Tag

Những trải nghiệm trân quý và con người mới mẻ sau chuyến đi Trường Sa

Văn hóa 27/04/2021 08:11
aa
TTTĐ - Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu những dòng nhật ký xúc động và tự hào ghi lại hành trình 10 ngày đến với Trường Sa của đồng chí Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội.
Quà từ Thủ đô gửi thiếu nhi và Nhân dân huyện đảo Trường Sa

Từ ngày 12- 21/4, Đoàn công tác số 3 do Chuẩn Đô đốc Hoàng Hồng Hà, Phó Tư lệnh Hải quân làm trưởng đoàn đã hoàn thành tốt đẹp chuyến thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1/20 Ba Kè trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.

Tham gia đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và gần 200 đại biểu của TP Hà Nội, Tòa án Nhân dân cấp cao TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Viện Bảo vệ thực vật các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Thanh Hóa; Phóng viên các báo Trung ương, địa phương cùng các nghệ sỹ của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, Nhà hát Cải lương, Nhà hát Chèo Hà Nội.

Đồng chí Trần Quang Hưng (bên trái) trong chuyến chuyến thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1/20 Ba Kè trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc
Anh Trần Quang Hưng trong chuyến chuyến thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1/20 Ba Kè trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc

Có mặt trong chuyến công tác lần này, đồng chí Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội vô cùng xúc động và tự hào khi được đại diện gửi gắm tình cảm của tuổi trẻ Thủ đô tới Nhân dân và chiến sĩ đang ngày đêm neo giữ biển trời Tổ quốc. Những trang nhật kí mà đồng chí Trần Quang Hưng viết đã lưu giữ trọn vẹn những cảm xúc thiêng liêng khi lần đầu đặt chân đến nơi đầu sóng, ngọn gió. Những dòng chữ chứa chan tình cảm này cũng góp phần truyền đến các bạn trẻ tình yêu quê hương đất nước, khơi gợi niềm tự hào dân tộc thiết tha. Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Ngày 1:

Trong ánh bình minh chiếc tàu quân y 561 ló rạng cùng niềm hi vọng, sự háo hức của 200 thành viên đoàn công tác. Hai hàng thủy thủ Cam Ranh đã đứng nghiêm trang chào đón đoàn chúng tôi. Mọi người nhanh chóng chuyển hành lý lên tàu, vào phòng rồi từng tốp ra chụp những chiếc ảnh checkin cuối cùng của đất liền.

Tôi được nhận phòng D6 ở tầng trệt cùng đoàn Thái Nguyên và các bạn kỹ thuật lắp máy nước. Mỗi người một tính, già có, trẻ có, nghiêm nghị có, vui tính có, hoạt ngôn có, im lặng có, nhưng đều vui vẻ chia sẻ những giường tầng và thống nhất cùng gọi nhau là “đồng chí”, chứ không phải một đại từ nào khác...

Những trải nghiệm trân quý và con người mới mẻ sau chuyến đi Trường Sa

Vội vàng tải những bài nhạc về biển đảo và mau chóng liên lạc với cơ quan trước khi tàu rời bến, Trưởng đoàn cùng thuyền viên lên boong tàu vẫy chào Thuỷ thủ Cam Ranh trong làn mưa mỏng bịn rịn... đất liền dần xa khuất trong chân trời... vậy là chúng tôi đã chính thức ra khơi hướng tới Trường Sa thân yêu!

Trong ngày đầu tiên tôi lên boong 3 lần, vào buổi sáng, chiều và đêm, chạy lên xuống vừa làm điểm tin phát sóng vừa tập văn nghệ làm người có chút chuếnh choáng nhưng mỗi lần lên boong tàu đều thực sự mang lại cảm giác bảo la thoáng đãng khó tả.

Biển mênh mông đừng đợt sóng vỗ, những chiếc tàu xa xa, những chú cá heo nhảy lên mặt nước bơi theo chiếc tàu chào mừng đoàn công tác, ánh hoàng hôn với những tia nắng dát vàng biển phía sau lưng... và đặc biệt là biển về đêm với bầu trời đầy sao... điều mà trong thành phố chúng tôi ít thấy. Nghe câu hát “biển một bên, và em một bên” ngắm biển đêm một mình, tôi dần hiểu cảm giác của những người lính biển ra khơi vì tình yêu biển đảo đất nước...

