Những nhân viên “gánh” công việc cho đồng nghiệp nơi công sở
Người trẻ làm du lịch bắt nhịp trở lại với công việc Giới trẻ với hội chứng “cuồng” công việc Ôm đồm công việc, nên hay không? |
Ôm đồm công việc
Không còn cảm thấy vui thích hay tự hào khi đây là lần thứ 4 liên tiếp, Nguyễn Bảo Chinh (27 tuổi, nhân viên kinh doanh) đạt được giải thưởng “Nhân viên xuất sắc nhất năm” của công ty. Nữ nhân viên 27 tuổi thừa biết mình phải ôm đồm, “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” công việc ra sao để nhận được lời khen như vậy.
"Từ những ngày bắt đầu bước chân vào công ty, mình đã không từ chối bất kỳ nhiệm vụ nào từ sếp. Mình cũng nhận luôn phần việc của đồng nghiệp nếu họ bận, hoặc thấy mình có thể đáp ứng được. Thú thực, sau gần 6 năm làm việc tại công ty, mình kỳ vọng có thể được đề bạt cho vị trí cao hơn. Nhưng giờ đây, vị trí của mình là “gánh team” chứ không hề được tăng lương, thăng chức", Bảo Chinh nói.
Làm việc vất vả nhưng vẫn không nhận được mức đãi ngộ hợp lý khiến Bảo Chinh cảm thấy mệt mỏi và áp lực |
Bảo Chinh chia sẻ, cô thường xuyên được cấp quản lý yêu cầu hỗ trợ đồng nghiệp, giao thêm các nhiệm vụ mới, thậm chí tạm điều hành bộ phận khi sếp nghỉ phép. Ban đầu, cô cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng khi cảm thấy bản thân phải có năng lực mới được cấp trên tin tưởng, giao phó như vậy.
Để hoàn thành nhiệm vụ, Bảo Chinh không ngần ngại tham gia những cuộc nhậu cùng khách hàng và sẵn sàng trả lời tin nhắn của sếp hay đồng nghiệp lúc 1 - 2h sáng. Nhờ đó, cô nhận được rất nhiều lời khen và cảm ơn từ họ. Tuy nhiên, niềm vui của cô nhanh chóng qua đi khi tất cả những gì cô nhận được chỉ là khối lượng công việc ngày càng tăng và những mệt mỏi về thể chất, tinh thần.
"Mình thấy đồng nghiệp xung quanh không ai như mình cả. Họ chỉ làm đủ phần việc của cá nhân rồi ra về, cuối tháng vẫn nhận mức lương bằng mình. Đến cuối cùng, mình không hiểu mình đang làm nhiều việc hơn để làm gì", Bảo Chinh bày tỏ.
Giống như Bảo Chinh, Ngọc Linh (25 tuổi, sống tại quận Ba Đình, Hà Nội) cũng tự nhận mình đã ôm đồm quá nhiều công việc khi đồng nghiệp trong nhóm đều là “người mới” hoặc những người "luôn bận việc gia đình".
Bộ phận của Ngọc Linh hiện có 8 thành viên, trong đó 4 người đã lập gia đình, hai người là thực tập sinh và một người khác chỉ chuyên nhiệm vụ kỹ thuật, có phần đặc thù. Mỗi khi có dự án mới, sếp thường chủ động giao cho cô những phần việc chính và quan trọng. Sếp nói với Ngọc Linh rằng cô còn độc thân, không quá bận như những người còn lại.
Nhiều nhân viên văn phòng đang phải làm việc hết công suất thay cho đồng nghiệp |
"Mình cảm thất khá áp lực, căng thẳng khi đang phải làm thay công việc của một chị nghỉ thai sản và giúp đỡ một bạn thực tập. Dù được tăng lương cho nhiệm vụ này nhưng một ngày, khối lượng công việc mình cần hoàn thành phải tăng lên gấp đôi, gấp ba. Mình không biết xoay sở làm sao cho kịp deadline. Sếp thì luôn giục chứ không bao giờ chịu hỏi mình có mệt không hay có quá tải công việc không", Linh nói.
