Những thủ phạm “phá hoại” giấc ngủ
Hiệp hội Giấc ngủ Hoa Kỳ cho biết cứ 3 người thì có một sẽ phải vật lộn với chứng rối loạn giấc ngủ. Một đêm không ngon giấc có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như: Tăng huyết áp, mắc bệnh tim mạch, suy giảm nhận thức và nhiều vấn đề về sức khỏe khác.
Một đêm không ngon giấc có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe (Ảnh: Reuters) |
Có một thủ phạm ẩn đang phá hoại giấc ngủ của chúng ta đó là công việc. “Những gì làm trong ngày có thể ảnh hưởng đến việc bạn ngủ ngon như thế nào vào ban đêm và cảm giác thức dậy vào sáng hôm sau”, Tiến sĩ Rachel Salas, chuyên gia y học về giấc ngủ và trợ lý giám đốc y tế tại Trung tâm Johns Hopkins (Mỹ) cho cho biết.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ y khoa Ilene Rosen tại Bệnh viện Đại học Pennsylvania (Mỹ) chuyên nghiên cứu về giấc ngủ cũng khẳng định, giấc ngủ không có chất lượng có thể ảnh hưởng đến hiệu suất công việc, khiến bạn “cáu kỉnh hơn và làm việc kém năng suất hơn”.
Điều gì xảy ra khi chúng ta không ngủ đủ giấc? Các hậu quả nghiêm trọng tạm thời lâu dài của sự thiếu ngủ phản ánh chức năng phục hồi quan trọng của giấc ngủ. Khi chúng ta không ngủ đủ, trí nhớ, sự tập trung, sự tỉnh táo và tâm trạng đều bị ảnh hưởng. Buồn ngủ ban ngày sẽ dẫn đến hiệu quả học tập và làm việc thấp và có thể dẫn đến tai nạn nghiêm trọng. Nếu không điều trị, rối loạn giấc ngủ kéo dài có thể làm giảm chất lượng cuộc sống và có thể làm tăng tỉ lệ mắc bệnh và tử vong. |
Nhiều người có thói quen uống cà phê hoặc trà vào buổi chiều muộn để giúp vượt qua một ngày họp hành căng thẳng nhưng sẽ phải trả giá về sau này. “Trong cà phê chứa rất nhiều caffeine. Chất này kích thích hệ thống thần kinh trung ương của cơ thể, giữ cho bạn tỉnh táo. Những tác động này có thể kéo dài trong 4 giờ hoặc lâu hơn, khiến bạn khó ngủ vào buổi tối”, Tiến sĩ Phyllis Zee, Trưởng khoa Y học giấc ngủ, Giáo sư thần kinh học tại Trường Y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern cho biết.
Để có giấc ngủ chất lượng, Tiến sĩ Zee khuyên nên cắt giảm lượng tiêu thụ caffeine vào 4 giờ chiều hoặc từ buổi trưa, nếu bạn nhạy cảm hơn với tác dụng của nó. Thay vào đó, bạn nên uống nước trái cây hoặc đồ uống không chứa caffeine vào buổi chiều. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tập thói quen đi bộ khoảng 15 phút ngoài văn phòng hoặc có thể thực hiện những động tác vươn vai giúp tỉnh táo trong quá trình làm việc.
“Tập thể dục sau khi trời tối cũng là “thủ phạm” có thể phá hoại giấc ngủ của bạn”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ y khoa Ilene Rosen cho biết. Đó là bởi tập thể dục làm tăng nhiệt độ cơ thể trong 1 - 2 giờ ngay cả sau khi tập luyện. Điều này làm gián đoạn quá trình “làm mát” tự nhiên của cơ thể, giúp chúng ta đi vào giấc ngủ. Do đó, Tiến sĩ Rosen khuyên bạn nên tránh tập thể dục trong vòng 3 giờ trước khi đi ngủ.
Trung bình một người sẽ dành ít nhất 20 năm cuộc đời của họ để ngủ nhưng ít người thực hiện được |
Quy tắc tương tự cũng áp dụng cho bữa tối muộn hoặc uống rượu trong vòng 2 giờ trước khi ngủ. Ăn quá gần giờ đi ngủ có thể gây khó tiêu và trào ngược, trong khi rượu dù có tác dụng an thần nhưng gây kích thích não bộ khi nó chuyển hóa, ngăn bạn chìm vào giấc ngủ sâu, Tiến sĩ Phyllis Zee chỉ ra.
Ngủ là nhu cầu cơ bản của con người. Chú ý đến cách bạn ngủ không chỉ giúp thức dậy sảng khoái hơn mà còn có thể làm giảm lo lắng, tăng năng suất làm việc và cải thiện sự tập trung.
Giấc ngủ bình thường là gì? Giấc ngủ bình thường bao gồm các chu kỳ của giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (NREM) xen kẽ với giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM). Giấc ngủ NREM bao gồm giai đoạn ngủ nông và ngủ sâu. Giấc ngủ REM còn được gọi là giai đoạn ngủ “mơ”. Chức năng của giấc ngủ là phục hồi, cung cấp thời gian nghỉ ngơi và hồi phục cho cơ thể. Người lớn cần ngủ trung bình 8 tiếng (từ 6-10 tiếng). Bình thường chúng ta sẽ ngủ thiếp đi trong vòng 10 đến 20 phút từ lúc bắt đầu đi ngủ, thức dậy một cách tự nhiên một hay hai lần trong đêm sau đó ngủ trở lại dễ dàng, và thức dậy cảm thấy sảng khoái. Trẻ em cần ngủ nhiều hơn và có xu hướng ngủ sâu hơn, trong khi những người già bị thức giấc thường xuyên hơn và ít ngủ sâu hơn. |