Ngày 2:

Ra khỏi thềm lục địa sóng nhẹ hơn nên cả đoàn đều khỏe, mọi người tích cực hơn hẳn. Sáng sớm chúng tôi dậy ngắm bình minh, tập thể dục đón ngày mới. Mọi người lên boong cười nói vui vẻ, tôi còn kịp quay clip “Tôi yêu Trường Sa” cho cuộc thi của đoàn sắp tới, cũng được gần đủ thành viên đoàn. Lãnh đạo thuyền viên ai cũng vui vẻ háo hứng vì sắp được tới Trường Sa.

Tàu 561 đi khoảng 10 Hải lý/h (hơn 20 km/h); khoảng cách tới đảo đầu tiên (Sinh Tồn Đông) là hơn 700km. Vậy là còn khoảng 1 ngày nữa sẽ tới nơi… Đứng trên cao thu vào tầm mắt muôn trùng biển khơi, niềm tin vào ngày mới dâng tràn trong tim.

Buổi tối sau bữa ăn tối rôm rả tiếp theo, các đoàn giao lưu tại boong tàu khu A, Văn công cùng chiến sĩ xung phong, các đoàn Thanh Hoá, Lạng Sơn, Thái Nguyên theo sau hết sức nhiệt tình. Anh Phong (Nguyễn Văn Phong- Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội) nhắn tôi lấy hoa ở phòng anh gỡ ra từng chiếc để tặng các ca sĩ rất tình cảm...

Tôi vì ở cùng phòng các anh em Thái Nguyên nên được tham gia văn nghệ cùng đoàn Thái Nguyên bài “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, đúng tinh thần lạc quan chiến sĩ. Đến cuối lại được các bạn Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội kéo lên hát bài “Chúng tôi là chiến sĩ”, không khí náo nhiệt vô cùng.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong- Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội (đứng giữa) và đồng chí Trần Quang Hưng với chiếc áo có chữ kí của chiến sĩ và Nhân dân nơi Đoàn công tác đến thăm và động viên
Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội (đứng giữa) và đồng chí Trần Quang Hưng với chiếc áo có chữ kí của chiến sĩ và Nhân dân nơi Đoàn công tác đến thăm và động viên

Ngày 3:

2:00 sáng khi chúng tôi chìm trong giấc ngủ, tiếng mỏ neo cọ vào thành tàu báo hiệu tàu 561 đã tới Đảo Sinh Tồn Đông

5:30 sáng cả buồng thức giấc, vội vệ sinh cá nhân, lắp sim Viettel liên lạc với đất liền rồi lao lên boong ngắm đảo hiện ra từ phía chân trời, vậy là chúng tôi đã đến với vùng đất nơi khơi xa của Tổ quốc.

Hôm nay nhịp hoạt động dồn dập, chúng tôi như trở thành những người lính với lịch thăm đảo dày đặc. Đúng 6:30, 3 hồi còi báo Thủ trưởng rời tàu, từng tốp xếp hàng di chuyển nhanh về phía cano lao về phía đảo. Mỗi lần cano chở được hơn 10 người, lách qua các bãi cọc chống xâm nhập, cuối cùng cũng đặt chân lên được hòn đảo của Tổ quốc thân yêu. Trên đảo hiện ra một ngôi chùa ở phía trái, nhà văn hoá phía sau cột mốc...

Sau chương trình trao tặng qua ngắn gọn ý nghĩa, Đoàn công tác tổ chức chương trình ca nhạc lưu động cho chiến sĩ Trường Sa. Các bạn chiến sĩ đều sinh năm 2001, nước da đen ròn, đôi mắt ánh lên nghị lực, trên ngực bạn nào cũng có huy hiệu Đoàn thanh niên. Tuy ban đầu các chiến sĩ có chút ngượng ngùng nhưng rồi cũng tham gia văn nghệ rất nhiệt tình. Quân dân tay trong tay cùng hát vang những bài ca về Trường Sa, biển đảo và tuổi trẻ. Hết chương trình các chiến sĩ bịn rịn chia tay tới tận xuồng...

Chiều đoàn công tác đến thăm đảo chìm Len Đao. Đảo gồm 2 công trình được nối với nhau bởi một cây cầu, trên đó đàn chó do bộ đội nuôi tha hồ chạy nhảy. Công trình mới hơn trị giá 40 tỉ đồng được tài trợ bởi Thành phố Hà Nội, tuy diện tích không lớn những khung cảnh thực sự đẹp hùng vĩ, làn nước xanh trong vắt nhìn rõ từng rặng san hô, phía trên văn công và chiến sĩ cùng ca hát, nên thơ hữu tình vô cùng...

