vung nồi khi thấy có kẻ xấu lai vãng. Đúng ngày Giải phóng Thủ đô, trẻ con vốn hàng ngày được giữ gìn trong nhà nay cũng “thả rông” đón đoàn quân trở về.
Ngày đoàn quân tiến về Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 (Ảnh tư liệu) |
“Khi ấy tôi đứng ở Nhà thờ Cửa Bắc ngóng vào khu Hoàng thành. Tôi thấy đoàn quân ta có sức mạnh lớn lao, sau này tôi rút ra bài học lớn nhất chính là sức mạnh của lòng tin. Khi chiến sĩ Thủ đô quyết định ra đi vào đêm mùa đông 1947 rời Hà Nội hẹn ngày về đó là điều thiêng liêng, sức mạnh quyết tâm. Thủ đô của cả nước, nên đó cũng là sự quyết tâm của cả nước.
Niềm tin ấy được tiên đoán từ rất sớm trong ca khúc “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1948 sau chiến dịch gian khổ thu đông năm 1947. Từ những câu hát bây giờ chúng ta hay nghe trùng trùng quân đi như sóng cho tới nhiều diễn biến sau này và kết thúc với sự kiện Hà Nội bừng tiến quân ca”, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết.
Thời khắc đó, Nhà sử học Lê Văn Lan còn là một thanh niên 18 tuổi hòa trong dòng người đón đoàn quân chiến thắng trở về. Ông từng kể rằng khi đó, nhìn lớp lớp đoàn quân hân hoan trên đường phố, người dân hai bên đường nô nức đón chào, một cảm xúc trào dâng trong ông. Không chỉ hưởng niềm vui chiến thắng, ông còn được đón người thân trở về, bởi trong đoàn quân đó có người anh thứ hai của ông. “Sự giải phóng ở đây là giải phóng dân tộc, giải phóng Hà Nội và người trong gia đình giải phóng cho nhau” - Nhà sử học Lê Văn Lan tâm sự.
Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Quân lực (Bộ Tổng Tham mưu), nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 cho biết: “Thời khắc Hà Nội giải phóng, cổng chào, khẩu hiệu rực rỡ các đường phố, cờ đỏ sao vàng phấp phới trên các ngôi nhà. Ngày 10/10, đặt bước chân của mình trên các con phố mà tôi có cảm giác ngập tràn sung sướng”.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an, một trong số những người vinh dự nhận nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô từng kể rằng gần như suốt đêm 9/10 năm ấy, ông và các anh em trong đội đều thao thức không ngủ được vì mong mỏi, chờ đón thời khắc lịch sử của Thủ đô, của dân tộc.
"Tôi cảm thấy thật sự xúc động khi mình vinh dự là một trong những chiến sĩ công an đầu tiên được tiếp quản Thủ đô và chứng kiến tận mắt rừng cờ hoa ngày ấy", Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng từng tâm sự.
Theo lời ông kể, sáng 10/10/1954, cứ quân đội Pháp rút đến đâu thì người dân nhà nào nhà ấy đều mở toang cửa ngõ, treo cao cờ đỏ sao vàng, mọi người ào ra đường hân hoan vẫy tay chào đón đoàn quân bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản. Mọi người, bất kể nam nữ, già trẻ, đều tỏa ra khắp đường để chào đón đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô.
Lực lượng Công an cùng đại quân hàng ngàn người, đi tới đâu là bố trí cảnh sát giao thông đứng ra chỉ đường cho xe qua lại trật tự. Các anh chị em được bố trí ở đồn nào, quận nào thì lập tức bắt tay và gìn giữ ở các trọng điểm: Nhà ga, bến xe ôtô khách, bến xe điện, nhà máy điện, nhà máy nước, rạp hát, rạp chiếu phim…
Các cửa hàng tạp hóa, sách báo, may mặc, hiệu ảnh… đều mở cửa bán hàng. Các chợ Đồng Xuân, Hàng Da, Cửa Nam, Chợ Hôm… lại tấp nập ồn ào mua bán bình thường. Tất cả đều tập trung để làm sao mọi sinh hoạt bình thường của người dân Hà Nội diễn ra vui vẻ, bình yên như thường lệ.
Buổi chiều cùng ngày diễn ra lễ chào cờ lịch sử. Lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột Cờ. Trên sân, các đơn vị tham dự lễ chào cờ đã tập hợp thành khối nghiêm chỉnh. Hàng đầu đội hình bộ binh là Trung đoàn Thủ đô. Đúng 15h, còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài, toàn thành phố hướng về Cột Cờ thành Hà Nội. Mọi người trang nghiêm nhìn lên lá Quốc kỳ đang tung bay trên đỉnh Cột Cờ. Tiếng nhạc vừa dứt, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ bước ra đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô ngày giải phóng. Mọi người rưng rưng xúc động, nhiều người không giấu được những giọt nước mắt vui mừng, hạnh phúc.
Trung tướng Trần Quang Khánh, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tổng tham mưu của Bộ Quốc phòng cũng đã kể lại rằng Bác Hồ khi ấy dặn dò rất kỹ Đại đoàn 308 vào tiếp quản Thủ đô cần giữ gìn kỷ luật, đảm bảo trật tự an ninh, bảo vệ Nhân dân và các cơ sở quan trọng của thành phố, nhất là giữ gìn phẩm chất chiến sĩ “không gây phiền hà cho dân”.
Ngày 3/10/1954 phía ta cử một đoàn cán bộ vào thành Hà Nội trước trong đó có Trung tướng Trần Quang Khánh. “Vào thành chúng tôi ở số 92 Trần Hưng Đạo ngay gần ga Hà Nội. Một vài chủ doanh nghiệp có thiện cảm với Việt Minh còn lái xe đến cổng khu nhà chúng tôi ở để nhắc nhở nên mua xăng tích trữ vì sắp tới xăng sẽ khan hiếm đắt đỏ. Khi các chiến sĩ đi chợ mua thực phẩm, các bà các chị ở đó nhận ra, họ dúi cho chúng tôi thịt, cá, rau quả và bán với giá gần như cho không, do lúc đó đồng tiền của Cụ Hồ chưa dùng được ở Hà Nội, chúng tôi không có nhiều tiền Đông Dương”, ông nhớ lại.