Những nhân viên quay về công ty cũ
Công bố đề cử hạng mục Phóng sự thời sự và Diễn viên nữ ấn tượng Tìm giải pháp gỡ khó cho công tác cán bộ Đoàn khối địa bàn dân cư |
Những nhân viên “boomerang”
“Boomerang” là khái niệm để chỉ những nhân viên nghỉ việc nhưng sau đó xin hoặc được mời quay trở lại công ty cũ. Sự thiếu hụt nhân sự sau đại dịch là lý do thúc đẩy các công ty tuyển dụng lại nhân sự cũ của mình. Đồng thời, nhảy việc vội vàng ngay khi trở lại trạng thái bình thường mới cũng khiến nhiều người nhanh chóng nhận ra mình nên gắn bó với doanh nghiệp trước đây.
Sau gần 8 tháng nghỉ việc, Trần Khánh Linh (25 tuổi, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) nhắn tin cho trưởng phòng của mình bày tỏ ý muốn quay trở lại. Khánh Ly được thông báo vị trí trước đây của mình đã có người thay thế, nhưng được cấp trên giới thiệu sang một phòng ban khác gần tương tự về chuyên môn.
Đến hiện tại, nhân viên truyền thông này vừa hoàn thành một tháng thử việc theo quy định, dù vậy, cô gái trẻ đã có đến gần 3 năm gắn bó với công ty. Khánh Linh cho biết cô sẽ làm việc lâu dài hơn nữa bởi phù hợp với môi trường, đãi ngộ và đồng nghiệp tại đây.
Khánh Linh cảm thấy hài lòmg với quyết định trở lại công ty cũ làm việc |
"Sau Tết Nguyên đán, mình xin nghỉ việc để chung vốn với bạn, mở một cửa hàng thời trang nhỏ. Tuy nhiên, việc kinh doanh không mấy thuận lợi nên chúng mình đã dừng lại. Vì có mối quan hệ khá thân thiết với sếp cũ, mình nhờ chị hỗ trợ để quay về làm việc", Khánh Linh chia sẻ.
Cô gái 25 tuổi cho biết mình may mắn thích nghi lại khá nhanh chóng với công việc và đồng nghiệp. Cô không phải nhân sự boomerang duy nhất. Trước đó, không ít người rời công ty một vài năm, sau đó trở về. Vì vậy, dù để trúng tuyển vào vị trí hiện tại, cô cũng phải bắt đầu từ bước nộp hồ sơ, phỏng vấn, làm bài thi và thử việc nhưng Khánh Linh vẫn cảm thấy rất hài lòng với quyết định của mình.
Giống như Khánh Linh, Hà Thu (28 tuổi, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) cũng chấp nhận đầu quân lại cho sếp cũ bởi được trả mức lương cao hơn gần gấp đôi so với thu nhập cũ. Con số hậu hĩnh cùng lời mời nhiệt tình từ cấp lãnh đạo thuyết phục cô quay về văn phòng quen thuộc sau gần một năm tạm biệt.
"Mình nghỉ việc từ cuối năm 2021 do có việc riêng của gia đình, sau đó vào làm tại một công ty mới. Gần đây, công ty cũ có hợp đồng với một đối tác quan trọng, trùng hợp đơn vị này từng do mình phụ trách. Lương tốt, quen công việc và môi trường, mình nghĩ không tội gì phải từ chối cơ hội", Hà Thu nói.
Hà Thu nhận được sự chào đón cởi mở từ đồng nghiệp và mức lương hấp dẫn khi quay trở lại công ty cũ |
Theo Hà Thu, những ngày đầu trở lại làm việc, cô có phần ái ngại với đồng nghiệp. Dường như mọi người hiểu ý nên chủ động bắt chuyện và hỏi thăm. Đặc biệt, ở công ty vẫn còn nhiều người bạn thân thiết, cô gái 28 tuổi nhanh chóng bắt nhịp với văn hóa chung, đôi khi cảm thấy như mình chưa từng rời đi.
"Mình nghĩ công ty mình thuộc số ít nơi khá cởi mở khi làm việc cùng nhân sự cũ, kể cả xin về hay được mời về. Hơn nữa, trước đây, mình rời đi bởi tình huống chính đáng chứ nếu có ai đó từng có tranh cãi hoặc vấn đề tiêu cực, có lẽ không trở về dễ dàng như vậy", Hà Thu bày tỏ.
Không hề dễ dàng
Trung Quân (27 tuổi, sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng là một nhân sự “boomerang”. Anh đùa vui với mọi người rằng mình "đi thật xa để trở về", ứng tuyển vào công ty cũ sau gần 2 năm nghỉ việc.
"Trước đây, mình xin nghỉ bởi muốn thay đổi môi trường cho đỡ nhàm chán. Khi còn trẻ và chưa lập gia đình, mình cũng muốn thử sức mình ở những nơi mới và kiếm thêm kinh nghiệm", anh cho biết.
Tuy nhiên, công ty mới không đáp ứng được nguyện vọng của Trung Quân, anh làm công việc tương đương nơi cũ, nhưng thu nhập thấp hơn đáng kể. Một lần, khi biết tin sếp cũ tuyển dụng lại vị trí của mình, anh nhanh chóng liên hệ xin quay lại, đồng ý với vai trò và thu nhập giống trước đây.
"Mình khá hài lòng với mức lương ở công ty cũ, nơi này cũng có chế độ tương đối tốt so với nhiều nơi khác, trụ sở công ty lại khá gần nhà, giúp mình tiết kiệm hơn được thời gian đi lại và chi phí xăng xe", Quân bày tỏ.
Việc trở lại làm việc tại công ty cũ sau gần 2 năm rời bỏ không hề dễ dàng với chàng trai trẻ Trung Quân |
Nhưng khác với Khánh Linh hay Hà Thu, Trung Quân lại không mấy thoải mái về mặt tinh thần khi quay trở lại. Anh đánh giá quyết định này của mình "có quá nhiều rủi ro" và cảm thấy bị cô lập trong chính môi trường tưởng như quen thuộc.
"Vài người nói mình sang nơi mới không ăn thua nên mới trở về. Phần lớn đồng nghiệp thân thiết trước đây của mình đều đã nghỉ việc. Xung quanh mình toàn người lạ, mọi người cũng không quá thân thiện như mình nghĩ", anh thở dài.
Trong một lần vô tình, Trung Quân biết được đồng nghiệp cùng phòng lập nhóm chat riêng, có tất cả thành viên nhưng ngoại trừ cô. "Trong mắt nhiều người, nhân sự cũ xin quay về vẫn là một điều gì đó không hay ho", anh tâm sự.
Sau 3 tháng, anh một lần nữa nghỉ việc tại đây. "Bạn bè nói mình còn trẻ con khi cư xử vội vàng, cảm tính như thế. Nhưng thật sự mình rất mệt mỏi, mỗi ngày đi làm đều không có cảm hứng, lương thưởng hay chế độ lúc đó đều không còn quan trọng. Mình nhận ra mình không hợp với công ty cũ như từng nhầm tưởng", Trung Quân chia sẻ.