Chia tay các chiến sĩ chúng tôi trở về tàu thực hiện một chương trình có ý nghĩa thiêng liêng, đó là Lễ Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống ở Gạc Ma và các đảo thuộc Trường Sa trong đợt tấn công phi nghĩa của Trung Quốc năm 1988.

Tất cả thuyền viên mặc áo cờ đỏ sao vàng, nghiêm trang cúi mình trước lễ, khoé mắt đa phần đã đỏ hoe. 200 đại biểu xếp hàng ngay ngắn, lắng nghe từng lời trong Bài tưởng niệm chi tiết công lao và những hi sinh của những người anh hùng. Tiếng sụt sùi của nhiều người như làm bầu không khí trang nghiêm thêm phần xúc động vì những mất mát quá lớn...

Sau khi từng người dâng hương, cả đoàn thực hiện nghi lễ thả hoa đăng vào vùng biển của Việt Nam để tưởng nhớ các liệt sĩ. Từng ngọn nến lung linh trôi dần về phía đảo Gạc Ma, như một lời khẳng định về chủ quyền đanh thép của dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong- Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội (đứng giữa) và đồng chí Trần Quang Hưng trao tặng quà cho các em học sinh
Đồng chí Nguyễn Văn Phong- Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội và đồng chí Trần Quang Hưng trao tặng quà cho các em học sinh

Ngày 4:

Hôm nay đoàn đi thăm 2 đảo chìm Tiên Nữ và Núi Le B. Tiên Nữ nhìn giống hệt Len Đao, nhưng đặc biệt hơn một chút là Cực Đông của Trường Sa, cũng là nơi đón ánh nắng mặt trời đầu tiên của cả Việt Nam. Núi Le B dường như là đảo khó khăn nhất với chỉ gọn 1 công trình, còn lại công trình mới vẫn đang xây dự kiến cuối năm mới xong. Các đại biểu phải chịu khó “xông hơi” trong phòng họp cũ kín gió nhưng ai cũng vui vì được động viên các chiến sĩ.

Tôi bắt đầu thu thập được nhiều các chữ ký của chiến sĩ trên các đảo lên chiếc áo cờ đỏ sao vàng, với hi vọng không bỏ sót một ai tới hôm về Hà Nội. Tặng được các phần quà của Thành đoàn cho các chiến sĩ cùng sim thẻ điện thoại làm tôi thấy rất vui vì có cảm giác được san sẻ những khó khăn cùng các anh em nơi đây. Đoàn văn công như thường lệ vẫn hát hò nhiệt tình hết mình với các chiến sĩ, để lại nỗi nhớ thương dù mới chỉ gặp nhau có một vài chục phút ngắn ngủi.

Tôi được giao thêm nhiệm vụ tổ chức cuộc thi cờ tướng cho đoàn, mà vốn mọi người đã túm tụm chơi trên boong khu B rồi, chỉ có điều chơi theo kiểu cổ động viên nhiệt thành quá mức nhiều khi tranh đi thay nước của kỳ thủ. Đi quanh một vòng cũng lấy được tên của 20 vận động viên, tôi dự định tối nay sẽ xếp bảng thi đấu.

Những trải nghiệm trân quý và con người mới mẻ sau chuyến đi Trường Sa

Ngày 5:

Chúng tôi thẳng tiến tới đảo chìm Tốc Tan A. Mặt biển hôm nay như tấm gương phẳng lỳ, mặt trời chiếu chói chang trên nền trời không một bóng mây. Điểm đặc biệt của Tốc Tan A là những góc chụp hình cực đẹp trên nền biển xanh trong vắt, một số đại biểu tranh thủ checkin những pô ảnh “không góc chết trong lúc đoàn công tác trao tặng quà cho các chiến sĩ. Nghe nói Trưởng đoàn hôm qua chỉ được ngủ có 15 phút vậy mà vẫn phải thực hiện chương trình.

Tốc Tan A là đảo các chiến sĩ hát hay nhất từ lúc chúng tôi đến Trường Sa. Chiến sĩ Trọng thậm chí thuộc bài hơn cả các văn công của đoàn. Quân dân hát vang những lời ca yêu đời, phía sau là mặt biển xanh rì, xa xa là chiếc tàu 561 thân thương...