Bước vào công ty với một CV đẹp và nhận nhiều lời khen từ sếp, lại có tính cách nhiệt tình, chăm chỉ và thành thạo tiếng Anh, tiếng Trung nên ngoài công việc chính tại phòng ban, cô gái trẻ còn phải làm thêm nhiều công việc riêng khác mỗi khi sếp yêu cầu.
"Nhiều đêm, mình chưa ăn hạt cơm nào nhưng vẫn phải ngồi dịch hợp đồng tiếng Anh cho sếp để kịp cho buổi sáng hôm sau. Từ ngày gánh thêm việc, mình thường xuyên hủy hẹn với bạn bè, đi du lịch và không có cả thời gian ăn cơm cùng bố mẹ ", cô chia sẻ.
Chấp nhận để chứng tỏ bản thân
Áp lực phải chứng tỏ bản thân đang là những điều mà không chỉ gen Z mà các thế hệ trước cũng gặp phải. Đi cùng sự phát triển của thời đại, người trẻ đang sống trong “một nền văn hóa hối hả” - nơi một người càng dành nhiều thời gian và năng lượng cho công việc, họ càng cảm thấy mình xứng đáng có thành công.
Áp lực phải thành công và mục tiêu chúng khiến người trẻ rơi vào vòng luẩn quẩn của công việc |
Sự bùng nổ của công nghệ và kỷ nguyên số 4.0 cũng đẩy nhanh nền “văn hóa” này, khi chúng ta có thể làm việc ở bất kỳ đâu. Ranh giới giữa việc làm và đời sống riêng từ đó mà dần trở nên nhạt nhòa.
Sau đại dịch, việc chuyển đổi hình thức lao động càng tạo điều kiện cho việc một người phải làm việc cho nhiều người. Kết quả, họ rơi vào vòng luẩn quẩn bởi việc giúp các đồng nghiêp khác giảm bớt căng thẳng đồng nghĩa với việc tự gây ra nhiều stress hơn cho bản thân.
Nhân viên này bị quá tải, công việc lấp tức được đưa sang nhân viên khác, nếu tất cả cùng quá tải, công việc sẽ dồn về trưởng nhóm. Leader sẽ làm thêm công việc của nhóm, lâu dần, chính người quản lý đó trở nên mệt mỏi, kiệt sức vì công việc là điều rất dễ bắt gặp trong các công ty, cơ quan ngày này.
Phạm Văn Quyền (26 tuổi, sống tại quận Hà Đông, Hà Nội), trưởng nhóm của một team kinh doanh cho biết khi bắt đầu được thăng chức lên trưởng nhóm, chàng trai trẻ cảm thấy mình có nhiều điều cần chứng minh hơn.
Chứng minh bản thân là lý do khiến Văn Quyền lựa chọn ôm đồm nhiều việc |
Một mặt, Quyền phải làm theo các yêu cầu của cấp trên. Mặt khác, anh cũng phải quan tâm đến các vấn đề nhân viên gặp phải và tìm cách giải quyết chúng. Vòng lặp này cứ thế diễn ra hàng ngày. Khi một thành viên trong nhóm Quyền nói họ không thể làm hết việc, Quyền thường phải làm thêm công việc của nhóm để tránh cho họ mệt mỏi cũng như kịp tiến độ báo cáo với sếp. Chàng trai 24 tuổi cũng phải gặp gỡ trực tiếp và lắng nghe vấn đề của họ.
"Đó là lựa chọn của mình, mình hiểu điều đó. Nhưng nếu không làm như vậy thì quá trình thăng tiến của mình sẽ chậm lại và thu nhập cũng không được tăng. Nhiều khi mình căng thẳng, tình trạng kiệt sức của cả nhóm sẽ tồi tệ hơn. Nhưng vì mình là trưởng nhóm, mình phải cố gắng hết sức và không được phép nghỉ ngơi khi chưa hoàn thành xong nhiệm vụ", Quyền chia sẻ.