Buổi chiều chúng tôi đến với Phan Vinh, đảo nổi lớn nhất từ đầu chuyến đi, đầy đủ xe tăng, vận tải, đài quan sát radar tối tân. Tôi lên đảo sớm để tranh thủ xin chữ ký của từng chiến sĩ đang xếp hàng chờ đón các thủ trưởng. Thành đoàn cũng tặng được bức tranh thiếu nhi đầu tiên sau những lần chỉ được trao các thùng đồ ăn cho các chiến sĩ.

Xong chương trình chính, các đại biểu lên thắp hương cho anh hùng Phan Vinh, người đã anh dũng hi sinh khi phòng thủ lính ngụy để giữ đảo. Tiếp theo Đoàn công tác tặng ngôi chùa trên đảo một bức tượng Phật Ngọc Quan Âm.

Với số lượng lớn chiến sĩ trên đảo, cuộc giao lưu văn nghệ thực sự là “bốc” nhất từ đầu chuyến đi, với nhiều ca khúc sôi nổi và sự tham gia hết sức tích cực của các chiến sĩ. “Bâng khuâng Trường Sa”, “Nơi đảo xa”, “Nối vòng tay lớn”... tiếng hát của chiến sĩ hoà với đoàn văn công vang vọng một góc đại dương bao la.

Trở về với tàu 561, tôi triển khai nội dung Cờ tướng, hẹn 24 kỳ thủ lên Boong A bốc thăm chia 2 bảng để chấm dứt tình trạng “hai người chơi chục người chém”. 15’ gọn gàng các kỳ thủ đã được phân bảng, sẵn sàng tham chiến. Sau bữa ăn, các đoàn tiếp tục tập văn nghệ hăng say và các kỳ thủ có buổi luyện cờ đêm đầu tiên tới tận đêm.

Những món quà thể hiện tình cảm của Thủ đô Hà Nội với những chiến sĩ canh giữ biển trời Tổ quốc
Những món quà thể hiện tình cảm của Thủ đô Hà Nội với những chiến sĩ canh giữ biển trời Tổ quốc

Ngày 6:

Ngày hôm nay lịch trình gồm 2 đảo Thuyền Chài A và An Bang. Trong khi chúng tôi có trải nghiệm lần đầu tiên giao lưu trong chính căn phòng ở của các chiến sĩ tại Thuyền chài A, thì bãi cát dài với làn nước xanh dương của An Bang thực sự là một cảnh tượng đẹp đến mê người. Cùng các chiến sĩ đỡ thuyền cập bãi cát trắng, tôi tranh thủ xin chữ ký từng người lên chiếc áo cờ đỏ sao vàng suýt chút nữa đã ướt nhẹp vì nước biển. Được tháp tùng các thủ trưởng đi thăm vườn rau, khu tăng gia và nhà đèn, tôi thực sự khâm phục những nỗ lực hàng ngày của các chiến sĩ và người lao động nơi đây.

Cùng ngày hai bảng đấu “Bản lĩnh Trường Sa” đã chọn được 12 kỳ thủ vượt qua vòng đấu loại đầu tiên. Những trận thư hùng đầy gay cấn và kịch tính đã mang lại một sân chơi trí tuệ cho các thuyền viên để rồi đến 8h tối là chương trình Giao lưu âm nhạc đêm đầu tiên giữa các tổ diễn ra. Một không khí rộn ràng và vui vẻ đầy ắp con tàu 561 đang trên Hải trình hướng tới những hòn đảo tiếp theo trong chuyến đi đầy ý nghĩa của Đoàn công tác.

Những trải nghiệm trân quý và con người mới mẻ sau chuyến đi Trường Sa

Ngày 7:

Một tuần trên tàu, cảm giác đã bắt đầu thân thuộc, đúng 5:30 sáng tôi thức giấc mà không cần đợi tới lúc nghe Thuyền trưởng gọi “Đoàn tàu báo thức, báo thức đoàn tàu”. Mọi người đều nắm khá rõ các lối đi lên các khu trên tàu, khu bếp, cabin...

Chương trình sáng nay đặc biệt ý nghĩa, bởi đúng 2 năm trước công trình nhà văn hoá đa năng Đá Đông A khởi công và hôm nay được chính thức khánh thành. Trong bài phát biểu lắng đọng của mình, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã nêu bật tầm quan trọng về mặt văn hoá tinh thần lẫn chiến lược giữ chủ quyền của công trình.

Chuẩn Đô đốc Hoàng Hồng Hà cũng một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của biển trong thế kỷ và thiên niên kỷ mới. Chúng tôi cũng thấy thật may mắn bởi chỉ trong một chuyến công tác này mà vừa khởi công được một công trình, được chứng kiến một công trình khác đang thành hình và được khánh thành một nhà văn hoá đa năng để góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông.

Như mọi lần, kết thúc chương trình giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ là tôi lại phi về cabin để thông báo giải Bản lĩnh Trường Sa. Cầm vào bộ đàm đúng lúc đồng hồ điểm 10h, tôi vừa đọc tên các kỳ thủ vừa cố không thở hổn hển. Một số ứng viên vô địch tiềm năng đã lộ diện rõ ràng trong buổi thi đấu sáng nay. Anh Phong cũng qua động viên các kỳ thủ, thật bất ngờ là anh cũng có nhãn quan của một kỳ thủ kỳ cựu.

Buổi chiều là một trải nghiệm cực kỳ đáng nhớ đối với tất cả những người lên được đảo Trường Sa đông. Lúc cano cập bến cũng là lúc cơn mưa như trút nước ào xuống khiến tất cả phải chạy nhanh vào trong hội trường. Đảo khá lớn nên tôi ướt như chuột lột, may sao có chiếc điện thoại để trong túi quần và chiếc áo đỏ sao vàng kín chữ ký trong ba lô vẫn khô ráo.

Dường như cơn mưa rào chính là chất xúc tác để mọi người cùng bỏ qua hết những ngượng ngùng mà biểu diễn dưới mưa. Chiến sĩ ở Trường Sa đông thông minh, táo bạo và quyết liệt, có nhiều hạt nhân hát, múa nổi bật, dường như chỉ chờ có đoàn công tác tới để phô diễn tài năng. Quân và dân cùng nhau hát vang nhảy múa, có thể nói rằng đây chính là 2 cơn mưa rào trong cùng một ngày cho các chiến sĩ trên đảo, và cũng cho chính chúng tôi.

Trở về với tàu trong cơn mưa rào, tôi lại thực hiện nhiệm vụ tổ chức giải cờ của mình, đợi cho trận cuối cùng xong thì cũng chỉ vừa kịp để ăn vội một bát mì tôm và thay quần áo để diễn văn nghệ. Hôm nay tổ 3 diễn thật xuất thần, với tinh thần “tổ 3 thứ 2 không ai thứ nhất”, các ca khúc tốp ca nam, đơn ca nữ và tốp ca nam nữ nhận được sự cổ vũ nhiệt thành từ phía các cổ động viên. Tôi thì đặc biệt vui vì được mặc bộ quần áo chiến sĩ để hát trôi chảy bài “Anh và em đến với Trường Sa”.

Một ngày thật đáng nhớ.

Những trải nghiệm trân quý và con người mới mẻ sau chuyến đi Trường Sa

Ngày 8:

Sáng nay chúng tôi đi thăm Đá Tây A, một điểm đảo chìm có tới 3 công trình và 1 hải đăng. Về mặt lý thuyết hoàn toàn có thể đổ đá vào bãi để hình thành thêm một đảo nổi tại đây. Đó sẽ là một bước tiến lớn trong quá trình đấu tranh giữ gìn và phát triển biển đảo quê hương, nhưng việc thực hiện không thể trong chốc lát. Vì vậy hôm nay chúng tôi vẫn tạm tìm một góc checkin với ngọn hải đăng cực phẩm để lưu lại khoảnh khắc quý giá này.

Quay trở về tàu, Chung kết giải cờ tướng diễn ra với 3 kỳ thủ đẳng cấp, thể thức vòng tròn một lượt có rủi ro sẽ diễn ra tình huống hoà nếu mỗi người thắng một ván. Và đó chính là điều đã xảy ra sau 3 lượt đấu cân não trên cabin. Chúng tôi tạm dừng để chiều tái đấu lại khi cập cảng Trường Sa Lớn.

Trường Sa Lớn là đảo lớn nhất Quần đảo Trường Sa, với 7 hộ dân sinh sống. Sau thời gian đánh lái điêu luyện, thủy thủ đoàn dẫn đầu bởi thuyền trưởng Phạm Văn An đã cập cảng để đưa đoàn lên đảo.

Đúng giờ, toàn bộ thuyền viên thực hiện nghi lễ chào cờ và duyệt binh trên đảo với một tinh thần hừng hực khí thế. Chào cờ xong tôi vội chạy ra tàu trực tiếp dùng xe đạp chở quạt sắp xếp vào các vị trí trao quà trong Nhà Văn hoá. Trong chương trình làm việc, hôm nay chúng tôi trao được số xe đạp, quạt máy và vật dụng mà người dân yêu cầu, và đặc biệt là trao Huy hiệu 90 năm Đoàn Thanh niên cho Chuẩn Đô Đốc Hoàng Hồng Hà như một món quà thể hiện tình cảm và quyết tâm của tuổi trẻ Thủ đô cùng đồng hành với Hải quân gìn giữ biển đảo quê hương.

Chiếc áo cờ đỏ sao vàng của tôi hôm nay cũng cơ bản đủ số dấu và chữ ký của tất cả các Đảo Trường Sa. Tôi cũng mua được 4 triệu đồng tiền ốc kỷ niệm đó chính tay cư dân đảo vẽ, mang về đất liền làm quà.

Chiều tối, sau khi các kỳ thủ một lần nữa đấu hoà, tôi giao lưu với thủy thủ đoàn vài chén trước khi tham gia giao lưu văn nghệ trên đảo. Loa hơi rè có lẽ do gió biển đã làm han rỉ thiết bị, thế nhưng tinh thần giao lưu chung đã làm chúng tôi xúc động lắm rồi, và quan trọng là chiến sĩ, cư dân trên đảo thấy vui. Tôi kịp vào vãn cảnh chùa và gặp sư thầy, còn được thầy cho chữ Phúc, cảm thấy thực sự viên mãn.

Thời khắc rời đảo, các chiến sĩ xếp thành hàng dài tạm biệt đoàn, hô vang “Trường Sa yêu cả nước”, các thành viên trên tàu cũng đồng thanh hô “Cả nước yêu Trường Sa”. Chúng tôi còn cùng nhau hát những bài hát về thanh niên, vang vọng một góc biển trời Tổ quốc. Khung cảnh bịn rịn, xúc động vô cùng, hai bên vẫy tay chào nhau tới lúc những ngọn đèn flash le lói xa tít tắp...

Những trải nghiệm trân quý và con người mới mẻ sau chuyến đi Trường Sa

Ngày 9:

Nhà giàn DK1 20 đứng sừng sững giữa biển - đây chính là điểm đến của chúng tôi ngày hôm nay. Cano chồm lên từng đợt sóng nhưng càng gần Nhà giàn thì việc tiếp cận lại càng khó khăn. Từng người phải căn thời điểm bước từ cano lên chiếc cầu thang thẳng đứng, may sao có các chiến sĩ trên cano và Nhà giàn đã hướng dẫn rất tận tình nên cả đoàn đều lác đác lên tới mặt sàn hình lưới Nhà giàn.

Dưới chân chúng tôi nhìn rõ điệp trùng sóng vỗ tấp vào những chiếc cột lớn của Nhà giàn, một chiếc cầu thang bộ khoảng 100 bậc dẫn lên tới nhà điều hành. Khung cảnh từ đây nhìn ra bốn biển thật là hùng vĩ, một cây cầu dẫn sang nhà giàn cũ chênh vênh giữa biển.

Phía trên nóc có vườn rau của chiến sĩ, phía còn lại là sân đáp trực thăng. Chúng tôi nhanh chóng bê những phần quà cho chiến sĩ để thực hiện chương trình. Kết thúc, sau phần giao lưu văn nghệ, anh Phong và tôi vô tình tìm được thiết bị câu và thử làm cần thủ ở DK1. Xuống gần tới sàn thấp nhất để tiếp cận mặt biển, chúng tôi nhìn thấy rõ cả đàn cá đang bơi lội. Một con cá rất lớn cắn câu, tôi vội giật lên thì mất lưỡi, thử thêm một lúc thì đã tới lúc cả đoàn đi về.

Tôi vội lấy ba lô, chào người chiến sĩ quê Hải Dương rồi trèo ngược lại chiếc thang thẳng đứng để xuống xuồng. Đây có thể nói là màn mạo hiểm nhất chuyến đi, với rủi ro xuồng dập vào thang dẫn tới mất chân thậm chí tử vong. Rất may với kinh nghiệm và sự tận tình của các chiến sĩ, cả đoàn lần lượt về được tàu. Tôi lập tức tổ chức buổi thi đấu chung kết giải cờ Tướng cuối cùng, kết quả ba kỳ thủ vẫn hoà nhau theo thế chân vạc.

Tối nay đoàn tổng kết, Chuẩn đô đốc có một bài phát biểu súc tích và đi vào lòng người, các ca sĩ dù khá say sóng nhưng vẫn nỗ lực biểu diễn cho đoàn công tác. Tới màn trao thưởng, tôi khá bất ngờ vì ca khúc “Trường Sa đó là nhà” đạt giải Đặc biệt với điểm số cao cách biệt.

Cả 3 kỳ thủ lên nhận đồng giải Nhất cờ tướng với cơ cấu khá đẹp: 1 từ các địa phương, 1 từ Hà Nội và 1 từ tàu 561. Tối nay tôi thử vác chăn gối lên cabin ngủ với anh em lái tàu. Cabin mát rượi, dù hơi lắc nhưng rất thoải mái, tôi chìm vào giấc ngủ sâu hồi phục chờ ngày mai về với đất liền.

Ngày 10:

Hôm nay chủ yếu để chia tay anh em tàu và bạn cùng phòng. Tôi lại mặc trang phục đoàn thanh niên và lên boong trao Huy hiệu 90 năm cho đồng chí An thuyền trưởng. Anh An là con người hồn hậu, sắc bén và có năng lực cao. Anh hay gọi trêu tôi là Ksor Hưng (về sau là shark Hưng) và hẹn sớm gặp ở Hà Nội khi anh đi thăm bố ốm ở Viện 108.

Thuyền phó Minh tiếp tục chụp cho các anh em những chiếc ảnh checkin cực phẩm, ngoài tài lái xuồng thì Minh còn có màn cứu một cô thuyền viên rơi từ nhà giàn xuống nước hôm qua khiến tôi đặc biệt mến mộ. Nhân, Thành là những người anh em đáng nhớ khác, với sự chân thành và nhiệt tình của người lính, tôi tin chắc chắn sau này sẽ gặp lại họ ở những cương vị cao hơn, có thể trong một đoàn của sinh viên đi thăm Trường Sa...

“Hành trình nào cũng có lúc kết thúc” - Thuyền trưởng An khẳng định khi con tàu của chúng tôi nhìn thấy đất liền, các thiết bị bắt sóng 3G ting ting liên tục. Và chúng tôi lại lao vào tiếp tục những cuộc hành trình sau khi đến Trường Sa, nhưng với những trải nghiệm trân quý và con người mới mẻ sau chuyến đi đầy ý nghĩa này.

Tin tức giải trí mới nhất ngày 14/4: Nguyễn Trần Trung Quân ra Trường Sa biểu diễn Tin tức giải trí mới nhất ngày 14/4: Nguyễn Trần Trung Quân ra Trường Sa biểu diễn
Những tâm tình gửi thiếu nhi huyện đảo Trường Sa Những tâm tình gửi thiếu nhi huyện đảo Trường Sa
Vĩnh Phúc: Khởi công công trình thanh niên “Cột mốc Trường Sa” Vĩnh Phúc: Khởi công công trình thanh niên “Cột mốc Trường Sa”

Đọc thêm

Huỳnh Thị Thanh Thủy sẽ giữ gìn danh giá của Hoa hậu Thời trang - Làm đẹp

Huỳnh Thị Thanh Thủy sẽ giữ gìn danh giá của Hoa hậu

TTTĐ - Tân Hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy Quốc tế 2024 khẳng định sẽ giữ gìn sự danh giá của chiếc vương miện quý báu trong buổi giao lưu do báo Tiền Phong tổ chức chiều 19/11.
UNIQLO ra mắt 2 bộ sưu tập độc quyền tôn vinh văn hóa Việt Thời trang - Làm đẹp

UNIQLO ra mắt 2 bộ sưu tập độc quyền tôn vinh văn hóa Việt

TTTĐ - UNIQLO vừa công bố khởi động Chương trình kỷ niệm cột mốc 5 năm tại Việt Nam, bắt đầu từ ngày 29/11 đến ngày 5/12/2024. Với thông điệp “Cảm ơn Việt Nam - Luôn vẹn tin yêu”, chương trình bao gồm loạt hoạt động thay lời tri ân gửi đến khách hàng, cùng quà tặng hấp dẫn diễn ra trên khắp hệ thống cửa hàng bán lẻ và cửa hàng trực tuyến của UNIQLO.
Thanh Hằng khoe nhan sắc rực rỡ với đầm đính 1.000 bông hoa Thời trang - Làm đẹp

Thanh Hằng khoe nhan sắc rực rỡ với đầm đính 1.000 bông hoa

TTTĐ - Diện chiếc đầm dạ hội đính 1.000 bông hoa lụa, nặng khoảng 20kg trong show “Timeless”, Thanh Hằng khoe nhan sắc rực rỡ và chứng tỏ bản lĩnh vượt trội, sải những bước đầy cuốn hút sau nhiều năm nổi tiếng trong làng thời trang.
Hùng tráng bài ca “Cùng nhau giữ nước” Văn hóa

Hùng tráng bài ca “Cùng nhau giữ nước”

TTTĐ - Tối nay (18/11), tại Hoàng thành Thăng Long, chương trình chính luận nghệ thuật "Cùng nhau giữ nước" đã diễn ra với quy mô hoành tráng. Những tiết mục nghệ thuật đặc sắc với sân khấu hoành tráng, sử dụng công nghệ 3D mapping đã kể thành công câu chuyện “dựng nước” và “giữ nước” của dân tộc Việt Nam.
Tối nay, diễn ra chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” Văn hóa

Tối nay, diễn ra chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”

TTTĐ - Tối nay (18/11), tại Hoàng thành Thăng Long sẽ diễn ra chương trình truyền hình trực tiếp chính luận nghệ thuật với tên gọi "Cùng nhau giữ nước".
Lan tỏa sâu rộng tinh thần sáng tạo trong cộng đồng Văn hóa

Lan tỏa sâu rộng tinh thần sáng tạo trong cộng đồng

TTTĐ - Tối 17/11, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã chính thức bế mạc. Sau 9 ngày liên tục đón tiếp gần 30 vạn Nhân dân và du khách tới thưởng lãm và tham gia tích cực, Lễ hội đã chứng tỏ sức hấp dẫn và lan tỏa tinh thần sáng tạo.
Mùa lễ hội và dấu ấn sáng tạo xuyên biên giới Nghệ thuật

Mùa lễ hội và dấu ấn sáng tạo xuyên biên giới

TTTĐ - Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 không chỉ là một sự kiện văn hóa đơn thuần mà còn thúc đẩy hợp tác phát triển công nghiệp văn hóa với các quốc gia trên thế giới. Việc đầu tư vào sáng tạo xuyên biên giới thông qua Lễ hội này không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mà còn góp phần đưa Hà Nội trở thành một trung tâm sáng tạo của khu vực và quốc tế.
Rực rỡ hơn cả thanh xuân với quà tặng trang sức từ DOJI Thời trang - Làm đẹp

Rực rỡ hơn cả thanh xuân với quà tặng trang sức từ DOJI

TTTĐ - Tháng 11 - khi những tia nắng dịu dàng cuối thu đang mời gọi, là lúc sẵn sàng cho những cuộc hội ngộ đầy xúc động, nơi những người bạn xưa cũ gặp lại nhau để sẻ chia ký ức, và cùng nhau ôn lại những tháng ngày thanh xuân đẹp đẽ.
Võ Ngọc Quyền đạt Huy chương Vàng “Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024” Nghệ thuật

Võ Ngọc Quyền đạt Huy chương Vàng “Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024”

TTTĐ - Tối 15/11, lễ bế mạc và trao giải “Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024” đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa thành phố Cần Thơ. Nghệ sĩ Võ Ngọc Quyền đã xuất sắc đoạt Huy chương Vàng với vai Minh trong vở “Đêm giao thừa” của Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh. Trong khoảnh khắc được vinh danh, cô không giấu được sự xúc động khi có thêm thành tích đáng nhớ trong sự nghiệp.
Kỳ vọng vào bệ đỡ cho những nhà sáng tạo trẻ Nghệ thuật

Kỳ vọng vào bệ đỡ cho những nhà sáng tạo trẻ

TTTĐ - Với chừng hơn 200 không gian sáng tạo, Hà Nội trở thành nơi có nhiều không gian sáng tạo nhất cả nước. Tuy hoạt động và phát triển sôi nổi song các không gian sáng tạo còn gặp nhiều khó khăn do thiếu sự ổn định về địa điểm và mô hình nguồn lực.
Xem thêm